Syria:

Những điều ít biết về gia đình Tổng thống Bashar al-Assad

06:48 | 11/09/2013

2,574 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giới bình luận đang cho rằng, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang dùng vợ, bà Asma al-Assad và con trai cả Hafez như vũ khí để chống lại phe đối lập và việc này hiện khá hiệu quả. Trước đó (22/8), việc bổ nhiệm 7 thành viên vào nội các được coi là nỗ lực mới của Tổng thống Syria bởi kể từ khi bùng phát phong trào nổi dậy (ngày 15/3/2011), ông Bashar al-Assad đã cải tổ nội các 5 lần. Việc này diễn ra sau khi Đảng Baath cầm quyền thay máu ban lãnh đạo (8/7).

Từ sự “lựa chọn thứ hai”

Tổng thống Bashar al-Assad mừng sinh nhật lần thứ 48 (11/9/1965) trong bối cảnh Mỹ đang chuẩn bị tấn công Syria. Giới truyền thông đưa tin, dưới sự trợ giúp của cố Tổng thống Hafez al-Assad, ông Bashar al-Assad đã thành công trong chiến dịch chống tham nhũng và đây là cách hoàn hảo nhất trong việc loại bỏ các đối thủ tiềm năng, nhất là trong lực lượng quân đội và an ninh. Được biết, hầu hết các chỉ huy quân đội từ cấp sư đoàn trở lên đều về hưu, thay bằng lớp trẻ và trung thành với “chủ mới”. Quyền lực và uy thế của ông Bashar al-Assad được chứng minh ngay sau cái chết của cố Tổng thống Hafez al-Assad (10/6/2000) - Quốc hội lập tức họp để sửa đổi Hiến pháp - giảm độ tuổi bắt buộc tối thiểu của Tổng thống từ 40 xuống 34 (khi đó ông Bashar al-Assad đã 35 tuổi). Ngày 10/7/2000, ông Bashar al-Assad được bầu làm Tổng thống với tỷ lệ ủng hộ cao: 97,29% và nắm quyền kể từ đó đến nay”.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad

Cố Tổng thống Hafez al-Assad đã thành lập một mạng lưới phức tạp bao gồm cơ quan tình báo, an ninh, quân đội và những người đứng đầu đều đến từ sắc tộc thiểu số Alawite. Có tin nói rằng, Tổng thống Bashar al-Assad ban đầu dựa vào các đơn vị quân đội và lực lượng an ninh do giáo phái Alawite lãnh đạo, nhưng sau đó ông tăng cường sự phụ thuộc nhiều hơn vào các dân quân trung thành được trang bị vũ khí và cấp tiền từ Damascus. Trong một thông điệp được truyền thông nhà nước Syria đăng tải hôm 1-8 (nhân kỷ niệm lần thứ 68 ngày thành lập quân đội Syria), Tổng thống Bashar al-Assad tuyên bố, ông tin vào chiến thắng của quân đội trong cuộc chiến với lực lượng chống đối.

Những người chống đối

Sau khi đào tẩu, Đại sứ Syria tại Iraq Nawaf Nawaf Fares đã có nhiều tuyên bố, tiết lộ gây sốc đối với dư luận, nhất là khi ông cho rằng: gia đình Tổng thống Bashar al-Assad đang kiểm soát chặt chẽ lực lượng an ninh, tình báo và đây được coi là “hòn đá tảng” để đứng vững trước mọi mưu toan trong và ngoài nước. Theo cựu Đại sứ Nawaf Nawaf Fares, ông Rami Makhlouf, anh em họ của Tổng thống Bashar al-Assad là người vừa có quan hệ chặt chẽ với quân đội, cũng như mạng lưới an ninh, vừa là người giàu nhất Syria bởi hệ thống kinh doanh của người này kiểm soát tới 60% nền kinh tế đất nước.

Ông Ribal al-Assad, em họ của ông Bashar al-Assad vừa nói với BBC rằng, Tổng thống Syria đã đi quá xa khi khiến hơn 100 ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người dân Syria mất nhà cửa trong cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua tại quốc gia Trung Đông này. Ngoài ra, Tổng thống Bashar al-Assad còn bị chú ruột, ông Rifaat al-Assad, đang sống lưu vong chống đối - Tổng thống Syria sẽ không thể duy trì quyền lực được lâu nữa. Khi được hỏi ông Rifaat al-Assad đã không ngần ngại tuyên bố: mình là người phù hợp để thay thế Tổng thống Bashar al-Assad.

Lực lượng đặc nhiệm Syria

Nhiều người nói rằng, cuộc đào tẩu của cựu Thủ tướng Riyad Hijab và cái chết hôm 10/8/2012 của tướng Mohamed Hadia, quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng, được coi là hồi chuông báo động đối với sự tồn tại của Tổng thống Bashar al-Assad. Theo giới truyền thông, có cả một chiến dịch quy mô lớn được triển khai nhằm đưa ông Riyad Hijab cùng gia đình rời khỏi Syria hôm 6/8/2012, nhưng thực ra ngày 8/8/2012 gia đình cựu Thủ tướng mới vượt biên giới sang Jordan. Điều đáng nói là ông Riyad Hijab, Tổng thư ký của Đảng Baath cầm quyền chi nhánh tại Deir Ezzour lên kế hoạch đào tẩu ngay sau khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng hồi tháng 6/2012 và đây là đòn đánh mạnh vào Tổng thống Bashar al-Assad.

Vai trò của Đệ nhất phu nhân

Tháng 12/2000, ông Bashar al-Assad lên xe hoa với bà Asma (tên gọi khi mới sinh ở London, Anh năm 1975 là Asnaal Akhras) và 8 năm sau, Đệ nhất phu nhân Asma al-Assad được Tạp chí Elle của Pháp bầu chọn là “Quý bà phong cách nhất thế giới năm 2008”.

Là người Anh gốc Syria và tuy là người theo đạo Hồi, nhưng bà Asma al-Assad lại theo học tại một trường Anh giáo và tại đây bạn bè gọi Asma là Emma. Thầy giáo cũ miêu tả bà Asma al-Assad là người thông minh. Đệ nhất phu nhân tuy tốt nghiệp trường đại học lâu đời và nổi tiếng nhất của Anh: King’s College với chuyên ngành máy tính, nhưng bà Asma al-Assad lại hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính. Tình báo Israel từng sử dụng chương trình phần mềm gián điệp “Ngựa Troy” để ghi lại những thông tin trao đổi giữa bà Asma al-Assad với chồng.

Thông tin trên tờ Times của Anh khi đó từng thu hút sự quan tâm của dư luận bởi nhân viên tình báo quân sự Israel liên tục kiểm soát máy tính cá nhân của Đệ nhất phu nhân Syria trong nhiều năm. Việc này chỉ được phát hiện sau khi cơ quan an ninh Syria phá vụ án gián điệp công nghiệp quan trọng hồi tháng 6/2005, bắt 22 kẻ tình nghi.

Theo đó, mấy hãng thầu khoán quốc phòng lớn đều bị dính vào vụ bê bối này bởi họ dùng các phần mềm gián điệp để đột nhập vào máy tính của đối thủ cạnh tranh, lấy cắp tài liệu mật. Quan chức tình báo Israel cho biết, các thông tin cá nhân của bà Asma al-Assad tuy chẳng có giá trị gì, nhưng thông qua việc giám sát thông tin họ có thể nắm được tư tưởng của Tổng thống Bashar al-Assad để hoạch định cho những quyết sách lớn.

Tới sự phong tỏa của Mỹ và phương Tây

Giới chuyên môn ước tính, số tài sản của dòng tộc Assad và thân cận có thể lên tới 1 tỉ bảng Anh (khoảng 1,55 tỉ USD) và phần lớn trong số này nằm ngoài tầm kiểm soát của EU. Có tin nói rằng, phần lớn số tiền kể trên được gửi ở Nga, Arab Saudi, Lebanon, Morocco… những nơi chưa áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Damascus.

Hơn 1 năm trước (18/7/2012), Bộ Tài chính Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt chống lại 29 thành viên của chế độ Tổng thống Bashar al-Assad, trong đó có 4 Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Syria. Ngày 29/4/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt như phong tỏa tài sản, cấm thực hiện các hoạt động kinh doanh với Mỹ đối với Syria như Cơ quan tình báo, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Thiết giáp số 4 Maher al-Assad, cựu Tỉnh trưởng Daraa Atif Najib…

Kể từ tháng 5/2011, Liên minh châu Âu (EU) đã liệt vào sổ đen tổng cộng 129 cá nhân, 49 công ty và tìm mọi cách phong tỏa tài sản của họ ở bất cứ nơi nào. Ngày 23/3/2012, EU đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với mẹ và vợ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Quỳnh Tuấn - Phi Phương
 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc