Những người đầu tiên làm địa chất dầu khí

09:56 | 19/04/2019

896 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Những người làm công tác thăm dò dầu khí đầu tiên tại Việt Nam chủ yếu là từ ngành địa chất khoáng sản rắn chuyển sang và một phần được đào tạo về dầu khí tại các nước Đông Âu. Vượt qua tất cả mọi khó khăn, họ đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của lĩnh vực địa chất dầu khí.

Nha Kỹ nghệ thuộc Bộ Quốc dân kinh tế được thành lập năm 1945, sau này là Nha Khoáng chất - Kinh tế thuộc Bộ Kinh tế và Bộ Công Thương là những tổ chức đầu tiên của ngành địa chất Việt Nam có nhiệm vụ triển khai công tác điều tra cơ bản về địa chất, phục hồi hoạt động khai thác khoáng sản ở các mỏ, góp phần vào công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước.

nhung nguoi dau tien lam dia chat dau khi
Giếng khoan 61 - nơi đầu tiên phát hiện khí tại Việt Nam

Năm 1956, Sở Địa chất thuộc Bộ Công nghiệp được thành lập, sau đổi tên thành Cục Địa chất, nhằm thực hiện các nhiệm vụ chuyên sâu về lĩnh vực địa chất.

Đến ngày 26-7-1960, Tổng cục Địa chất trực thuộc Hội đồng Chính phủ được thành lập. Sự ra đời của Tổng cục Địa chất đã tạo ra một bước đột phá mới, nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị đã hoàn thành, các mỏ cũ đã được điều tra, thăm dò mở rộng, nhiều mỏ mới đã được phát hiện, tạo cơ sở cho ngành khai khoáng hình thành và phát triển.

Khi Đoàn Dầu lửa 36 được thành lập năm 1961, vẫn thuộc Tổng cục Địa chất, phần lớn những người làm địa chất dầu khí khi ấy được chuyển từ ngành địa chất khoáng sản rắn sang. Họ từng lăn lộn với các vùng mỏ miền Bắc. Từ các mỏ than ở Quảng Ninh, đến mỏ sắt Thái Nguyên, mỏ thiếc Cao Bằng, mỏ apatit Lào Cai... đều có dấu chân họ vác khoan, vác thiết bị đến đo đạc.

Khi chuyển công tác sang Đoàn Dầu lửa 36, họ chuyển địa bàn hoạt động về vùng Đồng bằng sông Hồng. Vì yêu cầu chuyên môn, họ cũng chuyển sang thực hiện những giếng khoan sâu hơn, quy mô hơn để hiểu biết rõ về lòng đất hơn. Cộng thêm những người được cử đi đào tạo tại các nước Đông Âu về, đó là những người đầu tiên của Việt Nam làm địa chất dầu khí. Sau này, đến tận năm 1977 mới có một ngành học có tên riêng là Địa chất dầu khí với thời gian thực hành nhiều hơn.

nhung nguoi dau tien lam dia chat dau khi
Ông Nguyễn Công Mợi bên cánh cửa nhà được làm từ gỗ xẻ của các thùng đựng mẫu vật

Ông Nguyễn Xuân Nhự (Chủ tịch Hội Dầu khí Thái Bình, nguyên Vụ phó Vụ Dầu khí - Văn phòng Chính phủ) là một người gắn bó lâu năm với ngành Dầu khí. Ông kể, ông về Liên đoàn Địa chất số 36 (được thành lập năm 1969 trên cơ sở Đoàn Dầu lửa 36, nhằm đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí ở vùng Đồng bằng sông Hồng) năm 1971, lúc đó ông được học về địa chất và đã biết về dầu khí nhưng chỉ biết kiểu “học trên giấy”. Khi về làm việc ở các giàn khoan, thực tế đã dạy cho ông rất nhiều trong chuyên môn.

Kể câu chuyện trên để thấy, có được những kỹ sư địa chất dầu khí lành nghề, được đào tạo bài bản như ngày hôm nay là rất khó khăn.

Thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, Đồng bằng sông Hồng là khu vực hoạt động dầu khí nhộn nhịp. Nhiều khoan trường được hình thành ở các cánh đồng thuộc các tỉnh như Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định. Thời điểm ấy, cư dân địa phương vẫn chưa biết dầu khí là gì, chỉ thấy từng đoàn người vận chuyển thiết bị, khoan xuống đất sâu hàng nghìn mét, họ vẫn gọi chung chung là “những người làm nghề địa chất”. Thời điểm ấy, họ cũng chưa hiểu những con người đó quan trọng như thế nào trong công cuộc đi tìm “vàng đen” cho đất nước. Và họ cũng không biết, để trở thành những người thợ lành nghề như vậy, người làm địa chất dầu khí đã phải rèn luyện và vượt qua nhiều gian khổ như thế nào.

2. Không chỉ khó khăn về mặt chuyên môn trong những ngày đầu “đi tìm lửa”, những người làm địa chất dầu khí thời điểm đó còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống, sinh hoạt, công tác. Dẫu biết rằng ở thời điểm ấy, cái khó là cái khó chung, ai cũng phải chịu đựng, nhưng ngành địa chất có những cái khó, cái khổ đặc thù riêng.

Ông Nguyễn Công Mợi (82 tuổi) từng là địa chất trưởng của rất nhiều giếng khoan dầu khí. Ông là một trong những người tiêu biểu làm địa chất dầu khí thời điểm đó - những người không biết gì ngoài công việc. Trong suốt những năm tháng lang bạt khắp các giàn khoan, rồi khi không khoan nữa, về làm công tác chuyên môn tại công ty, ông cũng không biết bất cứ việc gì ngoài công việc của mình. Nghe ông kể về cuộc sống những năm tháng đó, mới thấy hết sự khổ cực của những người làm địa chất dầu khí khi ấy.

Ông Mợi đọc thơ cho chúng tôi nghe: “Em chẳng lấy chồng địa chất đâu/ Lấy chồng địa chất chóng mọc râu/ Trèo đèo lội suối ho ra máu/ Để lại cho em vạn nỗi sầu”. Đó là những câu thơ mà các cô gái thường dùng để chọc những người làm địa chất dầu khí ở Đồng bằng sông Hồng. Ông bảo, đúng là ho ra máu thật khi môi trường làm việc nặng nhọc, kỹ thuật chưa vững, thường gặp sự cố và cách giải quyết sự cố thường dựa trên kinh nghiệm, nên nhiều lúc rất khó khăn. Ông Mợi kể: “Làm việc nặng nhọc, lương thực được cung cấp theo chế độ cho mỗi người là 18kg mỗi tháng, kể cả độn khoai, độn bo bo, về sau được tăng lên 21kg và 2,5kg thịt mỗi tháng. Nhưng thế cũng là tốt hơn nhiều so với người khác rồi”.

Ông Mợi trước khi về Liên đoàn Địa chất số 36 đã từng lăn lộn khắp các mỏ khoáng sản rắn ở miền Bắc. Từ Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên đến Quảng Ninh đều từng có dấu chân của ông. Rồi ông đi bộ đội, chiến đấu ở nhiều mặt trận, trong đó có trận ở thành cổ Quảng Trị huyền thoại. Ông không bị thương, nhưng bị sức ép của đạn pháo nhiều quá nên từ những năm 1972 đến giờ, đầu ông lúc nào cũng ong ong, hay chóng mặt. Nhưng vượt qua sự khó khăn về cơ sở vật chất, sự khó khăn về sức khỏe, ông Mợi vẫn cống hiến hết mình cho việc khoan, thăm dò dầu khí. Ông từng tham gia khoan 10 giếng khoan và làm trưởng địa chất của 5 giếng khoan. Ông yêu nghề đến nỗi, khi gần về hưu ông tha thiết xin lãnh đạo cho đi khoan biển, vì đời ông chưa được khoan biển lần nào. Nhưng vì lý do sức khỏe, mong muốn đó của ông không thành hiện thực.

Đến tận bây giờ, ông Mợi vẫn ở trong ngôi nhà cũ kỹ xây từ thập niên 80. Ngôi nhà này ông tự xây trong 5 năm, tự đào đất, đóng khung, đốt 3 lò gạch để xây nhà. Đến cửa của căn nhà cũng được đóng từ gỗ xẻ ra từ các thùng đựng mẫu vật bỏ đi. Những cánh cửa ấy đến bây giờ vẫn còn. Ông sinh được một người con, đặt tên là Duy Nhất, để tự dặn mình và vợ là chỉ sinh một đứa, vì quá khó khăn không thể nuôi nổi đứa con thứ hai. Kể câu chuyện đời của người kỹ sư địa chất già này để thấy, lớp người làm địa chất dầu khí đầu tiên họ đã vượt qua cái đói, cái nghèo và rất nhiều khó khăn để cống hiến, để yêu nghề, để tạo nền tảng cho ngành địa chất dầu khí Việt Nam phát triển như ngày nay.

Không chỉ khó khăn về mặt chuyên môn trong những ngày đầu “đi tìm lửa”, những người làm địa chất dầu khí thời điểm đó còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống, sinh hoạt, bởi ngành địa chất có những cái khó, cái khổ đặc thù riêng.
nhung nguoi dau tien lam dia chat dau khiKhai trương trụ sở mới Hội Địa chất Dầu khí Việt Nam và Chi hội Dầu khí Hà Nội
nhung nguoi dau tien lam dia chat dau khiCông tác đào tạo ngành Địa chất Dầu khí: Coi trọng khâu thực hành

Thanh Hiếu