Những liệt nữ lưu danh muôn thuở

01:01 | 24/07/2012

1,924 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đúng ngày này (24/7), cách đây tròn 44 năm, tại huyết mạch giao thông Ngã ba Đồng Lộc, 10 nữ anh hùng đã ngã xuống sau những trận bom điên cuồng của máy bay Mỹ. Vài dòng tưởng nhớ thay nén tâm hương dâng lên các chị để tỏ bày lòng biết ơn sâu sắc.  

Công trình phụng tượng 10 nữ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc là công trình có giá trị lịch sử, tâm linh sâu sắc

"Tại mảnh đất thiêng liêng này, lúc 16 giờ ngày 24/7/1968, tiểu đội 10 nữ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh, hiến trọn tuổi thanh xuân để nối liền mạch máu giao thông "Hậu phương lớn" với "Tiền tuyến lớn" góp phần cho Tổ quốc toàn thắng. Tên tuổi 10 cô mãi mãi được nhân dân cả nước và bạn bè thế giới nhắc đến như một kỳ tích anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng".

Đây là những dòng chữ tôn nghiêm được khắc trên tấm bia lớn Tổ quốc ghi công tại nghĩa trang 10 nữ anh hùng liệt sĩ ở Ngã ba Đồng Lộc.

Toàn cảnh khu mộ các nữ anh hùng liệt sỹ được Tổ quốc ghi công

Hôm nay, không gian Ngã ba Đồng Lộc như vẫn còn bàng hoàng lưu giữ hình ảnh buổi chiều ấy, 15 lần các tốp máy bay Mỹ lao tới trút bom xuống con đường phía dưới, ngã ba mù mịt khói lửa, 3 lần cả tiểu đội bị bom vùi, nhưng như thường lệ, các chị lại gạt đất đứng lên tiếp tục san lấp mặt đường. Cho đến lượt bom thứ 15, một quả bom định mệnh bao trùm lên cả đội hình đã cướp đi sinh mạng của 10 cô gái tuổi đời còn rất trẻ, từ 17 đến 24 và chưa ai trong số họ lập gia đình.

Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy núi Trường Sơn. Đây là một trong những điểm nút quan trọng, được ví như là yết hầu, là mạch máu giao thông trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam. Quân đội Mỹ đã tập trung nhiều máy bay đánh phá, ném bom hủy diệt nhằm chặn đứt sự chi viện sức người, sức của, vũ khí, súng đạn, lương thực... của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa đối với tiền tuyến lớn miền Nam.

Từ năm 1964 đến 1972, Ngã ba Đồng Lộc bị đánh phá liên tục và năm 1968 là năm ác liệt nhất. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968 không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông phải gánh chịu hơn 3 quả bom, đất đá bị cày đi xới lại, hố bom chồng chất hố bom. Tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc lúc bấy giờ có lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích… làm nhiệm vụ cảnh giới, giải tỏa giao thông, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa chi viện vào chiến trường.

Nhà truyền thống với hình ảnh phục dựng trận bom thảm liệt năm nào tại Ngã ba Đồng Lộc đã gây xúc động tận đáy lòng mỗi khách thập phương.

Để giữ cho mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam được thông suốt, biết bao nhiêu xương máu của các chiến sĩ và nhân dân đã đổ xuống. Trong đó có tiểu đội 10 cô gái thanh niên xung phong Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Thị Nhỏ, Trần Thị Hường, Võ Thị Hà, Võ Thị Hợi, Trần Thị Rạng, Dương Thị Xuân, Hà Thị Xanh thuộc Đại đội 552, Tổng đội 55.

Một phụ nữ trung niên từng đến nơi đây nhiều lần kể rằng, mỗi khi xe vào đến địa phận Đồng Lộc là chị không cầm được nước mắt, một mối giao cảm tâm linh luôn đè nặng lên trái tim của chị. Chị là thế hệ sinh sau các nữ anh hùng 10 năm, khi các cô gái thanh niên xung phong ngã xuống chị còn đang đội mũ rơm đi học. Có lẽ hầu hết những người phụ nữ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh đều có cảm giác giống chị khi đến viếng thăm khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ ở Ngã ba Đồng Lộc. Tất cả những gì hiện có tại khu tưởng niệm này đều gợi nhớ về một thời gian khổ hào hùng và gây ra sự liên tưởng diệu kỳ với những người phụ nữ Việt Nam.

10 ngôi mộ đá trắng xếp thành hai hàng trang nghiêm như trước giờ ra trận. Những di ảnh của các chị được đặt trong tư thế hướng lên bầu trời đón ánh dương quang, khát vọng của tuổi trẻ, của các chị còn mãi đến hôm nay.

Nơi các chị vĩnh hằng an nghỉ luôn nghi ngút khói hương của hàng trăm tấm lòng tri ân mỗi ngày

Bên hương án thờ các nữ liệt sĩ và trên các phần mộ, ngoài những vòng hoa, bó hoa trắng thanh khiết, những nén tâm hương, người tới lễ thường thành kính dâng lên các đồ nữ trang vàng ngọc, nón áo, túi xách, kim chỉ... Một cô gái đúng bằng tuổi các nữ anh hùng lúc hy sinh, khi dâng lên một mâm 10 chiếc túi xách màu ngọc bích với mong muốn để "các cô linh thiêng hưởng dụng" đã lắng mình tưởng nhớ các nữ anh hùng đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, thầm hứa với lòng sẽ cố gắng phấn đấu luyện rèn sao cho xứng đáng với cha anh. Hình ảnh ấy ta thường thấy mỗi ngày ở nơi đây, mãi mãi ở trong tâm khảm các thế hệ sau này của đất nước.

Tại khu tưởng niệm lưu giữ rất nhiều di vật của các chị: Giày dép, áo len, ba lô đèn bão, xe cút kít, cuốc, xẻng và những chiếc gương, lược bi đông nước đến cuốn sổ tay, nhật ký, sổ ghi bài hát...

Chiến tranh đã lùi xa, màu xanh giờ bao phủ Ngã ba Đồng Lộc, nhưng đến nơi đây, nhìn những hố bom, những nấm mộ, những di vật còn lại của các chị thì hình ảnh của 10 nữ anh hùng vẫn anh linh hiển hiện vẹn nguyên, bất tử trong tâm tưởng, trong tình yêu thương kính trọng của chúng ta, nhất là những người một thời kinh qua lửa đạn chiến tranh.

Giờ đây, Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành địa chỉ đỏ, là điểm đến của những tấm lòng tri ân. Câu chuyện về các liệt nữ đã trở thành một huyền thoại về lý tưởng cách mạng, về đạo đức truyền thống cho thế hệ hôm nay, mai sau học tập và huyền thoại ấy như ngọn lửa mỗi ngày một thêm lung linh bởi sức mạnh lan truyền...

Nguyễn Tiến Dũng

(Năng lượng Mới số 140, ra thứ Ba ngày 24/7/2012)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc