Những giá trị bền vững của Nhật ký trong tù

16:26 | 19/08/2023

1,674 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Nhật ký trong tù” là cuốn nhật ký đặc biệt, đồng thời là một tác phẩm văn học đặc biệt. Ngày 1-10-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận và tôn vinh tác phẩm lớn này là Bảo vật quốc gia.
Những giá trị bền vững của Nhật ký trong tù
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

“Nhật ký trong tù” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng tác trong khoảng thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, từ ngày 29-8-1942 đến ngày 10-9-1943. Năm nay chúng ta kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ viết nhật ký bằng thơ trong tù. Cùng nhau đọc lại những bài thơ có giá trị tư tưởng và nghệ thuật sâu sắc, với mong muốn có cách nhìn nhận, đánh giá khoa học và đầy đủ hơn về sự ra đời; về sức sống và giá trị to lớn, sức lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng của tác phẩm trong những thập niên qua và trong thời đại ngày nay. Từ đó có những chủ trương, biện pháp phát huy tốt hơn nữa giá trị đặc biệt của Bảo vật quốc gia này.

Trước đây chúng ta đã có nhiều dịp tập trung nghiên cứu về những vấn đề lớn. Đó là quá trình chuyển ngữ tác phẩm, cùng hành trình lan tỏa của “Nhật ký trong tù” trong giới nghiên cứu, cũng như bạn đọc trong nước và thế giới. Đó là đi sâu tìm hiểu những giá trị tư tưởng, tầm cao trí tuệ, nghị lực phi thường của Hồ Chí Minh. Đó là những giải pháp để phát huy tốt nhất giá trị độc đáo, đặc sắc của tác phẩm ở môi trường giáo dục nhà trường. Đặc biệt là trong giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho con người, nhất là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Có thể nói, “Nhật ký trong tù” là bức chân dung tự họa của con người Bác - một tầm vóc lớn, một chân dung lớn, nhưng vô cùng giản dị. Khát vọng cao đẹp nhất của Người cũng chính là khát vọng của dân tộc: độc lập cho dân tộc và tự do cho con người.

Về nghệ thuật của tập thơ, mặc dù Bác viết “Ngâm thơ ta vốn không ham/Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây/Ngày dài ngâm ngợi cho khuây/Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”, thế nhưng sự “ngâm ngợi cho khuây” ấy đã để lại những giá trị nghệ thuật quý giá. Tập thơcó bút pháp đa dạng và linh hoạt, kết tinh giá trị tư tưởng và nghệ thuật thơ ca Hồ Chí Minh. Nỗi đau đớn bị cầm tù trong ngục càng cháy lên khát vọng tự do. Đây là biểu hiện cụ thể, sinh động, đồng thời cũng hòa hợp, thống nhất cao độ với tư tưởng lớn, trở thành chân lý vĩnh cửu, được thể hiện trong suốt cuộc đời hoạt động của vị lãnh tụ thiên tài: Không có gì quý hơn độc lập tự do!

Những giá trị bền vững của Nhật ký trong tù
Bìa tập "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong thời gian bị giam cầm, bị giải qua 13 huyện với 18 nhà lao của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Hồ Chí Minh ghi “nhật ký” đều đặn bằng những bài thơ chữ Hán xúc tích. “Cương lĩnh phấn đấu” của người cộng sản sáng lên trong những vần thơ ngay trong bài thơ đầu tiên Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao.Người luôn khao khát tự do và quan niệm rằng: Tự do ấy không chỉ là mong muốn thoát khỏi nhà tù, thoát khỏi chế độ thống trị tàn bạo, thoát khỏi gông cùm nô lệ, mà còn là vươn đến những chân trời rộng mở của loài người: độc lập, tự do, hạnh phúc.

Khao khát tự do được khắc họa trong hầu hết các bài thơ. Khi khắc khoải đêm năm canh, một canh... hai canh...lại ba canh (Không ngủ được); khi quên ăn, quên ngủ, quên cả ngày tháng: Thân tù đâu thiết thu sang chửa/Chỉ thiết hôm nao mở cửa tù (Cảm thu, I), để rồi mơ về “Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.

Mơ ước cháy bỏng của Hồ Chí Minh không lâu sau đó đã thành hiện thực. Cách mạng tháng Tám thành công, nước ta hoàn toàn độc lập, tự do. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập. Khi ấylácờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay trên lễ đài và cả một rừng cờ phía dưới Quảng trường Ba Đình tung bay. Không phải là “mộng” nữa mà đã thành sự thật - sự thật của một nước Việt Nam từ đây có quyền ngẩng cao đầu sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

80 năm “Nhật ký trong tù” là dịp để mỗi người dân Việt Nam tìm hiểu sâu sắc hơn tầm cao tư tưởng, vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách cao cả của Bác Hồ, thực hiện tốt hơn nữa, có hiệu quả hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Những giá trị to lớn, đặc sắc về tư tưởng và nghệ thuật của Bảo vật quốc gia này sẽ tiếp tục lan tỏa đến đồng bào ta ở trong và ngoài nước, cùng bạn bè quốc tế. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, như Nga, Trung Quốc, Cuba, Pháp, Hàn Quốc... đã và đang tiếp tục nghiên cứu về cuộc đời cách mạng và sự nghiệp văn học của Hồ Chí Minh. Giáo sư, nhà văn Bang Hyun-suk (Hàn Quốc) đã dành nhiều năm viết cuốn sách “Cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh”. Cuối năm 2022, ông cho biết đã hoàn thành hai phần ba cuốn sách này. Bang Hyun-suk viết: “Hồ Chí Minh là người đã sống để tự tạo nên giá trị, chứ không phải là người được tạo ra từ giá trị”.

Khi nghiên cứu, lĩnh hội đầy đủ giá trị đặc biệt của tác phẩm sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân đất Việt tiếp tục trau dồi, bồi dưỡng tâm hồn, bản lĩnh và đạo đức cách mạng, hoàn thành thật tốt công việc được giao, xây dựng đất nước ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Hải Đường