Những chuyến biển xuyên tết của ngư dân miền Trung

06:45 | 08/03/2018

1,758 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày tết, khi những người dân trên đất liền quây quần bên mâm cơm gia đình với người thân và nhận những lời chúc cho một năm mới tràn đầy niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe. Thì ở ngoài khơi xa, có những người con nước Việt lại đón giao thừa giữa đại dương, ở nơi mênh mông sóng nước và gió biển ầm ào. Họ là ngư dân trên những chuyến đi biển xuyên tết, với một ước mong về một năm trời đất thuận hòa, cá tôm đầy thuyền.

Đón giao thừa giữa trùng khơi

1 giờ ngày 8 tháng Giêng, chủ tàu QNg 94448 TS Võ Văn Dũng đứng trên cầu cảng âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) hít một hơi thuốc dài. Mắt ông chăm chú nhìn thuyền viên của mình dỡ cá, chuyển từ hầm cá lên bờ. Tàu của ông đi từ 20 tháng Chạp, cập cảng tối ngày 7 tháng Giêng; đánh được 10 tấn cá các loại, trừ phí tổn thu về 500 triệu đồng. Và tất nhiên, ông cũng như các thuyền viên của mình, phải đón tết giữa biển khơi. Hơn chục người đàn ông đón tết với nhau ở nơi chỉ có sóng, có gió và mấy đòn bánh tét gói vội. “Cứng rắn mấy cũng phải nhớ nhà”, ông Dũng mô tả về những ngày đón tết trên biển.

nhung chuyen bien xuyen tet cua ngu dan mien trung
Ngư dân bên cá thu hoạch được sau chuyến biển xuyên tết

Ngày 20 tháng Chạp năm Đinh Dậu 2017, tàu cá của ông Võ Văn Dũng khởi hành ra khơi. Ngoài đá lạnh, dầu, lương thực, rau xanh như các chuyến ra biển khác. Chuyến biển này còn mang theo hai chậu hoa đón tết, vài đòn bánh tét, trái cây, bia và một chút rượu.

Xuất cá ngay cạnh tàu ông Dũng là tàu QNg 98722 TS của gia đình chị Lạc, quê Đức Phổ, Quảng Ngãi. 3 hầm cá trên tàu đầy ắp cá ngừ, cá xương xanh, cá hố, cá thu, cá cờ và có cả những con cá nhám nặng cả tạ. Phía bên trong, đứa nhỏ gần 3 tuổi nhà chị vẫn đang ngủ trên võng, dập dìu theo sự lên xuống của thủy triều, của con sóng. “Bình thường tàu nhà tôi hay xuất cá ở Quảng Ngãi, lâu lâu mới nhập ở đây thôi. Tôi phải bồng con ra đây cho ba hắn đỡ nhớ. Đi biển cả nửa tháng, khổ nào cũng chịu được, chỉ có nhớ con là không chờ đợi được thêm”.

Những người ngư dân như ông Dũng, như chồng chị Lạc quan niệm rằng, chuyến biển đầu năm mà thuận lợi, tôm cá đầy ghe thì sẽ đem lại sự may mắn, an toàn cho cả năm đi biển. Và trên thực tế, vào dịp tết âm lịch, ngư dân đi biển dễ trúng luồng cá hơn, hứa hẹn sẽ cho những chuyến biển bội thu. Biển ngày giao thừa nằm giữa mùa gió, biển động, thuyền dập dềnh lên xuống theo đỉnh sóng.

Vào dịp tết âm lịch, ngư dân đi biển dễ trúng luồng cá hơn, hứa hẹn sẽ cho những chuyến biển bội thu. Biển ngày giao thừa nằm giữa mùa gió, biển động, thuyền dập dềnh lên xuống theo đỉnh sóng.

Họ vẫn lao động đến tận tối ngày 30, với cá, với lưới và dập dềnh sóng. Khoảng 10h ngày 30, họ tắm rửa sạch sẽ rồi chuẩn bị một số thứ để thắp hương trong giao thừa. Nải chuối xanh, con gà, trái bưởi, cá, tôm mới đánh bắt được, vài lon bia và hai đòn bánh tét... Những con cá, con tôm đánh bắt được trong ngày này, họ sẽ dâng lên cảm tạ biển khơi, cầu cho một năm đánh bắt bội thu. Sau đó họ ngồi lại với nhau, uống thêm lon bia, ăn thêm miếng bánh tét đã được chuẩn bị từ trước tết. Và... ngồi nhớ nhà.

Ông Dũng bảo, tết năm đầu tiên trên biển, nhớ gia đình, nhớ đất liền đến cồn cào. Đến tết thứ 2 vẫn cảm giác đó. Năm thứ 3, thứ 4 cũng vẫn nhớ, nhưng cũng bớt đi phần nào. “Có ngư dân trẻ lần đầu tiên ăn tết trên biển. Đêm giao thừa nhớ gia đình cứ khóc nấc như con nít. Nhưng rồi dần cũng quen chú ạ. Ngư dân tụi tui coi biển là nhà, đón giao thừa trên biển cũng như là ở nhà thôi”, ông Dũng nói.

nhung chuyen bien xuyen tet cua ngu dan mien trung
Con của chủ tàu QNg 98722 TS say ngủ trên tàu sau khi gặp ba sau những ngày tết

Trước tết chừng 2 tuần, tôi gặp lão ngư Trần Hay cũng trên cảng cá Thọ Quang này. Ông Hay là người Đức Phổ, Quảng Ngãi; ông ra Đà Nẵng để chuẩn bị cho chuyến biển xuyên tết này. Lão ngư này đã hơn 60 tuổi và 15 năm đón tết trên biển. Cứ chuẩn bị tất niên cho gia đình xong, là ông sửa soạn đi biển. 15 đêm giao thừa giữa đại dương là một trải nghiệm không phải ai cũng có. Nhờ từng trải trong những chuyến biển, ông Hay luôn được chủ tàu giao nhiệm vụ cúng trong đêm giao thừa. Ông Hay bảo, cúng giao thừa trên biển cũng không khác gì trên đất liền, chỉ là thêm con cá, con tôm mới đánh bắt và ban thờ cứ đong đưa theo nhịp sóng.

Nhưng những mùa tết trên biển thời gian gần đây đã khác với trước. Trên biển đêm giao thừa giờ đã có máy I-com để nghe chúc tết từ Chủ tịch nước. Và để liên lạc với các thuyền bạn, chúc tết nhau và hát cho nhau nghe. Với những ngư dân 1 năm đi biển chừng 10 chuyến, mỗi chuyến cả tháng trời thì trong đêm giao thừa, những người bạn đi biển chính là gia đình, là anh em. Với họ, khi ấy thuyền không phân biệt Nam - Bắc, không phân biệt tỉnh thành, không cần biết tên họ, cứ cắm cờ Việt Nam thì là người trong nhà.

Lộc biển đầu năm

Cảng cá Thọ Quang nằm tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), thuộc sự quản lý của Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, có diện tích mặt nước là 58ha, diện tích trên bờ là 28ha. Cảng cá này hiện được coi là cảng cá lớn nhất miền Trung. Không chỉ tàu cá của ngư dân Đà Nẵng, mà tàu cá của các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định cũng thường xuyên ghé vào để bán cá và lấy dầu, nước ngọt, đá lạnh, lương thực để tiếp tục ra khơi. Theo số liệu từ Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, hằng ngày có 50-60 tàu thuyền các tỉnh cập bến và có 3.000-4.000 người tập trung về tham gia các hoạt động của âu thuyền và cảng cá.

nhung chuyen bien xuyen tet cua ngu dan mien trung

Đêm ở Cảng cá Thọ Quang ồn ào. Sự ồn ào của cả trăm thứ tạp âm, từ máy cưa nước đá, tiếng động cơ, tiếng í ới gọi nhau, tiếng sóng. Gió biển thì thổi thốc vào người lạnh ngắt. Giữa thứ âm thanh ồn ào ấy là sự lầm lũi làm việc của cả nghìn con người. Đêm mùng 8 tháng Giêng, có 3 tàu vào, đều là của ngư dân Quảng Ngãi. Tàu nào cũng trúng, trúng đậm cá, tôm. Tàu ông Võ Văn Dũng đi biển 17 ngày, trúng 10 tấn cá các loại, thu về 500 triệu, mỗi thuyền viên được chia 20 triệu. Ông Dũng bảo, ngày tết ai cũng vất vả nên tiền chia cũng sẽ nhiều hơn ngày thường.

nhung chuyen bien xuyen tet cua ngu dan mien trung

Tàu của gia đình chị Lạc cũng tương tự, cá đầy khoang, chuyển từ 0 đến 3 giờ mới xong. Dù vất vả nhưng ai cũng vui vẻ vì chuyến biển bội thu. Tàu gia đình chị Lạc trong chuyến biển này bắt được 1 con cá bớp khoảng 30kg. Tuy là loại cá có giá trị cao, cũng hiếm có con nào to như vậy, nhưng gia đình quyết định không bán mà sẽ chia cho các thuyền viên, coi như là lộc biển đầu năm gửi đến các gia đình.

nhung chuyen bien xuyen tet cua ngu dan mien trung
Bội thu “lộc biển” đầu năm
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, trong dịp tết có 954 tàu cá của tỉnh này với khoảng 9.500 ngư dân đón tết trên biển. Các tàu cá của ngư dân chủ yếu hành nghề câu cá cá ngừ đại dương, vây cá ngừ, vây ánh sáng, mành chụp hoạt động trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, khu vực biển giữa Trường Sa và Hoàng Sa.

Khi các tàu cá về, trên bờ các thương lái đã đợi sẵn, có bao nhiêu cá sẽ thu mua bấy nhiêu. Từng thùng cá được chuyển lên bờ, khi đưa vào xe chở về nơi tập kết, những thương lái sẽ làm dấu cho lô cá đó. Người thì dùng lá phượng, người thì dùng giấy ngũ sắc, người thì dùng lá liễu... Họ cứ thế ném lên trên, để khi về nơi tập kết, phân biệt được cá nào của người này, lô cá nào thuộc người kia. Cá thu 300.000 đồng, cá ngừ 80.000 đồng, cá bớp 200.000 đồng, cá hố 80.000 đồng... giá ngày đầu năm cũng được thương lái trả cao hơn ngày thường.

Những tháng cuối năm thường là thời gian biển động, bão gió tơi bời, tàu bè không thể ra khơi xa. Đó cũng là thời điểm cuộc sống những gia đình ngư dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Không đến nỗi đứt bữa, nhưng tiền để sắm tết là điều xa xỉ. Hiểu điều này, nên các chủ tàu thường cho những người đi bạn (những ngư dân làm việc trên tàu) ứng trước tiền để sắm tết cho gia đình. Dù đã chuẩn bị cho gia đình cái tết ấm cúng nhất có thể, nhưng chắc chắn những người đi biển dịp tết sẽ không khỏi chạnh lòng, vì trong năm mới không gặp cha mẹ, không được đưa vợ con đi du xuân. Chắc chắn ai cũng sẽ buồn. Nhưng đổi lại là chuyến biển bội thu, là cá tôm đầy khoang, hứa hẹn cho một năm đánh bắt đất trời yên ả.

Trong những ngày này, trên các mặt báo là những thông tin ngư dân từ khắp nơi trúng “lộc biển” đầu năm. Ở Lý Sơn thì trúng cá cơm, ở Phú Yên thì trúng cá ngừ, ở Quảng Trị thì trúng cá thu... Đó là thành quả của những sự hy sinh mà ngư dân đã đánh đổi. Thành quả ấy đánh đổi bằng những ngày xuân không được bên gia đình, cha mẹ; là mồ hôi và đôi khi là cả máu; là nỗi niềm buồn tủi của những ngày dài dằng dặc trên biển. Và trên hết là trách nhiệm với Tổ quốc, và gia đình.

Trên bến cá này, tôi đã chứng kiến rất nhiều những niềm vui, sự đoàn tụ và cả nỗi buồn, sự đau đớn, những giọt nước mắt của rất nhiều ngư dân khắp các vùng biển miền Trung. Vui khi tàu về sau cả tháng lênh đênh trên biển, cha gặp con, vợ gặp chồng, mừng tủi nói không nên lời. Vui khi tàu về bến với hải sản đầy khoang, có tiền nuôi sống gia đình. Nhưng cũng không ít tàu về bến trong tình trạng hư hỏng, trắng tay. Nhưng những cảm xúc khi nhìn cảnh đoàn tụ của gia đình những ngư dân sau một mùa ăn tết trên biển vẫn luôn rất đặc biệt. Cầu chúc cho những ngư dân vẫn đang hằng ngày vươn khơi, bám biển có một năm trời đất thuận hòa, buồm căng gió, cá đầy khoang.

Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động nuôi trồng thủy sản năm 2017 đạt khá, nhất là nuôi tôm nước lợ và cá tra. Sản lượng thủy sản nuôi trồng cả năm ước tính đạt 3,8 triệu tấn, tăng 5,2% so với năm 2016, trong đó cá đạt 2,6 triệu tấn, tăng 4,2%; tôm đạt 0,7 triệu tấn, tăng 10,3%. Nuôi cá tra gặp thuận lợi do giá cá tra nguyên liệu cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2016 và liên tục tăng qua các tháng đã khuyến khích người nuôi yên tâm đầu tư, thả nuôi trở lại. Diện tích nuôi cá tra năm 2017 ước tính đạt 6.701ha, tăng 18,9% so với năm trước; sản lượng ước tính đạt 1,2 triệu tấn, tăng 5,0%. Nuôi tôm nước lợ gặp nhiều thuận lợi về thời tiết và giá cả. Năm 2017, diện tích nuôi tôm sú ước tính đạt 478,8 nghìn ha, tăng 1,1% so với năm trước, sản lượng đạt 254,9 nghìn tấn, tăng 4,4%; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 105,1 nghìn ha, tăng 8,2%, sản lượng đạt 432,3 nghìn tấn, tăng 14,3%.

Thời tiết trong năm tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển, cùng với dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển đã tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi bám biển, đánh bắt xa bờ. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác thủy sản biển ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đã phục hồi trở lại sau sự cố môi trường biển trong năm 2016. Năm 2017, sản lượng thủy sản khai thác của cả nước ước tính đạt 3,3 triệu nghìn tấn, tăng 5,1% so với năm 2016, trong đó cá đạt 2,4 triệu tấn, tăng 5,4%, tôm đạt 163,7 nghìn tấn, tăng 2,6%. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước tính đạt 3,1 triệu tấn, tăng 5,1%, trong đó cá đạt 2,3 triệu tấn, tăng 5,4%, tôm đạt 150,2 nghìn tấn, tăng 2,8%.

Thanh Hiếu

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps