Những bí ẩn về bãi cọc Bạch Đằng huyền thoại

07:02 | 11/02/2017

14,955 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bạch Đằng giang là nơi diễn ra 3 trận đánh lớn trong lịch sử dân tộc vào các năm 938, 981, 1288. Mỗi trận đánh đều tạo bước ngoặt quan trọng trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Có một điểm chung trong các trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng là các danh tướng Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo đều sử dụng chiến thuật đóng cọc ngầm dưới đáy sông khiến cho chiến thuyền của địch mắc cạn. Dòng chảy thời gian hơn 700 năm đã che phủ nhiều bí ẩn quanh trận thủy chiến oanh liệt này.

Một dòng sông huyền thoại

Vượt quãng đường dài 150km tới thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, nơi Bạch Đằng giang hòa vào Biển Đông, chúng tôi bắt đầu hành trình lần tìm lại dấu vết trận thủy chiến oanh liệt, của quân dân nhà Trần cách nay 728 năm. Dòng chảy thời gian, cùng bao thăng trầm của thời cuộc, đã làm cảnh vật nơi đây đổi thay rất nhiều so với sử xưa từng ghi chép.

Điều đặc biệt khiến tôi ấn tượng nhất tại đây là việc mỗi người dân đều như một “pho sử sống”, qua những ký ức tổ tiên mình truyền đời để lại. Không chỉ các nhà nghiên cứu lịch sử, cán bộ bảo tàng địa phương, mà cả cụ già giữ đền, cô hàng nước, anh xe ôm… đều có thể đưa những người muốn tham quan đến được những bãi trận địa năm xưa... Tôi tranh thủ ghé thăm đền Trần Hưng Đạo để được thắp nén hương trước tượng thờ vị danh tướng. Người địa phương đều tin rằng ông linh thiêng lắm, còn tôi thầm xin ông dẫn đường cho mình trở lại đúng nơi chiến trường vệ quốc năm xưa. Đền Trần nằm ngay bên bờ sông Bạch Đằng và con sông lịch sử được các nhánh sông lớn nhỏ hợp thành, trước khi đổ ra Biển Đông.

nhung bi an ve bai coc bach dang huyen thoai
Đền thờ Trần Hưng Đạo tại Khu Di tích Bạch Đằng

Sông Bạch Đằng chảy qua hai huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) và Yên Hưng nay là thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đổ ra cửa biển Nam Triệu. Sông Bạch Đằng, còn gọi là sông Vân Cừ, dòng chảy mênh mông, sóng vỗ tung bọt trắng xóa. Trong “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi đã mô tả: “Sông Vân Cừ rộng 2 dặm linh 69 trượng, sâu 5 thước, núi non cao vót, nước suối giao lưu, sóng tung lên tận trời, cây cối lấp bờ, thật là nơi hiểm yếu”. Tên Vân Cừ được giải thích bởi khi nước triều lên có gió bắc thổi hoặc nước triều xuống có gió nam thổi, dòng sông cuộn lên những con sóng lớn bạc đầu như mây trắng. Ngoài ra, sông Bạch Đằng còn gọi là sông Rừng, với bến đò Rừng, bến phà Rừng nối đôi bờ Quảng Ninh - Hải Phòng. Người Yên Hưng trước đây từng lưu truyền câu “Con ơi, nhớ lấy lời cha/ Nước lên, gió bấc chớ qua sông Rừng” để nói lên sự hiểm yếu của sông.

Ngày nay, sau gần 8 thế kỷ kể từ trận chiến bãi cọc Bạch Đằng năm 1288, địa lý dòng sông đã có nhiều thay đổi lớn. Theo sử sách ghi lại, cửa biển ngày đó so với bây giờ cách nhau hàng chục kilômét do phù sa bồi đắp. Chắc nơi đây vào những tháng năm của thế kỷ bão táp thời nhà Trần, là cửa sông sóng vỗ lưng trời như bờm ngựa tung trắng xóa? Cảnh vật xưa nay thay đổi nhiều như vậy mà lòng sông vẫn rộng ngút cả tầm mắt. Gió nắng quét những tia nắng mỏng màu kim sa làm sáng cả mặt gương sông!

Bí ẩn bãi cọc Bạch Đằng giang

Từ ngã tư thị trấn Quảng Yên, đi về hướng phà Rừng khoảng 2km, rẽ trái khoảng 500m là tới Bãi cọc Yên Giang (còn gọi là Bãi cọc Bạch Đằng). Bãi cọc này hiện nằm trong khu Đầm Gụ (các cụ cao niên trong làng giải nghĩa, “gụ” có nghĩa là nhử), thuộc phường Yên Giang. Tới nơi, tôi may mắn được gặp cụ Đào Xuân Tự - Tổ trưởng Ban Quản lý khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng và được nghe kể sự tích của tên gọi Đầm Gụ. Theo cụ Tự, có lẽ cái tên Đầm Gụ xuất phát từ chiến thuật đánh giặc của Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn là: Đầu tiên, đánh chặn kìm hãm sức mạnh của địch, sau đó khiêu chiến và nhử địch vào đúng vị trí và thời điểm trận địa cọc phát huy tác dụng.

Bước vào trong khu di tích, hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy là một tấm bia đá trang nghiêm rộng khoảng 1m, cao 2m. Phía trên cùng ghi dòng chữ: Di tích quốc gia đặc biệt: Di tích lịch sử Bạch Đằng (Bãi cọc Bạch Đằng năm 1288). Phía dưới là phần mô tả: “Dựa vào địa thế sông Bạch Đằng (thế kỷ thứ XIII), Trần Hưng Đạo đã cho đóng những bãi cọc ở vị trí hợp lý, kết hợp với các dải đá ngầm tạo thành một phòng tuyến chặn đường rút chạy của giặc Nguyên Mông…”.

nhung bi an ve bai coc bach dang huyen thoai
Bia đá giới thiệu Khu Di tích Bạch Đằng

Bên cạnh tấm bia là một hồ nước rộng khoảng 15m2, được xây kè đá xung quanh. Lòng hồ nhô lên nhiều cọc gỗ có đường kính t15-33cm, cắm theo hình chữ chi, cách nhau 0,9-1,1m, nghiêng theo hướng ngược dòng sông. Mặc dù phần đầu cọc nhô lên đã bị chìm trong nước, nhưng tôi vẫn nhìn khá rõ. Toàn bộ khu vực xung quanh là ao đầm nuôi thủy sản và trồng lúa nước.

Từ câu thơ của Nguyễn Trãi: “Lớp lớp bờ lau kiếm nát chồng”, cùng với những gì đã ghi lại trong sử sách, có thể chắc chắn một điều rằng, những trận thủy chiến vĩ đại, đông đến hàng ngàn chiến thuyền và hàng vạn quân binh, ở cả hai chiến tuyến nối tiếp nhau, từ thời Ngô Quyền đến Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo ở Bạch Đằng sẽ còn sót lại những di vật liên quan như: tàu thuyền, binh khí, vật dụng… ở dưới đáy sông, biển. Tuy nhiên, do thời gian đã quá lâu vật đổi sao dời cùng nhiều lý do khách quan đã làm ngành khảo cổ tới tận nay vẫn chưa thể giải mã trọn vẹn được chiến tích của tiền nhân.

Khoảng năm 1953-1954, bí ẩn của bãi cọc Bạch Đằng bắt đầu hé mở khi người dân địa phương ở xã Yên Giang, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh, phát hiện một số cọc gỗ lộ lên mặt đất, ở bãi đầm cách ngã ba sông Chanh và sông Bạch Đằng khoảng 400m về phía đông. Vị trí này cách trung tâm thị trấn Quảng Yên lúc ấy 2km về phía tây. Người dân thấy có cọc gỗ lim còn tốt, đào đem về nhà sử dụng. Khoảng 200 cọc gỗ đã được nhổ lên trong 50 hố đất đào. Dần dà chuyện này được báo lên chính quyền, ngay lập tức đã được Nhà nước quan tâm sát sao. Đến ngày 26-11-1958, Vụ Bảo tồn - Bảo tàng với những tên tuổi như: Hoàng Minh Giám, Đào Duy Anh, Nguyễn Lân... đã đến tận nơi ghi nhận thông tin từ người dân địa phương và tiến hành đào khảo sát. Hai nhà sử học và khảo cổ Diệp Đình Hoa, Phan Đại Doãn ghi lại trong báo cáo rằng: “Từ sau đợt khai quật này, chiến thắng Bạch Đằng và nhất là trận địa cọc mới được tìm hiểu một cách đầy đủ và cẩn thận... nhằm tìm hiểu sâu hơn, truyền thống dân tộc và khoa học quân sự nước nhà”.

Các nhà khảo cổ đã sàng lọc được một số bãi cọc, ở vùng thượng lưu sông Bạch Đằng, có thể không phải từ các trận chiến lịch sử. Đó là hai dải cọc được phát hiện ven sông Giá, một chi lưu của sông Bạch Đằng. Hầu hết cọc đều nhỏ, đường kính chỉ khoảng 6-10cm, thậm chí có cả cọc tre, được cắm san sát nhau ở khoảng cách 4-5cm. Ngoài ra, một số vùng khác cũng có các dải cọc tương tự. Ở chợ Đá Bia, họ còn tìm thấy các hàng cọc chạy dọc ven đê, với nhiều loại cây gỗ có đường kính 4-20cm. Một vài ý kiến ban đầu cho rằng, đây là những bãi cọc phụ, hỗ trợ cho các bãi cọc chính, trong trận chiến Bạch Đằng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến sau đó đã nghi ngờ giả thuyết này. Họ cho rằng, đó có thể chỉ là các dải cọc kè chân đê, đã được gia cố theo thời gian.

Cụ Đào Xuân Tự kể: “Ngày xưa, ở vùng cửa sông này, quân dân nhà Trần, không chỉ giao chiến với

nhung bi an ve bai coc bach dang huyen thoai
Cụ Đào Xuân Từ

giặc Nguyên Mông dưới nước, mà còn có cả nhiều trận đánh kết hợp trên bộ. Bãi chiến địa trải rộng từ địa hình sông nước, đến bãi bồi, sơn cước. Các công trình khảo cổ nghiên cứu từ năm 1958 đến nay, mới chỉ hé lộ được phần nào bí ẩn của tổ tiên”.

Tôi thắc mắc với cụ Tự: Tại sao nhiều bãi cọc được tìm thấy, lại nằm rải rác trên bãi đầm, mà không thuộc lòng sông Bạch Đằng? Cụ Đào Xuân Tự giải thích:“ Theo lời của những nhà khảo cổ mà tôi được nghe, thì sông Bạch Đằng xưa, khi chưa có đê bao, bao gồm cả một vùng rộng lớn, hiểm trở gồm sông Chanh, các dòng chảy băng qua đảo Hà Nam, sông Rút và cả sông Bạch Đằng hiện nay. Luồng lạch phức tạp, với nhiều bãi đá ngầm, bãi nổi, cùng mực thủy triều rất mạnh. Vì vậy mà Hưng Đạo Vương đã nghiên cứu rất kỹ các yếu tố tự nhiên này, bố trí cắm cọc, dẫn dụ đoàn chiến thuyền Nguyên Mông, vào đúng vị trí thuận lợi nhất, để quyết chiến khi triều xuống”.

Cụ Đào Xuân Tự chỉ tay vào mấy đầu cọc gỗ chồi lên mặt đất thao thao bất tuyệt: Đây chỉ là một vài chiếc cọc, trong nhiều bãi cọc mà người xưa đã cắm làm trận địa, giăng bẫy quân thù. Thế trận rất phức tạp, chằng chịt, không chỉ như hình dung đơn giản, là cắm cọc ngang sông, để chặn tàu giặc. Từ năm 1958, nhóm khảo cổ đầu tiên, ngoài sàng lọc được những bãi cọc dân sinh, cũng tìm thấy nhiều trận địa cọc quân sự. Ở bãi đầm xã Yên Giang, bên tả ngạn sông Chanh, cách ngã ba sông Bạch Đằng và sông Chanh khoảng 414m, họ đã phát hiện bãi cọc dài 118m, rộng 20m. Các nhà khảo cổ cứ đào xuống bãi nào là tìm thấy cọc trong diện tích bãi ấy. Địa chất tự nhiên rất rõ ràng với đất phù sa cổ. Hầu hết cọc đều là gỗ lim bền cứng, được ưa dùng ở miền Bắc. Một số ít là gỗ táu còn nguyên cả vỏ. Các nhà khảo cổ đo chiều dài của chiếc cọc, ở hố đào thứ nhất dài 1,75m, cọc ở hố thứ hai dài 2,65m với đường kính 31cm. Ở hố đào thứ ba, họ còn tìm thấy cây cọc dài 2,8m. Tất cả, đều được đẽo nhọn một đầu, để cắm sâu xuống đất 0,5-1m, với thế hơi nghiêng về hướng sông Bạch Đằng.

Theo những tài liệu đã được 2 nhà khảo cổ Phan Đại Doãn và Diệp Đình Hoa công bố từ những năm 70 của thế kỷ trước, có thể khẳng định những di tích lịch sử tại Khu di tích Bạch Đằng chắc chắn có liên quan đến trận đánh của Trần Hưng Đạo. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một bộ phận nhỏ của bãi chiến trường oanh liệt, đã tiêu diệt toàn bộ cánh thủy quân của Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp, ngày 8-3 năm Mậu Tý (1288).

Tiền nhân đã đóng cọc như thế nào?

Kết quả sau các đợt khảo cổ năm 1976, 1984 các nhà khảo cổ đã tìm thấy hai loại vồ đóng cọc lớn nhỏ khác nhau. Vồ nhỏ dài 1,2-1,3m, rộng 0,2m, đẽo đầu to đầu nhỏ, mặt gỗ đóng vào cọc được vát phẳng để không bị trượt. Loại vồ lớn hơn có chiều ngang 0,25m và dài 1,5m, đủ trọng lượng để người xưa đóng được cọc xuống đáy sông. Các nhà khảo cổ nghiên cứu, người xưa có thể đã biết sử dụng kỹ thuật ròng rọc như chiếc búa máy, để kéo chiếc vồ này lên cao và thả dộng xuống đầu cọc. Một đầu vồ vát nhỏ, là để họ cầm điều chỉnh cho vồ đóng chính xác vị trí. Ngoài ra, các nghiên cứu khác cũng cho thấy, còn có kỹ thuật đóng cọc đơn giản, bằng cách cầm cọc dộng lắc xuống đáy sông. Đây là kỹ thuật đóng cọc vào đất bùn không cứng lắm, mà dân gian đã có nhiều kinh nghiệm truyền đời.

nhung bi an ve bai coc bach dang huyen thoai
Bãi cọc ở Cánh đồng Vạn Muối

Trải qua một thời gian dài, số cọc hiện còn khoảng 300 cọc là gỗ lim, táu, sến, đường kính 15-33cm. Tháng 11-2005, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã phối hợp nghiên cứu khảo cổ thám sát quy mô, mật độ, tầng văn hóa của bãi cọc. Ở đây, các cọc được cắm theo hình chữ chi, cách nhau 0,6-1,1m và nghiêng theo hướng ngược dòng sông, số cọc hiện còn khoảng 600-1.000 cọc là gỗ lim, táu, sến, đường kính cọc 10-30cm. Bãi cọc Đồng Má Ngựa thuộc thôn Hưng Học, phường Nam Hòa được phát hiện vào năm 2009 do nhân dân đào ao nuôi cá làm phát lộ cọc. Bãi cọc được cắm ngang một nhánh của dòng sông Kênh cổ nối chi lưu sông Rút và sông Chanh có chiều dài khoảng 70m theo hướng Đông - Tây, chiều rộng khoảng 30m theo hướng Bắc - Nam, mật độ cọc phân bố không đều. Do bị nước và các tác nhân bào mòn, số cọc hiện còn nằm sâu trong lòng đất, dài 0,5-1m, đường kính cọc 20-22cm...

Việc đóng cọc bằng kỹ thuật “dộng lắc” kết hợp với kinh nghiệm của nhân dân địa phương được sử dụng trong vùng nước sâu chứa nhiều bùn cát, với những cọc lớn, thường được cắm đứng (bãi cọc Yên Giang, các cọc cắm giữa dòng ở bãi cọc Đồng Má Ngựa). Những kỹ thuật đóng cọc khác được sử dụng ở các bãi bồi, trong khi đó, cọc ở các bãi lầy, ven bờ có nhiều kích cỡ khác nhau, tận dụng từ nhiều nguồn, được cắm thành cụm dích dắc, theo nhiều hướng có tác dụng ngăn chặn thuyền nhỏ và đặc biệt là quân bộ. Các bãi cọc có thể đã được bố trí ở tất cả các đường nước trong khu vực đảo Hà Nam và Yên Giang xen giữa những doi đất cao và gò đá tạo nên thế trận nhiều lớp.

Những chuyên gia cho rằng, việc bố trí các cánh quân bộ, thuyền nhỏ ở ven sông Bạch Đằng và những khu vực gò cao giữa các bãi cọc này, được đoán định từ các địa danh và di tích như: Gò Tàu Chìm, đình Trung Bản, đền Trung Cốc, đình Đền Công, Trại An Hưng... cùng với các lực lượng tiếp ứng chủ lực, chứng tỏ sự chuẩn bị rất công phu và tài tình cho một trận đánh mang tính chất tiêu diệt.

Đi ngược sông Bạch Đằng lên phía thượng lưu, tôi cố gắng hình dung lại chiến tích thần kỳ năm xưa của Hưng Đạo vương. Hơn nữa, tôi còn được người dân dọc theo thủy lộ này kể cho nghe, rất nhiều chuyện truyền đời về các miếu, đền, gia phả, thần phả… mà mỗi câu chuyện đều liên quan đến các trận đánh dọc bờ sông này. Khẳng định một điều rằng, sự góp sức máu xương của các đội dân binh là vô cùng to lớn trong những chiến tích lẫy lừng này.

Người dân địa phương vẫn khắc ghi câu chuyện về một bà bán hàng nước ven sông Bạch Đằng được phong làm vua Bà và được người dân dựng miếu thờ ngay trong khuôn viên khu di tích lịch sử này. Theo văn bia dựng trước cửa miếu thờ vua Bà, nơi đây xưa kia là bến đò Rừng, tương truyền dưới gốc cây quếch trên bến đò có bà bán hàng nước phục vụ khách qua sông. Khoảng đầu năm 1288, Trần Hưng Đạo đã đến bến đò này nghiên cứu địa hình, chuẩn bị thế trận tiêu diệt đạo thủy binh quân Nguyên Mông.

Vì bán hàng nước trên bờ sông đã lâu, nên có thể nói không ai hiểu khúc sông này hơn vua Bà. Chính vua Bà đã cung cấp nhưng thông tin vô cùng quý giá cho Hưng Đạo Vương về thời gian con nước lên xuống và địa thế dòng sông, giúp quân ta bố trí được trận địa cọc và chọn thời điểm quyết chiến một cách chuẩn xác nhất.

Sau chiến thắng Bạch Đằng lịch sử, Hưng Đạo Vương đã trở lại bến đò tìm bà để tạ ơn nhưng không thấy, chỉ thấy đống mối đùn lên rất to nơi trước kia bà ngồi bán hàng nước. Cảm kích trước công ơn của bà, Trần Hưng Đạo đã tâu với vua Trần Nhân Tông phong bà làm vua Bà và cho lập miếu thờ tại nơi bà bán hàng bên gốc cây quếch.

Kể từ đó tới nay, dù đã hơn 700 năm nhưng cây quếch - nơi bà bán hàng nước khi xưa vẫn còn xanh tốt, xum xuê tỏa bóng xuống sân miếu vua Bà. Nghe những người dân quanh đây kể, miếu thờ vua Bà rất linh thiêng nên người dân thường tìm đến để cầu cho quốc thái dân an.

Cẩm Tú

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps