Những kỷ vật thiêng liêng
![]() |
Ông Phan Thái Dương (em trai liệt sĩ Phan Đăng Cát) |
Ông Phan Thái Dương (SN 1947) ở thị trấn Hưng Nguyên (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) là em trai của Anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sĩ Phan Đăng Cát - người chiến sĩ phòng không ngã xuống trong trận đối đầu với không quân Mỹ để bảo vệ vùng trời thị xã Vinh năm xưa. Trong ký ức của mình, ông Dương luôn lưu giữ hình bóng của người anh trai hiền lành, chăm chỉ và vô cùng tận tụy.
“Năm 1961, anh Cát nhập ngũ, khi ấy tôi đang học phổ thông, vừa được chụp tấm ảnh chân dung ở lớp. Tiễn anh lên đường, tôi tặng anh trai của mình tấm ảnh để những khi rảnh rỗi mang ra ngắm cho đỡ nhớ nhà, nhớ người thân” - ông Dương nhớ lại. Đơn vị đóng quân tại ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh), bảo vệ vùng trời và các công trình trọng điểm của thị xã Vinh, cách nhà khoảng 10 cây số nhưng chiến sĩ Phan Đăng Cát rất ít khi được về thăm nhà. Khoảng giữa năm 1964, gia đình lại nhận được thư anh Cát báo đầu tháng 8 sẽ về phép thăm nhà. Bức thư mang đến niềm vui và phấn chấn cho cả gia đình. Ngày 5-8, sau bữa cơm trưa, bỗng nghe những tiếng nổ vang lên liên hồi từ phía đơn vị của Phan Đăng Cát, hôm sau gia đình đau đớn nhận được tin anh đã hy sinh.
![]() |
Bức ảnh ông Phan Thái Dương thời trẻ do đồng đội của liệt sĩ Phan Đăng Cát gửi lại |
Mấy tháng sau, một đồng đội ghé qua nhà thắp hương cho liệt sĩ Phan Đăng Cát, rồi ôm chặt lấy Phan Thái Dương. Người lính ấy lục chiếc balô, lấy ra tấm ảnh nhỏ, bảo rằng: “Anh Cát rất tự hào khi có đứa em đẹp trai, học giỏi. Ngày nào anh ấy cũng đem ảnh em ra ngắm và chia sẻ với mọi người. Anh là bạn thân, thấy ảnh đẹp nên đã xin, anh Cát đồng ý tặng. Nay anh ấy đã hy sinh, anh xin trả lại bức ảnh cho em, đây là kỷ vật thiêng liêng của người chiến sĩ”.
Phan Thái Dương cầm tấm ảnh, nước mắt ướt nhòa, những hình ảnh trong ngày tiễn anh lên đường hiện về như những thước phim quay chậm. Ông Dương chia sẻ: “Hơn nửa thế kỷ qua, mỗi lần nhớ về anh Cát, tôi lại mở tấm ảnh này ra xem và có cảm giác như được nhìn thấy anh ấy ở trong đó”.
Khi chúng tôi tìm đến nhà, ông Nguyễn Xuân Thể (SN 1964) ở xóm 15, xã Nghi Liên (thành phố Vinh, Nghệ An) đang dọn đẹp bàn thờ người anh trai là liệt sĩ Nguyễn Hùng Tiến. Anh trai hy sinh khi chưa lập gia đình, bố mẹ đều đã qua đời, việc thờ cúng do ông Thể đảm nhiệm. Người đàn ông ấy rưng rưng: “Anh Tiến nhập ngũ khi tôi mới 4 tuổi, tấm di ảnh không có, may sao tìm được hai chiếc huy hiệu trong mộ, đây là những kỷ vật của cuộc đời anh gửi lại cho người thân”.
![]() |
Ông Nguyễn Xuân Thể bên kỷ vật của anh trai (liệt sĩ Nguyễn Hùng Tiến) |
Sau bao năm tìm kiếm, năm 2005, nhận được thông tin chiến sĩ Nguyễn Hùng Tiến (SN 1951) hy sinh ở xã Tiên Châu (huyện Tiên Phước, Quảng Nam), ông Thể và người anh họ quyết định vào dò tìm. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của chính quyền và nhân dân xã Tiên Châu, gia đình ông Thể tìm được mộ anh trai đã được cất bốc về nghĩa trang liệt sĩ của địa phương. Đặc biệt, trong phần mộ liệt sĩ Nguyễn Hùng Tiến có hai chiếc huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, chữ còn khá rõ, một chiếc có lỗ xuyên thủng (nghi bị trúng đạn) lẫn trong hài cốt.
![]() |
Những tấm huy chương Dũng sĩ diệt Mỹ của liệt sĩ Nguyễn Hùng Tiến |
Ngày đưa hài cốt anh Tiến về quê, gia đình, bạn bè và bà con lối xóm ra đón tận Quốc lộ 1, ai cũng xúc động, rưng rưng nước mắt. Không chờ được con trai, ông Nguyễn Xuân Tiêu đã qua đời trước đó mấy tháng, còn bà Nguyễn Thị Tiu (mẹ liệt sĩ) đã già và ốm yếu, ra đi sau 2 năm tìm được hài cốt con trai. Trước khi rời bỏ cuộc đời, đôi bàn tay bà Tiu vẫn mân mê tấm huy hiệu của con trai được đưa về từ vùng đất Tiên Phước xa xôi…
Hàng chục năm qua, ông Hoàng Khắc Cảnh (SN 1945), ở xóm 3, xã Nghi Tiến (huyện Nghi Lộc, Nghệ An), luôn lưu giữ ký ức về người anh trai và hai người em đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt, những bức thư của hai người em gửi từ hơn 40 năm trước vẫn được ông gìn giữ và xem là kỷ vật thiêng thiêng. Mở chiếc ca-táp lấy từ trong tủ, ông Cảnh chợt rưng rưng khóe mắt, đôi bàn tay lần giở từng bức thư. Dường như ông đang chạm đến một “miền thiêng”, ở đó phảng phất bóng hình của người thân đã đi xa hơn 40 năm.
“Gia đình chúng tôi có 3 liệt sĩ, mẹ của tôi là Lê Thị Mai được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Anh trai của tôi là Hoàng Văn Chinh nhập ngũ và hy sinh ở Đồng Nai năm 1966. Em gái Hoàng Thị Khư là dân quân tự vệ xã, hy sinh vì trúng mảnh bom của Mỹ năm 1972. Còn em trai Hoàng Đức Chiêu hy sinh ở biên giới Tây Nam năm 1978” - ông Cảnh xúc động kể lại.
![]() |
Ông Hoàng Khắc Cảnh bên những bức thư của các em |
Trong những năm chiến tranh, ông Cảnh là cán bộ kỹ thuật ngành cầu đường, tham gia xây dựng nhiều tuyến đường ở miền Bắc. Anh trai cả nhập ngũ năm 1962 rồi 2 năm sau hy sinh, chiến trường ác liệt nên hai anh em không có cơ hội liên lạc, trao đổi thư từ. Nhưng với hai người em, ông vẫn giữ được mối liên lạc qua những bức thư thăm hỏi. Mấy chục năm đã trôi qua, ông vẫn giữ được những bức thư ấy, dù các em đã đi rất xa…
![]() |
Bức thư của liệt sĩ Hoàng Đức Chiêu đang được anh trai là Hoàng Khắc Cảnh lưu giữ |
Điều đáng nói là trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh, những người em của ông Cảnh vẫn luôn tỏ rõ lạc quan và khẳng định quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu giải phóng Tổ quốc. Nữ dân quân Hoàng Thị Khư kể với anh trai về việc làng mình mấy lần bị bom và pháo hạm thiêu rụi, cả làng phải đi sơ tán, có những gia đình bom dội trúng hầm làm chết 4-5 người. Còn bức thư gửi từ Hà Tiên, đề ngày 16/10/1977 của chiến sĩ Hoàng Đức Chiêu kể với anh trai rằng, mình vừa bị thương, đang điều trị tại Bệnh viện Quân khu 9. Vết thương ở tay đã lấy được đầu đạn ra, còn vết thương ở chân khá sâu, đạn vẫn chưa lấy ra được, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Phần cuối bức thư, người em trai dặn ông Cảnh rằng: “Qua thư này anh đừng cho cha mẹ biết tình hình anh nhé. Vì ở đây ngày nào cũng đánh nhau, thương vong tương đối nhiều…”. Nghĩa là người chiến sĩ ấy không muốn bố mẹ biết tình hình sức khỏe và sự khốc liệt ở chiến trường, để các bậc sinh thành bớt đi phần nào lo lắng.
![]() |
Những bức thư của 2 người em đã hy sinh được ông Hoàng Khắc Cảnh lưu giữ |
Có thể nói, các ông Phan Thái Dương, Nguyễn Xuân Thể, Hoàng Khắc Cảnh là 3 trong số muôn vàn những người mang nỗi đau và mất mát khi có người thân ngã xuống trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Những kỷ vật thiêng liêng của người đã khuất phần nào giúp họ xoa dịu nỗi đau tinh thần…
Trần Công Kiên
![]() |
![]() |
![]() |