Những đứa trẻ bị bỏ lại ở Trung Quốc

21:04 | 20/01/2020

209 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tami Xiang trở thành "đứa trẻ bị bỏ lại phía sau" khi khoản tiền phạt khổng lồ do vi phạm chính sách một con khiến gia đình cô kiệt quệ.

Tami Xiang, nhiếp ảnh gia 38 tuổi hiện sống ở Perth, Australia, sinh ra trong thập niên 1980, khi Trung Quốc đang thực hiện chính sách một con. Tami là con thứ tư trong gia đình, đồng nghĩa bố mẹ cô phải đối mặt với khoản tiền phạt khổng lồ vì vi phạm chính sách.

Tiền phạt khiến gia đình lâm vào cảnh nợ nần và bố của Tami phải bỏ lại vợ con ở quê để đi làm thợ hồ khắp các công trình xây dựng để kiếm tiền. "Tôi hiếm khi gặp bố khi còn nhỏ, nhưng may mắn là luôn có mẹ bên cạnh", Tami nói.

Những đứa trẻ bị bỏ lại ở Trung Quốc
Đứa trẻ "bị bỏ lại phía sau" trong dự án Peasantography của Tami Xiang. Ảnh: ABC News.

Nhiều đứa trẻ ở vùng nông thôn Trung Quốc cũng có hoàn cảnh giống gia đình Tami. Chúng được gọi là "những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau" khi lớn lên không có bố hay mẹ bên cạnh hoặc do ông bà nuôi nấng.

Theo ước tính của chính phủ Trung Quốc, năm 2018 có gần 7 triệu đứa trẻ bị bỏ lại ở vùng nông thôn khi bố mẹ lên thành phố kiếm sống. Khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn cùng chính sách đăng ký hộ khẩu cứng nhắc khiến hiện tượng này gia tăng.

Trong 10 năm qua, Tami chụp ảnh hơn 300 đứa trẻ phải sống xa bố mẹ và gia đình ở vùng nông thôn Trung Quốc cho dự án Peasantography, bộ phim tài liệu về thế hệ "bị bỏ lại" ở quốc gia này.

Jie Fei, 22 tuổi, là một "đứa trẻ bị bỏ lại" xuất hiện trong dự án của Tami. Anh cho biết hiếm khi liên lạc với bố mẹ. "Chúng tôi hầu như không nói chuyện trong nhiều năm nay. Cứ mỗi lần cố gắng nói chuyện với nhau là tôi và bố mẹ lại xảy ra tranh cãi. Do đó, nếu không có chuyện gì quan trọng, chúng tôi sẽ không nói chuyện", Jie chia sẻ. "Tôi biết có nhiều người có hoàn cảnh giống tôi khi phải sống xa bố mẹ và được ông bà nuôi nấng".

Wu Han, mẹ của Jie, là công nhân ở nhà máy thép tại Châu Hải, tỉnh Quảng Đông và hiện sắp nghỉ hưu. "Nhà máy nơi tôi làm không cho nghỉ tết dài bởi không thể dừng sản xuất. Tôi quá bận rộn và mệt mỏi", Wu giải thích lý do bà không về nhà vào kỳ nghỉ lễ.

"Thằng bé cũng không thích đến Quảng Đông. Chúng tôi đã bảo nó đến chơi vào dịp tết nhưng nó nói bận", Wu nói thêm.

Tết âm lịch là dịp lễ lớn ở Trung Quốc và được xem là cơ hội quan trọng để gia đình đoàn viên. Nhiều bố mẹ phải bỏ con ở quê lên thành phố kiếm sống thường về nhà để đón tết cùng gia đình. Ước tính có hơn 3 triệu người về quê nghỉ tết từ ngày 10/1 tới 28/2 năm nay.

Wei Jiayu, giám đốc Dự án Công dân Mới, tổ chức phi chính phủ chuyên giúp cải thiện môi trường sống cho trẻ em chuyển từ quê lên thành phố sống cùng bố mẹ, cho biết lý do chính khiến nhiều đứa trẻ bị bỏ lại là chúng không thể vào trường công ở thành phố do vướng quy định về hộ khẩu. Trong khi đó, trường tư có chi phí quá lớn so với khả năng tài chính của nhiều gia đình.

"Sau khi lớn lên, nhóm trẻ em này thường có nhu cầu lớn hơn về mối quan hệ gắn bó và cảm giác bất an khiến chúng ít đặt niềm tin vào người khác", Wei nói.

Tami Xiang chuyển tới Australia năm 2011, khi làm phiên dịch viên cho công ty khai thác mỏ ở Perth và bắt đầu học về nhiếp ảnh không lâu sau đó. Cô từng nghĩ rằng là "đứa trẻ bị bỏ lại" không có gì đặc biệt cho tới khi cô trở thành nhiếp ảnh gia chụp chân dung gia đình ở Perth. Khi đó cô đã biết gia đình ở Australia như thế nào.

Tami tin rằng "những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau" phải chịu nhiều vấn đề về giáo dục, sức khỏe tinh thần, an toàn và vấn đề xã hội khác. Cô mong muốn sẽ nâng cao nhận thức của mọi người về thực trạng này thông qua công việc của mình.

"Chúng được ông bà nuôi dưỡng nhưng thế hệ ông bà thường ít nhận được nền giáo dục đầy đủ. Không chỉ vậy, chúng cũng gặp khó khăn khi phải nhanh chóng hòa nhập với xã hội hiện đại đang phát triển nhanh chóng khi lớn lên", Tami nói.

Những đứa trẻ bị bỏ lại ở Trung Quốc
Tami Xiang (phải) chụp ảnh cùng đứa trẻ trong dự án Peasantography. Ảnh: ABC News.

Theo VNE