Những mục tiêu quan trọng tại dự thảo sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp

17:30 | 01/09/2023

150 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) sửa đổi.
Đẩy mạnh quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNNĐẩy mạnh quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN
Tạo cơ chế, nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNNTạo cơ chế, nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN
Xử nghiêm vi phạm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựngXử nghiêm vi phạm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng
Những mục tiêu quan trọng tại dự thảo sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp
Bộ Tài chính trình Chính phủ Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp sửa đổi/Ảnh minh họa/Nguồn: VNPT//https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo Ban soạn thảo dự thảo Luật, dự án xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp hướng đến các mục tiêu cụ thể như sau:

Một là, xác định rõ nguyên tắc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đảm bảo tách bạch rõ chức năng quản lý, đầu tư vốn của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản trị, điều hành của doanh nghiệp theo nguyên tắc “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”, bảo toàn, hiệu quả, công bằng, thị trường, linh hoạt và công khai, minh bạch; vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải được quản lý thống nhất, hạch toán tập trung, sử dụng kịp thời, linh hoạt; tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển tiếp cận trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến khu vực, quốc tế.

Nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước để làm tốt vai trò dẫn dắt mở đường cho các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác phát triển; đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo hướng tiên tiến, phù hợp với thông lệ, chuẩn mức quốc tế; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Hai là, xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi, lĩnh vực, nguyên tắc, hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; phân cấp, phân quyền rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan trong hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; xác định Nhà nước là nhà đầu tư vốn, không can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động và quản trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đảm bảo kịp thời, linh hoạt và công khai, minh bạch giúp doanh nghiệp có đầy đủ nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch được giao.

Ba là, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, phù hợp đối với hoạt động sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp có vốn nhà nước phù hợp với từng giai đoạn, thời kỳ và yêu cầu của quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Bốn là, tăng cường phân công, phân cấp cho cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc doanh nghiệp gắn với trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, của lãnh đạo doanh nghiệp; trách nhiệm giám sát, kiểm tra của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn về kết quả, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường, đúng quy định của pháp luật.

Năm là, đổi mới căn bản phương thức quản trị theo nguyên tắc thị trường, thông lệ quốc tế đối với doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục tiêu, mục đích, chiến lược, ngành, nghề, đảm bảo hiệu quả khi nhà nước giao thêm quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sáu là, quy định cụ thể về nội dung quản lý, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo tiêu chí, mục tiêu tổng thể đầu tư vốn nhà nước; quyền và trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước gắn với chế độ báo cáo, công khai thông tin, trách nhiệm giải trình của cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện phần vốn tại doanh nghiệp; Ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả trong quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ: “Luật này quy định việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sắp xếp và cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Dự thảo Luật xác định đối tượng áp dụng bao gồm: (i) Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, bao gồm các doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khác do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn đầu tư vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp;

(ii) Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác, bao gồm các doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khác do doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp đầu tư vốn; (iii) Doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

(iv) Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (v) Người đại diện phần vốn của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp tại các doanh nghiệp khác; (vi) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (t/h)