Những mánh lừa tinh vi thời công nghệ cao (Kỳ 3)

06:55 | 17/08/2015

2,577 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mất cả tỉ đồng chỉ vì một cú điện thoại là một câu chuyện có vẻ như khó tin nhưng có thật. Sử dụng các kỹ thuật công nghệ cao trong lĩnh vực tin học, bọn tội phạm đã biến những cuộc gọi từ nước ngoài thành cuộc gọi trong nước, biến các số máy của chúng thành số máy của… lực lượng công an khiến người dân, dù đã cảnh giác, vẫn mắc bẫy lừa… Xuất hiện từ cuối năm 2013, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại tiếp tục hoành hành ở nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc với những chiêu trò  hết sức tinh vi như giả bắt cóc người thân, giả làm nhân viên bưu điện thông báo nợ cước điện thoại, giả Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, ngân hàng… thông báo tài khoản bị xâm nhập và mới đây nhất là trò giả cơ quan điều tra đang điều tra các vụ án lớn có liên quan đến chủ thuê bao điện thoại, lừa họ chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt.  

Những mánh lừa tinh vi thời công nghệ cao (Kỳ 2)

Những mánh lừa tinh vi thời công nghệ cao (Kỳ 2)

Tiền ảo được ra đời trong thời đại công nghệ số. Gọi là “tiền ảo” bởi nó là tiền điện tử không được phát hành bởi chính phủ hay một tổ chức tài chính nào, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng Internet.

Bài 3: Mất cả tỉ đồng vì... một cú điện thoại

Người dân chuyển hàng tỉ đồng vào… tài khoản của tội phạm

Ông Nguyễn Văn Đ, 70 tuổi, cán bộ hưu trí tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Khoảng 9h sáng ngày 23-6-2014, ông Đ đang ở nhà một mình thì điện thoại cố định đổ chuông. Ở đầu dây bên kia, giọng một phụ nữ tự giới thiệu là nhân viên VNPT thông báo cước điện thoại tháng 6 của gia đình ông Đ đang sử dụng là 8.930.000 đồng. Phát hoảng vì số cước điện thoại khủng từ trên trời rơi xuống như vậy, ông Đ thắc mắc “hàng tháng cước nhà tôi chỉ 20.000 đến 25.000 đồng/tháng”, kẻ xưng nhân viên bưu điện hướng dẫn ông bấm thêm phím số “9” để kết nối tới Cơ quan Công an làm rõ sự việc.

Khi ông Đ làm theo hướng dẫn này, một giọng nam giới nói giọng miền Nam thông báo ngoài số điện thoại tại Hà Nội thì ông Đ còn đứng tên đăng ký một số điện thoại khác tại TP Hồ Chí Minh. Sau đó, đối tượng yêu cầu ông cung cấp số điện di động đang sử dụng để liên lạc. Khi đó, trên màn hình điện thoại của ông Đ hiển thị số gọi đến là (+83) 92311xx, đối tượng hướng dẫn ông có thể kiểm tra số điện thoại 083.92311xx qua tổng đài 1080 sẽ biết đang làm việc với ai.

Những mánh lừa tinh vi thời công nghệ cao (Kỳ 3)
Một nhóm đối tượng lừa đảo qua điện thoại bị bắt giữ

Ông Đ gọi 1080 kiểm tra, được trả lời số máy 083.92311xx là của một đơn vị công an tại TP Hồ Chí Minh. Bởi thế mà ông tin rằng đang làm việc với Cơ quan Công an thật và người đang liên lạc với ông là công an. Số điện thoại hiển thị (+83) 92311xx chủ động liên lạc lại với ông Đ, đối tượng chuyển điện thoại cho ông Đ nói chuyện với “sếp”. Người này tự xưng là Lê Minh, điều tra viên của “Đội điều tra ma túy” đang điều tra một đường dây ma túy xuyên quốc gia do Nguyễn Huy Hùng, nhân viên ngân hàng S. cầm đầu đã sử dụng một số tài khoản tại ngân hàng vào các phi vụ mua bán hàng trăm bánh hêrôin nên cần làm rõ những người liên quan. “Lê Minh” tra hỏi ông Đ có giao dịch nhà đất, chứng khoán hay có tài khoản, sổ tiết kiệm… tại ngân hàng này không? Ông Đ thật thà “khai báo” có một sổ tiết kiệm 720 triệu đồng gửi tại ngân hàng S. và khẳng định bản thân là cán bộ hưu trí hoàn toàn trong sạch, số tiền này là tiền tích cóp, tiết kiệm cả đời chứ không liên quan gì đến tội phạm ma túy. “Lê Minh đề nghị ông cung cấp số sổ tiết kiệm để “xác minh”. Sau đó, “Lê Minh” thông báo vì cơ quan điều tra ở tận TP Hồ Chí Minh nên không có điều kiện tới ngân hàng S. nơi ông Đ gửi tiền để làm việc, trong khi yêu cầu điều tra xác minh rất gấp nên yêu cầu ông Đ chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm trên vào tài khoản của cơ quan công an để “phục vụ việc điều tra”.

Cả cuộc đời là giáo viên, không va chạm với ai bao giờ nên ông Đ cảm thấy rất lo lắng về việc “liên quan đến đường dây ma túy xuyên quốc gia” như đối tượng thông báo. Với mong muốn được nhanh chóng “minh oan” nên ông Đ răm rắp làm theo hướng dẫn của “Lê Minh”: Tới ngân hàng S rút toàn bộ 720 triệu đồng, sau đó mang đến một chi nhánh giao dịch của ngân hàng M, gửi vào số tài khoản do “Lê Minh” cung cấp. Trong suốt quá trình liên lạc với đối tượng “Lê Minh” từ sáng cho đến 16h30’ cùng ngày, ông Đ tuân thủ mọi yêu cầu do “Lê Minh” đặt ra như không tiết lộ việc đang “cộng tác với cơ quan công an” cho bất cứ ai, kể cả người thân; giữ liên lạc liên tục, không được tự động ngắt điện thoại và làm theo mọi hướng dẫn của “công an”.

Sau khi hoàn tất việc chuyển tiền, “Lê Minh” cho biết Cơ quan Công an sẽ tạm giữ số tiền của ông Đ trong vòng 24 giờ rồi hoàn lại, nghĩa là khoảng 16h30’ ngày hôm sau 24-6 ông Đ sẽ ra kho bạc Nhà nước nhận lại tiền được “cơ quan công an gửi lại”, đồng thời có một tổ công tác của “Đội phòng chống ma túy” từ TP Hồ Chí Minh ra “minh oan” cho ông Đ. Đinh ninh trong lòng mình đang “giúp đỡ cơ quan điều tra” làm sáng tỏ vụ án, đồng thời sẽ được minh oan nên ông Đ đã giữ im lặng, bí mật tuyệt đối sự việc. Cho đến chiều hôm sau, ngồi chờ mãi chẳng thấy có ai đến “minh oan”, cũng chẳng có thông báo của ngân hàng mời lên nhận tiền, ông Đ vội gọi lại số máy có đầu (+83) nhưng không liên lạc được. Gọi đến số máy 083.92311xx, ông Đ được thông báo không có ai là “Lê Minh” và thời gian qua, có rất nhiều người dân đã bị tội phạm dùng công nghệ cao giả danh số điện thoại trên để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cũng bị sập bẫy lừa như ông Đ là bà L.T.P. (SN 1952, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội). Trình báo tại Công an TP Hà Nội, bà cho biết, một buổi sáng đột nhiên bà nhận được một cú điện thoại từ một đối tượng tự xưng là… cán bộ công an. Sau khi hỏi về số chứng minh nhân dân (CMND) của bà P đối tượng này thông báo cho bà biết hiện thuê bao điện thoại của bà đang nợ tiền cước viễn thông lên tới nhiều triệu đồng. Nghiêm trọng hơn, số CMND mang tên bà còn liên quan đến một vụ việc tiêu cực lớn, với số tiền lên tới 16 tỉ đồng. Đối tượng còn tra hỏi bà hiện có bao nhiêu tiền trong tài khoản ngân hàng, bao nhiêu tiền trong sổ tiết kiệm…

Sau khi nhận được cú điện thoại này, bà P vô cùng hoảng sợ và ra sức "thanh minh" rằng mình không hề liên quan gì đến những vụ việc tiêu cực kia. Đối tượng đã chuyển điện thoại cho một thanh niên khác xưng là… "Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra" để cho bà P tiếp tục trình bày. Các đối tượng tiếp tục khẳng định bà P hiện có liên quan đến một đường dây hối lộ lớn. Và để chứng minh rằng không có liên quan thì bà P phải chuyển hết số tiền tiết kiệm của bà là 2 tỉ 350 triệu đồng vào tài khoản cho… "cơ quan công an" để xác minh. Sau khi đã làm rõ, "cơ quan công an" sẽ hoàn trả lại đầy đủ cho bà, không thiếu một xu.

Bên cạnh đó, đối tượng còn dặn bà P rằng, đây là một chuyên án lớn của lực lượng công an, yêu cầu bà phải giữ kín, không được tiết lộ cho bất kỳ ai kể cả chồng, con. Và cũng phải giữ liên lạc thật chặt chẽ với "cơ quan điều tra". Ngay hôm sau, bà P tuân thủ đi rút hết sổ tiết kiệm rồi chuyển vào 8 tài khoản ngân hàng Techcombank do các đối tượng cung cấp. Nhiều ngày sau, bà P. gọi điện thoại lại cho "cơ quan công an" thì thấy không liên lạc được nữa. Lúc này bà mới vỡ lẽ ra là bị lừa, và lên cơ quan điều tra để trình báo.

Cũng giống như bà P, chị T.T.T.A (SN 1969, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng được một đối tượng xưng là công an gọi đến để điều tra. Kịch bản cũng giống hệt với bà P, chỉ có khác là lần này các đối tượng thông báo cho chị A biết hiện thuê bao điện thoại của chị có liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Chị A được yêu cầu chuyển hết tiền đang có vào tài khoản cho bọn chúng để điều tra, xác minh. Tin lời các đối tượng, chị A. đã chuyển 1,2 tỉ và bị các đối tượng chiếm đoạt.

Danh sách bị hại còn kéo dài với bà N.T.M.H (SN 1944, trú tại quận Ba Đình) đã chuyển cho bọn chúng 800 triệu, bà V.T.H (SN 1955, trú tại quận Cầu Giấy) bị lừa mất 400 triệu đồng; bà N.T.K.H bị lừa 800 triệu… Tổng cộng đã có 10 bị hại (chủ yếu là phụ nữ và người già) đã mắc lừa với tổng số tiền lên tới 6 tỉ 590 triệu đồng.

Những mánh lừa tinh vi thời công nghệ cao (Kỳ 3)
Tang vật của nhóm đối tượng lừa đảo qua điện thoại

Bẫy công nghệ cao

Kết quả điều tra của Công an TP Hà Nội cho thấy, các đối tượng đã sử dụng công nghệ cao để giả lập số điện thoại của một số đơn vị Công an các tỉnh, thành phố. Những cuộc gọi trên của các đối tượng lừa đảo đều có liên quan đến các tổng đài từ nước ngoài về Việt Nam qua kết nối VoIP (một công nghệ cho phép truyền âm thanh thời gian thực qua băng thông Internet và các kết nối IP), do bọn chúng sử dụng công nghệ cao và thiết bị thông tin trái phép để thực hiện. Khi hiển thị trên màn hình, những số điện thoại này bắt đầu từ mã quốc gia (+83), thế nhưng người nghe vì tâm lý hoảng loạn nên chỉ căn cứ vào những số cuối, trùng với số điện thoại có thật tại Việt Nam, tin tưởng rằng mình đang nói chuyện với cơ quan công an thật.

Các đối tượng lừa đảo thường gọi điện thoại đến các số máy cố định vào giờ hành chính. Lúc này, trong gia đình con cái đã đi làm việc hết, chỉ có người già. Đây là những người thường có tiền tiết kiệm, dành dụm, lại ít va chạm, cả tin nên dễ bị lừa. Thời điểm cuối năm 2013 khi mới xuất hiện hình thức lừa đảo qua điện thoại, các đối tượng sử dụng thủ đoạn giả bắt cóc, tra tấn con cái rồi bắt bố mẹ (người nghe điện thoại) phải nộp tiền vào tài khoản mới thả người. Sau đó, các đối tượng lừa đảo lại chuyển sang thủ đoạn đóng giả cơ quan công an, nhân viên ngân hàng nhắc nhở, khuyến cáo bị trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, hướng dẫn người có tiền gửi ngân hàng chuyển tiền vào tài khoản mới để được bảo vệ, thực chất là chuyển vào tài khoản của chúng để chiếm đoạt. Trong mấy tháng gần đây, trên địa bàn các tỉnh, thành lớn trong cả nước nổi lên thủ đoạn tội phạm giả làm cơ quan điều tra đang điều tra các vụ án lớn về kinh tế, hình sự, ma túy… trong đó tội phạm sử dụng tài khoản của chủ thuê bao vào việc phạm tội nên yêu cầu họ nộp tiền vào tài khoản để “điều tra”, sau đó sẽ hoàn lại… Thực tế khi người bị hại chuyển tiền vào tài khoản sẽ bị đối tượng rút tiền ngay để chiếm đoạt, hoặc chia nhỏ vào nhiều tài khoản khác nhau rồi chuyển ra nước ngoài để thực hiện việc rút tiền. Nếu người bị hại ở Hà Nội hoặc các tỉnh phía Bắc thì đối tượng giả giọng người miền Nam, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản mở tại các ngân hàng phía nam và ngược lại.

Thực tế điều tra cho thấy, các đối tượng hoạt động lừa đảo qua điện thoại hoạt động có tổ chức, trong đó có đối tượng là người nước ngoài (Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia) cầm đầu và lôi kéo người Việt Nam tham gia. Cuối năm 2013, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng đã bắt giữ một số đối tượng là người Việt Nam có liên quan đến các tổ chức tội phạm lừa đảo qua điện thoại. Đối tượng khai nhận được giao nhiệm vụ thuê người Việt Nam mở thẻ thanh toán quốc tế, sau đó chuyển thông tin thẻ cho chúng sử dụng, nghi vấn vào các mục đích xấu. Ngoài ra, một số lao động tự do ở khu vực giáp biên giới Việt - Trung còn được các đối tượng Trung Quốc đưa vào nội địa huấn luyện giả giọng các nhân viên bưu điện, ngân hàng, công an… gọi về các số điện thoại bàn trong nước thực hiện kế hoạch lừa đảo.

Tháng 5-2014, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã điều tra bắt giữ 5 người, trong đó Chien Chiu Fu (49 tuổi, người Đài Loan - Trung Quốc) và 4 người Việt Nam. Tất cả các đối tượng trên đều là thành viên của 3 băng nhóm lừa đảo khác nhau do các đối tượng người Đài Loan - Trung Quốc cầm đầu. Trong 3 nhóm này, 2 nhóm lừa theo chiêu thức cũ là sử dụng thiết bị viễn thông công nghệ cao, thực hiện cuộc gọi qua Internet, giả mạo để gọi điện tới nhà riêng của nạn nhân thông báo nợ cước điện thoại. Riêng một nhóm đã thay đổi chiêu lừa bằng cách gọi điện thông báo nạn nhân có nợ tiền ngân hàng vì các khoản vay này có liên quan tới tội phạm.

Cuối năm 2014, tại Hà Nội, PC50 cũng đã bắt giữ một nhóm đối tượng chuyên lừa đảo dạng này. Ổ nhóm này gồm 6 đối tượng và cũng do một người Đài Loan cầm đầu gồm Vũ Văn Đại (SN 1991, trú tại tập thể Thành Công, Ba Đình, Hà Nội); Nguyễn Trọng Đức (SN 1986, trú tại Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội); Đỗ Đình Phương (SN 1972, trú tại Đức Giang, Long Biên, Hà Nội); Nguyễn Xuân Độ (SN 1972, trú tại Mai Dịch, Nam Từ Liêm, Hà Nội); Trần Nguyên Bình (SN 1989, trú tại Hoài Đức, Hà Nội) và Trần Xuân Hòa (SN 1986, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Tại Cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận khoảng tháng 4-2014 thông qua mạng xã hội facebook và Group (nhóm) "Việc làm tiếng Trung", đối tượng Vũ Văn Đại đã nhận phiên dịch cho 2 đối tượng người Đài Loan tại Hà Nội. Quá trình đi phiên dịch 2 đối tượng này bàn bạc và thuê Đại dùng chứng minh thư giả để mở tài khoản Visacard và Mastercard với giá 3,4 triệu đồng/tài khoản.

Theo cách thức được hướng dẫn Đại thuê các đối tượng Độ, Đức, Bình, Hà đi chụp ảnh rồi giao cho Đức để Đức dán vào 80 giấy CMND do Đức mua của đối tượng Phương với giá 1 triệu đồng/30 cái. Sau đó Đức chuyển lại CMND giả đó cho Độ, Hòa, Bình cùng với sim điện thoại của mạng Mobiphone để đến 3 ngân hàng Techcombank, BIDV và Maritime Bank để mở tài khoản làm thẻ Visacard và Mastercard. Đại sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để chuyển các thẻ sim và điện thoại cho các đối tượng người Đài Loan. Tổng cộng Đại và đồng bọn đã làm được 146 tài khoản và thu lời bất chính 500 triệu đồng.

Quá trình đấu tranh khai thác mở rộng vụ án xác định các đối tượng đã gây ra 10 vụ lừa đảo với tổng số tiền chiếm đoạt được là 6 tỉ 590 triệu đồng.

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an TP Hà Nội khuyến cáo: Để phòng ngừa hiệu quả thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ. Đặc biệt là người yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng… Trường hợp có người xưng là Công an thì người dân cần đề nghị cho biết tên, nơi làm việc, giấy mời hoặc giấy triệu tập để trực tiếp liên hệ với cơ quan, đơn vị đó. Người dân không cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ là ai, và sử dụng vào mục đích gì. Không mua bán chuyển giao tài khoản cá nhân hoặc cho mượn giấy CMND. Người dân cũng cần cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng Internet, nhất là các trang mạng xã hội để tránh bị khai thác thông tin cá nhân để lừa đảo. Nếu nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức hoạt động lừa đảo hoặc số tài khoản nào được yêu cầu chuyển tiền không có lý do chính đáng thì cần báo ngay cho Cơ quan Công an.

Duy Hương

Năng lượng Mới 448

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps