Những bài văn “vượt rào” chuẩn giáo dục

10:06 | 27/05/2012

1,999 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Chỉ 5, 7 năm trước, việc một bài văn “lạ” xuất hiện là một điều hiếm hoi và khó chấp nhận trong nhà trường và học sinh, bởi những điều “lạ” ấy chính là sự lệch chuẩn giáo dục thông thường. Tuy nhiên, việc các bài văn “lạ” liên tiếp xuất hiện, xúc động có, sáng tạo có và lệch lạc cũng có khiến chúng ta cần phải nhìn lại cách dạy văn và tiếp thu môn văn trong nhà trường, đặc biệt là trường THPT.

Nở rộ những cái “lạ”

Có thể nói những bài văn “lạ” đang xuất hiện ồ ạt và đủ nội dung và cách thể hiện, nó có thể là một bài văn sáng tạo, xúc động về quan điểm của giới trẻ về sự việc, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống; nó có thể là cách nhìn độc đáo và khác biệt về cách đối nhân xử thế nhưng cũng có thể là sự đùa cợt, thậm chí là coi thường những gì có trong sách giáo khoa.

Nếu 5, 7 năm trước, hiện tượng bài văn “lạ” rất hiếm hoi và khó chấp nhận trong nhà trường bởi tính chất “lệch chuẩn” của chúng, nhưng hiện nay, khi các đề văn mở được sử dụng nhiều hơn, học sinh được quyền nói lên suy nghĩ, quan điểm cá nhân của mình thì những bài văn “lạ” không còn quá lạ lẫm.

Có thể nói, một vài năm trở lại đây, các bài văn “lạ” được mùa nở rộ và gây xôn xao trong dư luận, đặc biệt là đối với giáo viên và học sinh. Mở đầu là bài văn của thí sinh Nguyễn Phi Thanh, học sinh trường THPT Việt Đức tại kỳ thi học sinh giỏi các lớp không chuyên của Hà Nội, tổ chức giữa tháng 3/2005.

Thay vì “Giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc…”, học sinh này đã thẳng thắn bày tỏ: “Đề bài thi học sinh giỏi năm nay là “Giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” nhưng thực sự em không hề thích tác phẩm này, như vậy em có thể viết hay được không? Em chắc chắn rằng trong số 10 học sinh như em thì có 9 người cũng không thích tác phẩm này. Đơn giản bởi vì bọn em không sống trong thời chiến tranh, bọn em không thể rung động trước một bài tế khi mà thực sự bọn em đang sống trong thời bình. Bọn em không quay lưng với lịch sử nhưng có nhiều cách để bọn em hiểu về lịch sử dân tộc…”.

Nở rộ các bài văn "lạ" trong giới học sinh

Bạn Nguyễn Phi Thanh đã khiến thầy cô giáo rất ngạc nhiên khi chân thành thể hiện quan điểm: “Chưa bao giờ bọn em được tỏ rõ chính kiến của mình trong một bài thi cả, tất cả chỉ vì áp lực điểm số”. Tranh cãi về việc dạy Văn và học Văn ở nhà trường một lần nữa dấy lên trong dư luận.

Tháng 4/2011, buổi thi thử đại học tại trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng có bài văn bị điểm 0 khi kể về câu chuyện nữ sinh yêu thầy giáo với những ngôn từ mùi mẫn, tình cảm như trong tiểu thuyết. Tác giả bài viết là một nữ sinh ngoan, học khá, và rất mê viết truyện, lúc đi thi, bạn này bị nhầm môn nên cắn bút viết ra một câu chuyện tình yêu thầy – trò. Khi bài văn xuất hiện trên mạng, phần lớn độc giả đều cho rằng tình tiết trong câu chuyện tình yêu này bị cho là không hợp đạo đức, không đúng thuần phong mỹ tục.

Và đến năm 5/2012, bài văn “lạ” của Nguyễn Vũ Anh, học sinh trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) lại một lần nữa khiến dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều. Đề bài yêu cầu học sinh nghị luận về vấn đề “nạn bạo lực học đường”, nhưng Vũ Anh lại liên hệ tới hiện tượng “thiếu quạt” trong các lớp học.

Dưới góc nhìn của tác giả bài viết, bạo lực được hiểu một cách đơn giản là khủng bố tinh thần, mà cụ thể học sinh không được đáp ứng những nhu cầu cần thiết trong giờ học mùa hè: thiếu gió quạt, thiếu nước, bị nóng… dẫn đến mất nước, sức khoẻ giảm sút, không thể học tốt. Lý lẽ và dẫn chứng trong bài viết được cư dân mạng nhận định là của một học sinh khối A, không phải không chặt chẽ, nhưng lại thiếu chất… văn chương.

Việc học văn của học sinh từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối trong giáo dục. Mỗi một kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học là một lần những bài văn “cười ra nước mắt” lại xuất hiện, thể hiện sự ngô nghê, ngớ ngẩn trong câu chữ, trong diễn đạt của một bộ phận học sinh THPT.

Để "Văn học thực sự là nhân học”

Việc các bài văn của học sinh THPT mỗi ngày một “lạ” có một phần trách nhiệm do chương trình và cách dạy Văn của giáo viên. Chương trình Văn học của khối THPT phần lớn là các tác phẩm được sáng tác trước năm 1986, chỉ có một số ít các tác phẩm sau 1986 được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa, điều này cũng khiến một bộ phận học sinh có cảm giác xa lạ, khó hiểu và khó tiếp thu.

Xưa nay chúng ta bỏ qua yêu cầu HS yêu thích cho nên bao nhiêu tác phẩm chúng ta cho là hay đều trượt khỏi tâm trí lớp trẻ. Do vậy, để giới thiệu cho HS về thời kỳ Văn học cổ, quá xa xưa với thời kỳ mà HS đang sống, chỉ nên chọn giới thiệu trong sách giáo khoa những tác phẩm thật đặc sắc nhưng cũng phải phù hợp với khả năng cảm nhận, thẩm thấu của người học. Mục đích chính là để người học biết được đặc trưng văn học nước nhà qua từng thời kỳ.

Cách đọc – chép trong nhà trường, đặc biệt là trong môn văn là một cách để phá dần hứng thú học văn của học sinh. Với một tác phẩm xa lạ cùng cách dạy văn khô khan, bảo thủ thì chưa chắc các học sinh có thể tiếp thu được.

Thay vì đặt ra khung chuẩn để “ép” học sinh phải đi theo, các thầy cô giáo nên định hướng cho học sinh cách cảm nhận, để học sinh nói lên suy nghĩ cá nhân của mình. Nói như vậy không có nghĩa học sinh muốn viết thế nào cũng được, bởi không có nền giáo dục nào quá tự do. Giáo viên vẫn cần đặt ra chuẩn mực trong cách diễn đạt và định hướng cách hiểu cho học sinh để tránh tình trạng tự do quá đà trong việc cảm nhận Văn học.

Điều này chứng tỏ triết lý giáo dục đã có sự đổi mới. Sự đổi mới này trao cho người đọc quyền tự chủ, người ta coi học sinh là người đọc tương lai. Thay vì cung cấp con cá thì cung cấp cần câu, hướng dẫn cho học sinh phương pháp tự đọc tác phẩm, tự tìm kiếm sự đa dạng của tác phẩm.

Cần thay đổi cách dạy và cách học văn trong trường THPT để học sinh thêm hứng thú với môn văn

Trong số những bài văn “lạ” bởi sự tức cười, ngô nghê, còn có những bài văn mang đậm suy nghĩ cá nhân, thể hiện sự sâu sắc và hiểu biết của học sinh. Điển hình là bài văn thể hiện quan điểm về đồng tiền của học sinh Nguyễn Trung Hiếu (trường THPT Amsterdam, Hà Nội). Đó là những suy nghĩ chân thực nhất của em về đồng tiền, giá trị đồng tiền trong cuộc sống và đã gây xúc động cho tất cả những người đã từng đọc bài văn ấy.

Tuy nhiên, không phải bài văn “lạ” nào cũng thể hiện sự đúng mực trong suy nghĩ và trong cách diễn đạt. Gần đây, trước tình trạng bài văn “thiếu quạt” khiến nhiều học sinh cảm thấy hứng thú và ủng hộ, cô giáo Trịnh Thu Tuyết (giáo viên dạy văn trường THPT Chu Văn An) đã chia sẻ: “Nạn bạo lực học đường đang là một vấn đề nhức nhối với cả xã hội, một bài văn thiếu nghiêm túc sẽ gây những hiệu ứng bất lợi cho dư luận xã hội. Thật đáng lo, đáng buồn khi một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là đối tượng học trò của chúng ta phấn khích ủng hộ những bài thi phản cảm, những cách hành xử không phù hợp với môi trường sư phạm”.

Maxim Gorky đã từng nói “Văn học là nhân học”, học văn cũng chính là học cách làm người, học cách ứng xử sao cho đúng mực và văn minh. Thế nhưng việc nở rộ những bài văn “lạ”, những bài văn lệch chuẩn giáo dục khiến nhiều nhà văn hóa, nhiều nhà giáo dục cần nhìn lại chương trình văn học cùng cách giảng dạy trong trường THPT để việc học văn trở nên thực chất hơn và lôi cuốn học sinh hơn.

Vương Tâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc