Những bài học rút ra từ vụ án nghiêm trọng ở Bình Phước

18:22 | 13/07/2015

13,050 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ án cướp của giết 6 người tại Công ty TNHH Khai thác, chế biến gỗ Quốc Anh là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Đây là lần đầu tiên để điều tra ra thủ phạm một vụ án hình sự, Bộ Công an đã phải huy động lực lượng an ninh, cảnh sát, công an của 10 tỉnh, thành phố… Thủ phạm đã được tìm ra trong khoảng thời gian rất ngắn. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có một cuộc trao đổi với Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Phó trưởng ban Chỉ đạo điều tra vụ án, Trưởng ban Chuyên án 75G về một số vấn đề xung quanh vụ án này.
Phó Thủ tướng gửi thư khen các đơn vị phá án vụ thảm sát ở Bình Phước
Từ đâu xuất hiện những thảm án?
Những bài học rút ra từ vụ án nghiêm trọng ở Bình Phước
Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.

Là người trưởng thành từ cảnh sát hình sự và sau này đã từng chỉ huy điều tra thành công rất nhiều vụ án hình sự lớn, nhưng cho đến giờ phút này, Trung tướng Phan Văn Vĩnh vẫn còn thấy bàng hoàng về vụ án giết 6 người nhà ông Lê Văn Mỹ ở tổ 3, ấp 2, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Trao đổi về vụ án, Trung tướng Phan Văn Vĩnh đã rút ra một số bài học trong công tác chỉ đạo điều tra, điều tra và cả công tác phòng ngừa về sau này.

Trước hết, phải nói rằng, đây là vụ án nghiêm trọng chưa từng thấy bởi những tình tiết dã man, cũng như thủ đoạn của bọn tội phạm. Vụ án đã gây ra sự lo lắng, bức xúc và tác động mạnh đến tâm tư của nhân dân, đặc biệt là nhân dân quanh khu vực xảy ra vụ án.

Do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án nên Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đã phải trực tiếp đến hiện trường, chỉ đạo công tác điều tra.

Ngay sau khi xảy ra vụ án, lãnh đạo Bộ Công an đã ra mệnh lệnh thành lập ngay Ban Chỉ đạo điều tra vụ án do Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng ban Chỉ đạo; Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát làm Phó trưởng ban và là Trưởng ban chuyên án mang bí danh 75G.

Lãnh đạo Bộ Công an cũng đã điều vào Ban chuyên án những tướng lĩnh, sĩ quan từng trưởng thành từ cảnh sát hình sự và dày dạn kinh nghiệm trong việc điều tra các vụ án hình sự lớn. Đó là Trung tướng Triệu Văn Đạt, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; Thiếu tướng Vũ Quang Hưng, Cục trưởng C44; Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45); Đại tá Trần Thắng Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước. Đồng thời huy động Giám đốc, Phó giám đốc Công an 10 tỉnh, thành phố cùng lực lượng cảnh sát hình sự và an ninh của một số đơn vị vào điều tra.

Ban chỉ đạo chuyên án cũng đã thành lập 6 tổ công tác đặc nhiệm để tham gia điều tra, đồng thời chăng lưới ở 10 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, lần đầu tiên ở một vụ án, chúng ta đã phải thành lập một tổ chuyên phân tích tin từ các nơi gửi về. Đồng thời, lực lượng cảnh sát hình sự đã huy động tối đa quân số và sử dụng tất cả các biện pháp nghiệp vụ. Bằng những biện pháp quyết liệt, nhận định chính xác về đối tượng gây án, chỉ sau 3 ngày xảy ra vụ án, Ban chuyên án đã cơ bản làm rõ được đối tượng chính.

Những bài học rút ra từ vụ án nghiêm trọng ở Bình Phước
Lực lượng chức năng phong tỏa hiện trường để thực hiện công tác điều tra

Vậy bài học trong điều tra vụ án này là gì?

Thứ nhất, phải khẳng định rằng, yếu tố phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, cung cấp tin tức, tố giác tội phạm là cực kỳ quan trọng. Ngay sau khi xảy ra vụ án, chỉ trong 2 ngày đầu, Ban chuyên án đã nhận được hàng ngàn tin cung cấp về tội phạm, thậm chí có cả những tin phân tích về động cơ gây án, về một số đối tượng hiềm nghi và phân tích về khả năng chạy trốn của tội phạm. Thậm chí, có cả những đối tượng là lưu manh chuyên nghiệp, đối tượng hình sự cộm cán cũng gửi thông tin tố giác tới Ban chuyên án.

Việc sàng lọc các nguồn tin này để từ đó có những nhận định về tội phạm là công việc không đơn giản, bởi nếu không cẩn thận, những người tham gia điều tra sẽ bị sa vào mê hồn trận thông tin. Nhưng với kinh nghiệm dày dạn qua các vụ án hình sự, Ban chuyên án đã tìm ra được những điểm đột phá quan trọng từ nguồn tin tố giác của quần chúng.

Thứ hai, đó là sự chỉ đạo quyết liệt ngay từ những phút đầu tiên của lãnh đạo Bộ Công an, Ban chỉ đạo chuyên án và khi có Ban chuyên án.

Chưa có vụ án nào mà việc khám nghiệm hiện trường phải tổ chức đến 5 lần. Chính từ công tác khám nghiệm hiện trường đã phát hiện ra nhiều manh mối quan trọng. Hình như chưa có vụ án hình sự nào mà Ban chuyên án tổ chức họp để đánh giá tình hình, xác định hướng truy tìm từ 20h đến 3h sáng hôm sau. Và cũng chưa có vụ án nào mà trong cuộc họp của Ban chuyên án, các hạ sĩ quan công an được phép tham gia và phát biểu ý kiến. Điều đáng mừng là có những ý kiến của các hạ sĩ quan này đã giúp Ban chuyên án đánh giá chính xác về hung thủ cũng như thủ đoạn gây án.

Thông tin từ các hướng, các mũi được cập nhật về Ban chuyên án từng giờ. Sự quyết liệt còn đến mức Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước dừng hết tất cả các cuộc họp để tập trung điều tra vụ án. Khó có thể tưởng tượng nổi một vị Đại tá, Giám đốc phải chỉ đạo công tác điều tra đến mức 3 ngày liền không có thời gian thay quần áo.

Thứ ba, đã tập trung được mọi nguồn lực, tận dụng từng chi tiết nhỏ nhất để dựng khung, dựng hình vụ án.

Lực lượng công an 10 tỉnh, thành phố và các đơn vị đã đồng tâm hiệp lực với Ban chuyên án, tập trung được tin tức và chạy đua với thời gian. Tất cả các băng nhóm tội phạm ở 10 tỉnh, thành phố lân cận và cả ở Campuchia được rà soát tỉ mỉ, rồi loại trừ dần. Đây là những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình điều tra vụ án.

Thật ra, những bài học này mang tính kinh điển, nhưng vấn đề áp dụng trong từng vụ án lại rất không đơn giản. Trong vụ án này, chế độ mệnh lệnh đã được thực hiện triệt để và được mọi tập thể, cá nhân chấp hành với ý thức cao. Từ vụ án này, Trung tướng Phan Văn Vĩnh đã nêu ra một số vấn đề trong công tác phòng ngừa tội phạm.

Thời gian gần đây, đã xảy ra một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà vụ sát hại gia đình ông Lê Văn Mỹ là một điển hình. Điều này cho thấy tình hình tội phạm đang có những diễn biến phức tạp và len lỏi đến mọi ngõ ngách. Trong những năm qua, bằng rất nhiều cố gắng và với phương châm hành động “Chủ động - Kỷ cương - Trách nhiệm - Hiệu quả”, lực lượng công an đã điều tra ra đến 90% các vụ trọng án. Đặc biệt, có những đơn vị làm tốt công tác phòng ngừa điều tra như Hà Nội nên đã điều tra ra đến 100% vụ án. Đây là con số mà không phải lực lượng cảnh sát của quốc gia nào cũng làm được. Nhưng với tình hình tội phạm diễn biến như hiện nay thì rõ ràng vấn đề đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ thanh niên và dân cư đang có vấn đề.

Những bài học rút ra từ vụ án nghiêm trọng ở Bình Phước
Điều tra viên đang thu thập dấu vết lạ trên thành cổng ra vào

Chính vì vậy, để có thể phòng chống tội phạm, lực lượng công an phải là nòng cốt, là mũi nhọn. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ngành, các cấp chính quyền và đoàn thể. Điều quan trọng là phải phòng ngừa tội phạm ngay chính trong mỗi gia đình. Nếu cha mẹ không theo sát chăm lo, dạy dỗ con cái thì sẽ nảy sinh ra tội phạm trong chính gia đình. Việc phòng chống tội phạm cũng phải được thực hiện trong từng tổ dân phố, từng xóm, xã, thôn, bản. Đấu tranh chống tội phạm thì công an là chủ lực, nhưng phòng ngừa tội phạm thì phải là toàn xã hội, và quan trọng nhất là mỗi gia đình.

Một điều quan trọng khác là người dân phải có ý thức tự mình bảo vệ chính mình. Trong vụ án ở tiệm vàng Bích Ngọc ở Bắc Giang trước đây, do chủ tiệm vàng không có cách phòng chống, bảo vệ tài sản nên tên Luyện đã dễ dàng đột nhập vào nhà. Còn trong vụ án thảm sát 6 người này, nhà ông Lê Văn Mỹ rất kiên cố, kín cổng, cao tường, nhưng khổ một nỗi, trong nhà ông có cháu là Vỹ, là người nghiện chơi game, nhiều lần xin tiền của tên Dương. Chính vì vậy, Vỹ đã mở cửa cho tên Dương khi được hắn gạ cho tiền.

Gần đây, rất nhiều vụ án xảy ra do đối tượng lợi dụng được sự sơ hở của nạn nhân, đặc biệt là các gia đình có tiền của, hoặc sử dụng xe máy, tư trang đắt tiền. Quả thật, nếu như chúng ta không biết bảo vệ mình, đến khi xảy ra sự việc lại chỉ tập trung vào oán trách chính quyền, công an cũng là điều không phải.

Vụ án này cũng là một bài học cảnh tỉnh cho các gia đình cần quản lý, theo dõi con cái. “Tử giả bất luận” - người chết rồi thì không nên bới ra đời tư làm gì nhiều. Nhưng rõ ràng là trong vụ án, có quá nhiều điều để nói về đối tượng gây án cũng như các nạn nhân.

Trung tướng Phan Văn Vĩnh cũng đã đề cập đến một vấn đề không thể không suy nghĩ. Đó là hình như gần đây, chúng ta quá mải mê công việc xây dựng, phát triển kinh tế mà xao nhãng yếu tố xây dựng con người. Trước kia, chúng ta có khẩu hiệu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Vậy bây giờ khi chúng ta xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải đối phó với mặt trái của kinh tế thị trường, đối phó với sức mạnh của đồng tiền, vậy tiêu chí xây dựng con người bây giờ là gì? Nếu không có định hướng rõ ràng trong việc xây dựng tiêu chuẩn con người mới thì rõ ràng là chúng ta đã thả nổi công tác tư tưởng, đặc biệt là đối với tầng lớp thanh, thiếu niên. Điều gì sẽ xảy ra với thế hệ trẻ nếu như một bộ phận này sống không có lý tưởng, không có mục đích?

Có một vấn đề nữa trong vụ án này là hiện nay, không ít cơ quan truyền thông do thông tin nhận được không đầy đủ hoặc phiến diện, hoặc từ những người không nắm được tổng thể vụ án, nên đã đưa ra nhiều giả thiết, nhận định không chính xác. Thậm chí còn thương vay, khóc mướn cho cả nạn nhân và hung thủ.

Phải khẳng định rằng đây là một vụ án giết người cướp của, còn yếu tố ái tình chỉ là điều kiện. Đối tượng đã chuẩn bị giết người cướp của một cách hết sức chi tiết, như mua súng, dao, sim rác, mua găng tay, khẩu trang, rồi dây nhựa, băng keo để trói và bịt miệng nạn nhân. Số tiền cướp được là hơn 4 triệu đồng, 100 đôla và một số điện thoại, còn số tiền lớn của gia đình là 1,7 tỉ trong một tủ âm tường, đối tượng không phát hiện ra. Đây là việc xảy ra ngoài ý muốn của chúng. Bởi lẽ một vụ án đã cướp, dù chỉ cướp 1.000 đồng cũng đã đủ cấu thành tội phạm cướp của. Còn gọi ái tình trong vụ án này là điều kiện bởi lẽ do đã từng có quan hệ yêu đương với nạn nhân từ trước, Dương đã thuộc đường đi lối lại trong nhà, cũng như những người thân khác. Do đó, nói vụ án này là trả thù vì không được yêu là không đúng.

Các hung thủ đã bị bắt giữ, việc hoàn tất hồ sơ để đưa chúng ra xét xử đang được các cơ quan tố tụng khẩn trương tiến hành. Nhưng một lần nữa, Trung tướng Phan Văn Vĩnh khẳng định: “Chúng tôi không coi đây là chiến công. Đây là trách nhiệm của lực lượng công an. Nếu điều tra ra tội phạm chậm giờ nào, ngày nào, là chúng tôi mắc nợ nhân dân. Hơn bao giờ hết, chúng tôi chỉ mong mỗi gia đình, mỗi tổ chức chính quyền, đoàn thể hãy giúp lực lượng công an bằng cách làm tốt công tác phòng ngừa. Mong muốn của chúng tôi là lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm càng nhàn rỗi thì càng tốt. Chẳng bao giờ chúng tôi mong có án xảy ra để điều tra, lấy thành tích”.

Nguyễn Như Phong

Năng lượng Mới