Những toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông?

07:20 | 17/12/2015

1,213 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày gần đây, dư luận thế giới còn chưa lắng xuống vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga gây ra những căng thẳng cho quan hệ hai nước và khiến cho tình hình chính trị toàn cầu nóng lên thì báo chí lại vừa đưa tin, hàng ngàn binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm nhập sâu vào lãnh thổ Iraq và lập nên 3 trại huấn luyện cho người Kurd mà không được chính quyền Baghdad chấp thuận.

Vậy Thổ Nhĩ Kỳ đang có toan tính gì ở Iraq và Syria khi cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang trên đà thắng lợi ở hai quốc gia Trung Đông này?

Chính phủ Iraq vừa tuyên bố, có thể sẽ cầu viện Liên Hiệp Quốc trước việc Thổ Nhĩ Kỳ tự ý điều một đơn vị quân đội lớn được xe thiết giáp hộ tống tiến vào khu vực gần thành phố Mosul của nước này.

Ông Hakim al-Zamili, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc phòng Quốc hội Iraq thậm chí còn đe dọa rằng, Baghdad có thể nhờ tới sự "can thiệp quân sự trực tiếp" của Nga để đối phó với hành động "xâm phạm chủ quyền" này của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cho biết, ngừng đưa quân tới Iraq sau các tuyên bố trên.

Đục nước béo cò

Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, nước này hiện có khoảng 1.200 lính bộ binh, 500 lính bộ binh cơ giới với nhiều xe tăng, xe bọc thép và pháo ở khu vực Bamarni, gần thành phố Mosul của Iraq. Ngoài ra, họ còn có 400 lính đặc nhiệm đóng quân tại thị trấn biên giới Kanimasi, cùng 25 xe tăng được điều đến khu vực này.

Lực lượng trên đã đóng quân  bên trong lãnh thổ Iraq suốt hơn một năm rưỡi nay mà chính quyền trung ương Baghdad không hề hay biết. Từ năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở trại huấn luyện Bashiqa ở ngoại ô Mosul cho dân quân người Kurd, đồng thời mở thêm hai căn cứ nữa ở Soran và Qalacholan thuộc khu tự trị người Kurd ở miền Bắc Iraq.

Trong thời kỳ này, Thổ Nhĩ Kỳ đã huấn luyện được khoảng 2.500 dân quân người Kurd (peshmerga) và 1.250 tay súng người Sunni, những người cáo buộc chính quyền trung ương Iraq phân biệt đối xử với họ.

Là một quốc gia Trung Đông với đa số người dân theo dòng Hồi giáo Sunni, Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ mật thiết với lực lượng người Kurd ở Iraq do chính trị gia Massoud Barzani lãnh đạo hơn chính quyền trung ương do người Shiite nắm quyền kiểm soát ở Baghdad.

Một phát ngôn viên của chính quyền tự trị người Kurd xác nhận, người Thổ Nhĩ Kỳ đã ở trại huấn luyện Bashiqua để đào tạo dân quân peshmerga. Phản ứng giận dữ của Chính phủ Iraq thể hiện mối quan hệ căng thẳng ngày càng tăng giữa Baghdad và chính quyền tự trị người Kurd ở Erbil của ông Barzani.

Mosul trở thành sào huyệt của IS ở Iraq kể từ khi thành phố này rơi vào tay phiến quân từ tháng 6/2014. Hồi tháng trước, dân quân người Kurd dưới sự yểm trợ của Không quân Mỹ đã phong tỏa tuyến đường cao tốc nối liền Mosul với khu vực do IS kiểm soát ở Syria. IS hiện đang phải dựa vào một số tuyến đường nhỏ hơn để tiếp tế lương thực, đạn dược, nhiên liệu cho chiến binh trong thành phố này. Dân quân người Kurd đang tích cực chuẩn bị cho một chiến dịch nhằm cắt đứt nốt những tuyến đường này, đẩy IS ở thành phố vào tình thế bị cô lập và sớm sụp đổ.

"Nếu những tuyến đường này bị cắt đứt, chất lượng đời sống bên trong Mosul sẽ xuống dốc rất nhanh", một cựu quan chức tình báo Mỹ cho biết.

Đúng lúc IS ở Mosul rơi vào tình thế nguy ngập nhất thì hàng trăm binh sĩ được vũ trang hạng nặng của Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện ngay gần thành phố này. Lý do mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra để giải thích cho hành động điều quân trên là để bảo vệ lực lượng mà họ đã triển khai ở đó từ trước nhằm huấn luyện dân quân người Sunni, nhưng có vẻ như không có nhiều người chấp nhận lời giải thích này.

nhung toan tinh cua tho nhi ky o trung dong
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ huấn luyện cho lực lượng người Kurd ở Mosul, Iraq.

Đe dọa tiến trình hòa bình

Theo Dexter Filkins, nhà báo từng đoạt giải Pulitzer của New York Time, việc điều một lực lượng quân sự lớn đến Iraq là bằng chứng cho thấy, ông Erdogan đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng và tiếng nói ở nước này, sau những thất bại về chiến lược ở Syria.

"Ông Erdogan muốn là một phần trong bất cứ điều gì sắp diễn ra ở Mosul, và việc điều quân đến đây là biện pháp tốt nhất để đảm bảo cho điều đó", một quan chức cấp cao Iraq tiết lộ với ông Filkins.

Theo ông Mehmet Kaya, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tigris ở Thổ Nhĩ Kỳ, việc nước này điều quân tới Bashiqa là một động thái nhằm ngăn ngừa người Kurd ở Iraq đi theo đảng PKK, một lực lượng chính trị đòi độc lập cho người Kurd ở khu vực biên giới, và bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố. Ngoài ra, đây còn là một nỗ lực nhằm khoét sâu mâu thuẫn, khoảng cách giữa cộng đồng người Kurd tự trị ở Iraq với chính quyền trung ương nước này.

"Với quy mô của lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đóng quân ở Iraq, nhiều khả năng ông Barzani đã cho phép Ankara đồn trú lâu dài ở gần Mosul. Với việc Mỹ chuẩn bị triển khai hàng trăm lính đặc nhiệm tới Iraq, các quan chức ở Baghdad đang đặc biệt nhạy cảm với sự xuất hiện của bất cứ lực lượng nước ngoài nào" - ông Patrick Martin, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington, cho biết.

"Động thái điều quân mới nhất này nhằm tăng cường sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ, và đây chắc chắn là một phần trong tham vọng sáp nhập lãnh thổ do người Kurd kiểm soát ở Iraq vào Thổ Nhĩ Kỳ" - ông Aaron Stein, chuyên gia Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, nhận định. "Đối với nhiều người, đây sẽ được coi là một động thái của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm phá vỡ quốc gia Iraq" - chuyên gia này nói.

Gặp kháng cự từ Tổng thống Assad

Theo nhà báo Dexter Filkins, toan tính "tranh quyền đoạt lợi" của Tổng thống Erdogan, đã rất rõ. Kể từ năm 2011, khi phong trào nổi dậy ở Syria bùng lên, ông Erdogan đã tìm cách lợi dụng tình hình để thu lại lợi ích cho Thổ Nhĩ Kỳ bằng những hành động ủng hộ gần như công khai với phe nổi dậy.

Tuy nhiên, ông đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi hậu thuẫn, viện trợ cho một loạt các nhóm phiến quân, trong đó có cả IS, nhằm lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người từng là đồng minh, thân hữu của ông. Ankara đã cho phép, thậm chí là giúp đỡ, các chiến binh nước ngoài vượt biên vào Syria qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ. Filkins cho rằng, IS không thể bành trướng mạnh như hiện nay nếu không có sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ?

Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria chính là một phần trong chiến lược của họ trên toàn khu vực Trung Đông trong những năm đầu của phong trào Mùa xuân Arập. Ở bất cứ nơi nào có thể, ông Erdogan đều hậu thuẫn cho các phe phái chính trị có liên quan đến phong trào Anh em Hồi giáo. Đây là phong trào của người Hồi giáo dòng Sunni, khởi nguồn cho đảng cầm quyền AKP của ông Erdogan.

Tại Syria, ông Assad kháng cự kiên cường hơn những gì ông Erdogan đã nghĩ. Năm 2013, khi Mỹ quyết định không can thiệp quân sự vào Syria sau cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học, chính ông Erdogan là người tỏ ra tức giận với Tổng thống Mỹ Barack Obama hơn ai hết.

Bị Moscow bóc mẽ

Theo ông Haluk Ozdemir, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế tại Đại học Kirikkale, việc làm của Thổ Nhĩ Kỳ là một tín hiệu cảnh báo tới Nga, nước đang có quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ với Iraq. Mặc dù là một đồng minh của Mỹ, gần đây Iraq đã bày tỏ sự ủng hộ đối với chiến dịch quân sự chống IS của Nga ở Syria và cho rằng, chỉ có Nga mới có đủ quyết tâm và sức mạnh tiêu diệt nhóm khủng bố này.

Chính phủ Iraq thậm chí còn bật đèn xanh cho Nga thực hiện các vụ không kích chống IS trên lãnh thổ nước mình.

Trong khi đó, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xấu đi sau vụ bắn rơi máy bay Su-24 trên biên giới Syria. Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ ngầm ủng hộ và mua dầu của IS, đã giáng một đòn mạnh vào uy tín của ông Erdogan trong khi Ankara tố cáo Moscow cố tình tiêu diệt các nhóm phiến quân người Turk thân Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới.

Sau khi chiếc Su-24 bị bắn rơi, Nga đã tiến hành một chiến dịch không kích dữ dội ở khu vực biên giới phía bắc Syria và tuyên bố xóa sổ các nhóm phiến quân hoạt động ở đây. Thổ Nhĩ Kỳ đã không phản ứng được gì trước hành động quyết liệt này của Nga.

Theo giới phân tích, chiến dịch quân sự trả đũa của Nga có thể gây thiệt hại nặng cho các nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, làm suy giảm đáng kể ảnh hưởng và tiếng nói của Ankara, buộc nước này phải có những hành động nhằm khôi phục vị thế của mình trong khu vực.

"Việc điều quân đến gần Mosul nhằm mục đích trấn an các lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực rằng, họ không đơn độc, và đây cũng là một thông điệp mạnh mẽ được gửi tới Nga" - ông Ozdemir nhấn mạnh.

nhung toan tinh cua tho nhi ky o trung dong
Thổ Nhĩ Kỳ mang xe tăng và bộ binh tới Mosul, Iraq.

Nguy cơ khai hỏa “thùng thuốc súng Trung Đông”

Theo giới phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ không thể lén điều động một lực lượng quân sự lớn áp sát Mosul nếu như không có cái gật đầu của chính quyền Tự trị người Kurd ở miền Bắc Iraq (KDP). Ông Filkins cho rằng, trong bất cứ trường hợp nào, người Kurd ở Iraq cũng không thể từ chối Ankara, bởi giấc mộng độc lập của họ phụ thuộc rất lớn vào đường ống dẫn dầu nối từ khu tự trị người Kurd, chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ tới Địa Trung Hải. Ông Erdogan có thể chặn đường ống này và cắt đứt nguồn tài chính quan trọng của người Kurd bất cứ lúc nào.

"Từ năm 1992, biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq thực chất đã biến thành biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và KDP, với chất keo kết dính là dầu mỏ" - ông Aydin Selcen, chuyên gia đối ngoại cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ trả lời phỏng vấn. Theo ước tính của Financial Times, mỗi ngày KDP khai thác và bán ra 450.000 thùng dầu qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, thu về khoảng 1,5 tỉ USD chỉ trong vòng 2 tháng qua. Tuy nhiên số tiền này vẫn không đủ để KDP trả lương cho các nhân viên chính quyền, và Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tay giúp đỡ bằng những khoản cho vay hào phóng lên tới 1 tỉ USD.

Theo điều tra của phóng viên Tolga Tanis thuộc tờ Hurriyet, ông Erdogan và các quan chức thân cận có thể đã hưởng nhiều lợi ích tài chính từ hoạt động trung chuyển dầu cho người Kurd ở Iraq? Powertrans, công ty duy nhất được phép vận chuyển và mua bán dầu của người Kurd được điều hành bởi Berat Albayrak, con rể của ông Erdogan.

Một số quan chức người Kurd giấu tên cho hay Ahmet Calik, một doanh nhân có quan hệ mật thiết với ông Erdogan, là người duy nhất được phép vận chuyển dầu của người Kurd bằng xe tải tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà báo Filkins cho rằng, mối quan hệ "nhập nhèm" giữa người Kurd ở Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ có thể là “một mối họa” với khu vực, khi ngày càng nhiều cường quốc đưa lực lượng bộ binh tới Iraq và Syria, gia tăng nguy cơ nổ ra đụng độ vượt khỏi tầm kiểm soát.

"Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Iraq, lực lượng Nga, Iran và Hezbollah đang chiến đấu ở Syria, và sắp tới có thể là đặc nhiệm Mỹ, biến Trung Đông thành một thùng thuốc súng thực sự. Cuộc chiến ở Syria càng kéo dài bao nhiêu, nguy cơ nổ tung của thùng thuốc súng này càng lớn bấy nhiêu" - ông Filkins nhấn mạnh.

Yusuf Halacoglu, giáo sư sử học kiêm nghị sĩ đảng Phong trào Dân tộc (MHP) ở Thổ Nhĩ Kỳ đã mạnh mẽ chỉ trích kế hoạch "huấn luyện người Kurd" trên của chính phủ và cho rằng những chính sách của Ankara ở Iraq đang làm tổn hại đến lợi ích quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông Halacoglu, chính sách "liều lĩnh, bất chấp dư luận" này của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm phức tạp thêm tình hình ở điểm nóng Trung Đông, làm phương hại đến tiến trình đàm phán hòa bình để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria đang diễn ra ở Vienna.

Trong một tuyên bố trên truyền hình nhà nước, Bộ Ngoại giao Syria lên án "sự vi phạm trắng trợn lãnh thổ Iraq của Thổ Nhĩ Kỳ", và điều này cho thấy "vai trò tiếp tục phá hoại của Ankara ở Syria và Iraq".

Còn Iran, nước ủng hộ chiến binh người Shiite ở Iraq, cho rằng động thái triển khai quân của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "tạo ra hỗn loạn và rủi ro với an ninh khu vực". Phía Mỹ cho rằng, chính quyền Baghdad có quyền làm bất cứ điều gì để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình.

CAND

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc