Những diễn biến bất ngờ sau kết luận thanh tra ở Đại học Quốc gia Hà Nội

08:26 | 30/06/2012

1,846 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra về việc liên kết đào tạo đại học và sau đại học ở một số trường trong đó có Đại học Quốc gia Hà Nội, đã có những dư luận khác nhau về vụ việc này. Bản kết luận thanh tra đã phơi bày chuyện động trời trong vấn đề liên doanh liên kết đào tạo đại học và sau đại học, đồng thời cũng hé lộ nhiều chuyện không ai ngờ.

Diễn biến phức tạp sau một bản kết luận thanh tra

Trong quá trình thanh tra Đại học Quốc gia Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tập trung vào việc liên kết đào tạo đại học, sau đại học cả ở trong nước và với nước ngoài. Ở Đại học Quốc gia Hà Nội, việc liên kết đào tạo được thực hiện bởi Trung tâm Công nghệ đào tạo và Hệ thống việc làm (gọi tắt là ETC – trực thuộc trường).

Thanh tra Chính phủ đã mổ xẻ trên nhiều khía cạnh từ việc ban hành văn bản quản lý đến quá trình thực hiện và việc quản lý tài chính. Bản kết luận thanh tra còn có các kiến nghị nhiều biện pháp xử lý: về công tác quản lý, xử lý hành chính, xử lý kinh tế và cả xử lý về hình sự. (Cụ thể nội dung bản kết luận thanh tra, chúng tôi sẽ đăng tải ở phần sau của bài viết).

Bà Nguyễn Quang Hòa Bình - Giám đốc ETC

Những nội dung thanh tra đã cho thấy nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý cũng như dấu hiệu bất minh về tài chính. Tuy nhiên, khi những thông tin này vừa được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, lập tức vấp phải sự phản ứng từ phía đơn vị được thanh tra: Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, GS Vũ Minh Giang đã trực tiếp bày tỏ sự không hài lòng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông cho rằng, kết luận của Thanh tra Chính phủ đưa ra có nhiều điểm chưa chính xác và mang tính quy chụp.

Ông viện dẫn một số nội dung: Kết luận đưa ra nhận định về việc không thi đầu vào, không công nhận bằng cấp của chương trình liên kết đào tạo… Nhưng bằng cấp của chương trình liên kết đào tạo là do nước ngoài cấp thì phải theo quy định của nước ngoài, chứ không thể lấy quy chế đào tạo của Việt Nam mà áp dụng vào trường đại học nước ngoài. Dẫn quy chế đào tạo của Việt Nam xem xét chuyện đầu vào của trường đại học nước ngoài như vậy không đúng. Quy chế đào tạo của Việt Nam là vận dụng cho Việt Nam chứ không vận dụng cho đào tạo nước ngoài.

Chưa dừng lại ở đó, Trung tâm Công nghệ đào tạo và Hệ thống việc làm (ETC) trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội còn thông qua Báo Nhân dân để chuyển đơn kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền, cho rằng những nội dung trong kết luận của Thanh tra Chính phủ chưa chính xác.

Ngày 21/6, Chánh văn phòng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm đã có văn bản chính thức lên tiếng về vụ việc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng quá trình thanh tra có dấu hiệu bất thường, không tập trung thanh tra vào công tác quản lý theo đúng nội dung của quyết định thanh tra…

Về ý kiến Đoàn thanh tra không tập trung thanh tra vào công tác quản lý Nhà nước theo đúng nội dung Quyết định số 2229/QĐ-TTCP của Thanh tra Chính phủ mà chủ yếu thanh tra những vấn đề tài chính, kế toán, kiểm tra tài khoản của ETC và các đối tác của ETC là không đúng. Theo kế hoạch đã được Tổng thanh tra Chính phủ phê duyệt có nội dung xem xét công tác thu chi tài chính trong liên doanh, liên kết đào tạo đại học và sau đại học. Đây cũng là một trong những nội dung về công tác quản lý Nhà nước.

Bản phản hồi của Thanh tra Chính phủ cũng giải thích rõ thông tin ông Vũ Minh Giang trao đổi với báo chí. Cụ thể, ông Giang cho hay về việc trong quá trình thanh tra có rất nhiều dấu hiệu vi phạm nên một đơn vị của Đại học Quốc gia Hà Nội đã báo cáo lên Tổng thanh tra và Tổng thanh tra đã có quyết định rút ông Phó đoàn Nguyễn Mạnh Cường về. Sau đó, ông Nguyễn Mạnh Cường sau nhiều lần kiểm điểm đã bị kỷ luật cảnh cáo.

Phúc đáp của Thanh tra Chính phủ cho vấn đề này như sau: “Ông Nguyễn Mạnh Cường – thành viên Đoàn thanh tra có vi phạm quy chế Đoàn thanh tra (nhận một bó hoa, một búp bê và một chai rượu do ông Nguyễn Việt Anh – Phó giám đốc Trung tâm ETC tự mang đến tặng nhân ngày 20/10), Thanh tra Chính phủ đã làm rõ, có quyết định cho thôi tham gia Đoàn thanh tra và xử lý kỷ luật ông Cường. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ mục đích việc đưa quà và kiến nghị xử lý nghiêm”.

Về sự việc này, ông Nguyễn Mạnh Cường cũng đã thừa nhận: “Sau hai ngày Đoàn thanh tra làm việc tại ETC, tối ngày 19/10/2011, Nguyễn Việt Anh – Phó giám đốc ETC tự tìm đến nhà riêng gọi điện cho tôi ra mở cửa và nói: Tôi trên đường đi làm về mua 2 bó hoa, một bó tặng vợ tôi, một bó tôi tặng cho chị nhà anh (vợ tôi) (có kèm theo con búp bê cho con gái và 1 chai rượu để anh chị uống nhân ngày 20/10)”.

Chưa hết, ông Cường còn “tố” rằng, ETC làm việc này không chỉ một lần mà đã có ý đồ từ trước: “Kịch bản tương tự cũng đã xảy ra với một cơ quan pháp luật khi buổi sáng điều tra viên đến ETC làm việc thì buổi tối ETC đã tự tìm và cử người đến nhà cán bộ này chơi và kèm theo là túi quà; vị cán bộ này do nắm được thông tin từ TTCP về việc như xảy ra với tôi nên ngay lập tức báo cáo với lãnh đạo trực tiếp và hôm sau công bố toàn đơn vị. Một thời gian sau, ETC cũng lại viết đơn phản ánh nhằm dừng cuộc làm việc của cơ quan này nhưng không dám đưa nội dung tặng quà cho cán bộ đó vào đơn”.

Những nội dung này đang được tiếp tục xác minh và có vẻ như vụ việc sẽ không dừng lại ở một kết luận thanh tra đơn thuần. Được biết, ngày 25/6/2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã họp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan để xử lý vụ việc ở Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sự thật không ai ngờ về “du học tại chỗ”

Vài năm trở lại đây, đáp ứng “mốt” dùng bằng cấp quốc tế, nhiều trường đại học ở nước ta đã không ngừng liên doanh, liên kết để thu hút học viên du học tại chỗ. Số lượng thì không ngừng tăng, chất lượng thì chưa ai kiểm định được.

Sau quá trình thanh tra việc liên kết đào tạo đại học, sau đại học, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều lỗ hổng, sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực đào tạo này. Đầu tiên là tuyển sinh đầu vào sơ sài, chỉ chú trọng yếu tố kinh tế, thậm chí là liên kết đào tạo với các cơ sở có thứ hạng thấp hơn các trường trong nước. Chưa kể đến nhiều dấu hiệu về vi phạm quản lý tài chính cũng được phát hiện.

Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những trung tâm phát triển mạnh việc liên kết đào tạo đại học và sau đại học

Thanh tra Chính phủ đã nghiên cứu hồ sơ 419 chương trình liên kết đào tạo trong nước tại 18 trường đại học, Cơ quan Thanh tra phát hiện có tới 46,5% chương trình liên kết hệ vừa làm vừa học chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép. Một số trường khi hợp đồng đào tạo không xác định đối tượng tuyển sinh, không quy định cụ thể về trách nhiệm cho đơn vị phối hợp tham gia vào quá trình đào tạo, mời giảng viên, tổ chức đánh giá kết quả các học phần… 5/18 trường không có biên bản ghi nhận về điều kiện cơ sở vật chất cơ sở liên kết, danh sách giảng viên; có 54/419 địa điểm đặt lớp không đúng quy định của Bộ; nhiều trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu cho phép.

“Liều” hơn cả là Trường đại học Vinh trong 3 năm (từ năm 2006 đến 2008) không có danh sách thí sinh dự thi, thông báo tuyển sinh không thể hiện thông tin về lệ phí thi, học phí khóa học.

Việc liên kết đào tạo đại học và sau đại học với nước ngoài cũng bát nháo không kém. Nhiều chương trình liên kết chưa được phép nhưng vẫn thực hiện. Ví dụ: giữa Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM với TEG International College Pte Ltd, Singapore và với Trường đại học Texas; giữa Trung tâm Công nghệ Thông tin Kovit của Trường đại học Kinh tế TP HCM với Đại học Woosong (Hàn Quốc).

Tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra việc thực hiện 20 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Cơ quan Thanh tra xác định 16 chương trình không có thủ tục xác nhận tư cách pháp nhân của đối tác; 12 chương trình nội dung đề án không đầy đủ.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký quyết định cho phép Trung tâm Công nghệ đào tạo và Hệ thống việc làm (ETC) được tổ chức, phối hợp đào tạo trình độ đại học và sau đại học không đúng quy định. Lý do Thanh tra Chính phủ đưa ra là trung tâm này không có chức năng thực hiện liên kết đào tạo đại học và sau đại học. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến một loạt những sai phạm khác trong đào tạo và quản lý tài chính.

Chuyện liên kết đào tạo của Đại học Quốc gia thực hiện qua ETC cũng có những chuyện “khó hiểu” như việc liên kết đào tạo với Đại học Griggs, Hoa Kỳ. Griggs được thành lập năm 1990 là trường do Hội thánh Cơ đốc Phục Lâm (một hệ phái Tin lành của Mỹ) thành lập nhằm đào tạo cho hệ phái tôn giáo này ở tất cả các cấp học từ mẫu giáo đến sau đại học. Các chương trình đào tạo sau đại học chỉ triển khai ở nước ngoài.

Nhiều sai sót khác được phát hiện như nhiều chương trình không tổ chức tuyển sinh, thậm chí, chương trình tuyển sinh của Đại học Griggs cung cấp còn chưa được kiểm định. Trong các chương trình liên kết đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội có đến 11 chương trình không phải viết luận văn, không bảo vệ tốt nghiệp…

Có một “liên minh” ngay trong ETC?

Kết quả kiểm tra cho thấy, ETC thực hiện hợp đồng liên kết đào tạo với Đại học Griggs và thu được trên 283 tỉ đồng. Việc liên kết thực hiện tại Việt Nam và Đại học Griggs có trụ sở tại Hoa Kỳ nhưng ETC lại thanh toán trên 177 tỉ đồng cho Griggs vào tài khoản Ngân hàng HSBC tại Singapore. Thanh tra Chính phủ cho rằng, đã bước đầu có căn cứ tài khoản này liên quan đến bà Nguyễn Quang Hòa Bình – Giám đốc ETC.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc này có dấu hiệu vi phạm pháp luật vì ông Donal Sahly, người đại diện của Griggs ở Việt Nam có giấy xác lập ủy quyền cho bà Nguyễn Quang Hòa Bình (không có ngày tháng) với nội dung bà Bình là giám đốc một số chương trình liên kết đào tạo, trong khi đó bà Bình là người đại diện cho ETC trực tiếp ký các hợp đồng liên kết đào tạo với Griggs. Bên cạnh đó, các hóa đơn chuyển tiền cho Đại học Griggs không có chữ ký của người có thẩm quyền theo quy định của luật.

Như vậy, có phải là “một mình em đóng cả 2 vai chèo”?

Từ năm 2008 đến 2010, ETC và Griggs không đối chiếu công nợ cuối năm theo quy định. Khó hiểu hơn, ETC chi trả cho Đại học Griggs trên 177 tỉ đồng (khoảng 70% giá trị khối lượng công việc) trong khi đó Đại học Griggs chỉ mới thực hiện được 30-40% khối lượng công việc. Đã vậy, ETC lại chuyển tiền vào một tài khoản trung gian không rõ ràng.

Cơ quan thanh tra còn phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật của ETC. Trên thực tế, ETC vừa tổ chức tuyển sinh, quản lý lớp học vừa ký hợp đồng liên kết tuyển sinh, quản lý, tổ chức lớp học với 6 đơn vị. Xác minh hồ sơ đăng ký kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục và Du lịch sinh thái (Vietedu) và Công ty Cổ phần Giáo dục tiến bộ Toàn Cầu (đây là 2/6 công ty mà ETC đã ký hợp đồng) cho thấy Ban Lãnh đạo Vietedu đồng thời là cán bộ, viên chức của ETC.

Từ tháng 4/2008 trở về trước, ông Nguyễn Việt Anh là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (ông Việt Anh còn là cổ đông, thành viên Ban Lãnh đạo của Công ty Cổ phần Giáo dục tiến bộ Toàn Cầu). Từ tháng 4/2008, bà Phạm Mỹ Hạnh (em gái ông Phạm Quang Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính kiêm Trưởng phòng Tổ chức hành chính ETC) làm Tổng giám đốc. Thông tin trên trang web của Vietedu lại ghi rõ ông Phạm Quang Vinh là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Thành viên HĐQT có Nguyễn Việt Anh, Nguyễn Quang Thuật, Nguyễn Song Bình (ba người này hiện đồng thời là Phó giám đốc, Trưởng bộ phận của ETC). Ngoài ra, nhân sự chủ chốt của Vietedu còn có Nguyễn Quang Hòa Bình, Phạm Mỹ Hạnh…

Nội dung công việc trong hợp đồng được ETC ký với hai công ty này có nhiều phần việc trùng lặp với nội dung công việc do nhân viên ETC thực hiện. Một số nội dung công việc không có tài liệu chứng minh cho công việc đã được hai công ty này thực hiện. Vậy mà ETC vẫn trả cho hai công ty số tiền 25 tỉ đồng. Liệu có phải những lãnh đạo chủ chốt của ETC đã lập ra các công ty làm sân sau để rút tiền của ETC?

Bất hợp tác với cơ quan thanh tra

Mặc dù có rất nhiều dấu hiệu sai phạm đã rõ nhưng theo Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo ETC tỏ thái độ bất hợp tác. Trong quá trình thanh tra làm việc tại ETC, Giám đốc, Phó giám đốc ETC cố tình trì hoãn việc cung cấp tài liệu theo yêu cầu. Thậm chí, ngày 3/11/2011 khi Đoàn thanh tra đang làm việc, Ban Giám đốc ETC đã cho thu những tài liệu mà thanh tra đang nghiên cứu. Ngày 17/11/2011, bà Nguyễn Quang Hòa Bình có công văn yêu cầu một số ngân hàng tạm dừng cung cấp tài liệu cho thanh tra.

Ngoài ra, kiểm tra tại Trường đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phát hiện tại hai lớp đào tạo thạc sĩ chuyên ngành quản lý công (thuộc Chương trình 135 giai đoạn II của dự án dành cho cán bộ là người dân tộc thiểu số đang làm công tác dân tộc ở các cơ quan) có 15 học viên không thuộc đối tượng được học và hưởng học bổng 9.900USD/học viên.

Trong số các đơn vị cử người đi học sai đối tượng, Thanh tra Chính phủ chiếm số lượng nhiều nhất (4 người) và có cán bộ là con của một vụ trưởng thuộc cơ quan này. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Ủy ban Dân tộc thu hồi kinh phí đã thanh toán cho 15 học viên không đúng đối tượng nêu trên. Đồng thời yêu cầu Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội có trách nhiệm nộp 21,373 tỉ đồng do đã yêu cầu các đơn vị trích nộp trái quy định về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ.

Kiến nghị xử lý những sai phạm đã phát hiện tại ETC, Thanh tra Chính phủ cho rằng cần xem xét quyết định không công nhận bằng cử nhân, thạc sĩ do đối tác nước ngoài liên kết đào tạo với ETC. Với những sai phạm có dấu hiệu hình sự thì chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an để làm rõ.

Hoàng Thắng

Năng lượng Mới số 133, ra thứ Sáu ngày 29/6/2012