Những đứa trẻ sớm vào đời

06:56 | 05/05/2015

1,021 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, nhưng cuộc sống của một số em hiện nay khiến chúng ta giật mình lo ngại. Tình trạng sử dụng lao động trẻ em trên địa bàn TP HCM thời gian gần đây có dấu hiệu vi phạm Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em do Quốc hội thông qua ngày 15-6-2004.

Đi làm từ tuổi 13...

Ước tính mỗi năm có hàng ngàn trẻ em các tỉnh đổ về TPHCM mưu sinh, làm những công việc nặng nhọc trong các cơ sở sản xuất như may mặc, giày dép..., số khác phải bán vé số kiếm sống.

Phần lớn các em phải quần quật từ 10 - 14 tiếng mỗi ngày trong môi trường độc hại với các dụng cụ, thiết bị không an toàn; số khác phải lang thang bán rong hoặc làm những công việc vặt như bưng bê ở các quán ăn, giúp việc tại gia. Tất cả các em đều không có tuổi thơ đúng nghĩa, chẳng được chăm sóc, giáo dục và điều xót xa hơn cả là chưa biết tương lai sẽ về đâu.

L.T.L (quê Thừa Thiên - Huế) cho biết, em sinh năm 2000, đang học lớp 7, Tết vừa qua có người cùng quê rủ vào TPHCM phụ việc trong xưởng may, công việc nhẹ mà lương cao nên em nghỉ học để tìm cơ hội. L. tiết lộ, cùng xóm cũng có nhiều người như em do nhà nghèo, thấy có điều kiện kiếm tiền, gia đình đã bắt các em nghỉ học, đi làm ngay, đa số đến từ các tỉnh miền Trung, Tây nguyên...

Hầu hết làm việc trong điều kiện khắc nghiệt tại các nhà xưởng, cơ sở chật hẹp, thiếu thốn trong sinh hoạt, nhận những đồng lương còm cõi. Ngoài việc cho ăn ở, mỗi tháng các em chỉ được chủ cho thêm khoảng vài trăm ngàn đồng, tùy vào thời gian làm việc, kinh nghiệm, nhưng số này rất ít.

T.T, 16 tuổi, làm ở xưởng may gia công trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa B, cho biết: “Cháu làm may ở cơ sở này được 3 năm rồi, mỗi năm chủ gửi về cho gia đình 14 triệu đồng vào cuối năm và thưởng thêm 500 ngàn, coi như tiền tàu xe”.

Những đứa trẻ như T. phải làm việc từ khi mới 13 tuổi không phải là hiếm, tại TPHCM tình trạng lao động trẻ em, đa phần phải làm những việc không phù hợp với độ tuổi và nguy hiểm cho sức khỏe: từ 7 giờ sáng đến hơn 10 giờ đêm, thường chỉ được nghỉ khoảng 1 tiếng vào buổi trưa rồi lại tiếp tục cho đến tận khuya.

Những đứa trẻ sớm vào đời

Tại chợ đêm Bình Điền

Tình trạng lao động trẻ em không chỉ xuất hiện ở những cơ sở nhỏ lẻ, ngay cả những công ty, xí nghiệp lớn cũng sử dụng đối tượng này. Theo Thanh tra lao động TPHCM, có 12/24 quận huyện sử dụng lao động trẻ em trong các cơ sở sản xuất, tập trung nhiều nhất là các quận Bình Tân, Tân Bình.

Trong số đó có trên 50% trẻ em dưới 15 tuổi, làm ngành nghề khác nhau như: may mặc, giày dép, tiện, cơ khí... Tháng 10-2014, cơ quan chức năng đã giải cứu 5 em nhỏ dưới 15 tuổi bị bóc lột sức lao động ở một xưởng may gia công tại P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, tất cả đều quê Thanh Hóa, phải làm việc cật lực từ 7 giờ sáng đến tận khuya trong điều kiện khắc nghiệt.

Theo Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TPHCM, lao động trẻ em làm việc trong điều kiện độc hại, không được tham gia bảo hiểm xã hội, chẳng được khám chữa bệnh, cũng không bảo hộ lao động... Đơn cử như tại một số cơ sở may ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân nơi làm việc là căn phòng hơn 20m2, có đến 7 chiếc máy may và chất đầy nguyên vật liệu, nóng bức, môi trường độc hại và tất nhiên chỗ làm cũng là nơi ăn, ngủ, sinh hoạt của các em.

Lối thoát nào cho các em?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân những chủ cơ sở may chuộng sử dụng lao động trẻ em là: các em còn nhỏ, chưa hiểu biết nhiều nên dễ sai bảo, lại không dám đòi hỏi và chi phí rẻ hơn số lao động trưởng thành.

Đa phần những trẻ này đều bỏ học từ sớm vì điều kiện kinh tế, số khác theo bạn bè rủ rê bỏ học đi làm..., vì vậy khi bị bóc lột, xâm hại, các em không biết kêu ai, nguy hiểm hơn là các em gái không có điều kiện tiếp cận kiến thức sức khỏe sinh sản nên rất dễ bị lạm dụng.

Tương lai các em rồi sẽ ra sao khi tuổi thơ phải gắn liền với việc mưu sinh như thế này?

Nguyên nhân tồn tại nguồn lao động trẻ em là do phân tầng xã hội ngày càng cao, trong khi kinh tế khó khăn, việc xóa đói giảm nghèo chưa mang lại hiệu quả ở một số địa phương, nhất là những vùng sâu, vùng xa, biên giới heo hút...

Bên cạnh đó, việc sử dụng lao động trẻ em mang lại cho chủ nhiều lợi nhuận, trong khi các bậc phụ huynh muốn cải thiện cuộc sống nên gia đình bất chấp con em mình làm gì, ở đâu và sống thế nào.

Trước đây có gia đình ở Thanh Hóa “cho thuê con” bằng hình thức hợp đồng để đi bán hủ tiếu với giá 1,8 triệu đồng/6 tháng, phó mặc cho chủ “tùy nghi sử dụng” đến khi bị người dân phát hiện tố cáo gia đình mới vỡ lẽ là đã “giao trứng cho ác”!

Hiện tình trạng trẻ em bị bóc lột sức lao động vi phạm luật đang ở mức báo động, hầu hết các cơ sở đều không có hợp đồng, do quy mô nhỏ, lẻ mang tính chất hộ gia đình, lao động là con cháu trong nhà đồng thời chủ sử dụng không hiểu biết pháp luật hoặc cố tình không chấp hành những quy định của pháp luật về bảo vệ quyền của trẻ em.

Hệ lụy của việc thiếu ràng buộc giữa bên sử dụng với lao động trẻ em là không có hợp đồng, chẳng có các chế độ, quyền lợi đúng mức cho các em, hậu quả là những đứa trẻ phải làm việc quá sức dẫn tới tổn hại sức khỏe, suy sụp tinh thần trong khi không được hưởng đầy đủ quyền trẻ em như học tập, vui chơi...

Hiện nay, việc quản lý tình trạng sử dụng lao động trẻ em gặp nhiều khó khăn, bởi đa phần đều không có giấy phép kinh doanh, những em làm việc ở đây đa số là dân tỉnh, không có giấy tờ tùy thân. Khi hỏi tuổi thì các em đều khai đủ 18 do đã được chủ “dặn” từ trước. Khi bị kiểm tra, họ thường đối phó bằng cách cho biết những lao động này đều là con cháu ở quê vào, nuôi cho vừa học vừa làm.

Lao động trẻ em là vấn đề nhức nhối của xã hội, tồn tại nhiều năm ở TPHCM nhưng vẫn chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu... Để chấm dứt tình trạng này cần sự chung tay của các địa phương, các tổ chức bảo vệ, các ngành các cấp và phải xem đây là vấn nạn cần giải quyết cấp bách trong thời gian tới.     

Theo Công an TPHCM

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc