Những ai đang bán vũ khí cho Arập Xêút?

15:29 | 02/11/2018

619 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 31/10, Thụy Sĩ đã quyết định ngừng chuyển giao gói linh kiện vũ khí cho Arập Xêút. Trước đó ngày 20/10, Đức tuyên bố nước này không thông qua bất kỳ thỏa thuận bán vũ khí mới nào cho Arập Xêút đến khi kết thúc cuộc điều tra về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi.
nhung ai dang ban vu khi cho arap xeut
Arập Xêút là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới

Nhà báo Arập Xêút Jamal Khashoggi đã bị siết cổ và thi thể của ông đã bị chặt ra từng khúc trong lãnh sự quán của nước này ở Istabul, theo kế hoạch đã được dự trù. Đó là thông báo của Viện Công tố Thổ Nhĩ Kỳ ngày 31/10/2018.

Cho tới nay, thi thể của nhà báo Khashoggi vẫn chưa được tìm thấy. Các nguồn tin từ Arập Xêút chỉ khẳng định là việc xử lý thi thể được giao cho một “cộng tác viên địa phương”. Nhưng theo thông báo của chưởng lý Istanbul, chưởng lý Arập Xêút nói với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ rằng Riyad chưa bao giờ tuyên bố chính thức là có một “cộng tác viên” như vậy.

Nhiều nước phương Tây chuyên bán vũ khí cho Arập Xêút đã nhiều lần lên tiếng đe dọa sẽ trừng phạt Riyad nhưng cho đến nay vẫn chưa có quyết định nặng ký nào được đưa ra. Thông báo của Thụy Sĩ ngày 31/10 cho biết đó chỉ là một quyết định tạm thời. Còn trước khi nổ ra vụ việc nhà báo Khashoggi bị giết, chính quyền Berlin đã bật đèn xanh cho đơn hàng chuyển giao 4 hệ thống pháo định vị bộ binh cho Riyad.

“Trong lúc cuộc điều tra vẫn đang tiến hành, không có lý do gì để đưa ra quyết định xuất khẩu vũ khí cho Arập Xêút”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh.

Kể từ đầu năm đến nay, Đức đã thông qua các thỏa thuận xuất khẩu vũ khí trị giá hơn 400 triệu euro cho Arập Xêút.

Trong một động thái không hẹn mà gặp, ngày 30/10, nhiều nước phương Tây đã đồng thanh kêu gọi các bên tham chiến tại Yemen ngưng các hành động thù địch và tiến hành đàm phán hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Đây được xem là động thái đánh lạc hướng dư luận quốc tế của phương Tây với Arập Xêút xung quanh vụ Khashoggi.

Theo giới phân tích, tuyên bố của Mỹ và Pháp yêu cầu Arập Xêút dừng cuộc chiến ở Yemen là rất khôn ngoan. Kêu gọi Arập Xêút ngừng chiến ở Yemen giúp họ có được tiếng thơm là hành hiệp trượng nghĩa vì nhân đạo, lại được thể “trừng phạt” Arập Xêút vì vụ thủ tiêu nhà báo Jamal Khashoggi, vốn đang bị công luận thế giới lên án. Làm như thế sẽ không gây phản ứng mạnh từ chính quyền Riyad trong việc xem xét lại các hợp đồng bán vũ khí.

Arập Xêút từ lâu là vị khách sộp của các nước phương Tây, bất chấp vụ một chiếc xe buýt chở học sinh tại tỉnh Saada, Yemen, bị trúng oanh kích của liên minh quân sự Arập Xêút và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất vào ngày 9/8/2018 khiến 51 người chết và 79 người bị thương. Theo CNN, quả bom nhắm vào chiếc xe buýt trên là một quả bom dẫn đường bằng laser do Mỹ sản xuất và cung cấp cho đồng minh.

Từ năm 2001 đến 2015, các doanh nghiệp châu Âu đã xuất 57 tỉ euro vũ khí cho Riyad, nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Sipri). Có nghĩa là gần 60% vũ khí của Arập Xêút đến từ châu Âu.

Đầu tháng 9/2018, Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sanchez, quyết định hủy hợp đồng bán 400 quả bom dẫn đường bằng laser, mà chính phủ bảo thủ tiền nhiệm đã ký với Arập Xêút năm 2015, nhằm tránh bị sử dụng ở Yemen. Quyết định được các tổ chức nhân đạo hoan nghênh, còn Riyad kịch liệt phản đối. Nhưng ngay sau đó, Madrid buộc phải đổi ý, do Riyad dọa hủy hợp đồng mua 5 hộ tống hạm. Hợp đồng quan trọng này được thực hiện ở khu xưởng Cadix (vùng Andalucia), nơi được đầu tư 1,8 tỉ euro và tạo khoảng 6.000 việc làm, trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở vùng này lên đến 27%.

Với Paris, Arập Xêút không phải là một khách hàng mà là một đồng minh. Vì vậy, Tổng thống Pháp Macron cho rằng cần tôn trọng các hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, các loại vũ khí được cho là sử dụng tại Yemen cần được tăng cường giám sát. Quyết định cho phép xuất khẩu vũ khí sang Trung Đông được xem xét mỗi tháng một lần. Từ giờ, giấy phép theo yêu cầu của các bên tham gia cuộc chiến Yemen sẽ được nghiên cứu tại các cuộc họp đặc biệt ở phủ thủ tướng.

Nhiều tổ chức phi chính phủ và khoảng 50 nghị sĩ Pháp đã yêu cầu Paris ngừng bán vũ khí cho Riyad nhân chuyến thăm Paris của hoàng thái tử Mohammed Ben Salman hồi tháng 4/2018 nhưng bất thành. Pháp không bán bom cho Riyad nhưng bán đạn 155 mm dành cho pháo Caesar. Tháng 7/2018, Bộ trưởng Quân lực Pháp Florence Parly khẳng định: “Các trang thiết bị quân sự trên bộ bán cho Arập Xêút được sử dụng không nhằm mục đích tấn công mà để phòng thủ, ở biên giới giữa Yemen và Arập Xêút”. Đây là trường hợp của pháo Caesar.

Anh, nước ủng hộ mạnh mẽ chính quyền Riyad, vừa tiếp tục bán vũ khí, vừa kêu gọi giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Yemen. Theo thống kê của Chiến dịch Chống bán vũ khí cho Arập Xêút (CAAT), từ năm 2015, London đã cho phép bán 5,2 tỉ đô la vũ khí cho Riyad, chủ yếu là máy bay tiêm kích ném bom Eurofighter Typhoon, bom dẫn đường bằng laser Paveway và tên lửa Brimstone. Riyad là nhà đầu tư quan trọng vào London và là đầu ra mấu chốt trong chiến lược của Anh hậu Brexit. Vì thế, chính phủ của Thủ tướng May liên tục thể hiện những cử chỉ thân ái, như trong chuyến thăm London vào tháng 3/2018 của hoàng thái tử Ben Salman. Thủ tướng Anh một mặt bày tỏ “quan ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo ở Yemen”, mặt khác vẫn ký một biên bản ghi nhớ thỏa thuận bán 48 chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon có trị giá vài tỉ đôla cho Arập Xêút.

Sau thời gian quan hệ ngoại giao Mỹ - Arập Xêút nguội lạnh vì cuộc đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Iran, đối thủ của Arập Xêút trong khu vực, sự ủng hộ của Washington với Riyad lại nồng nhiệt như trước kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền.

Về mặt chiến lược, Hoa Kỳ không muốn để cho chế độ Riyad suy yếu. Arập Xêút và Israel là hai đồng minh trụ cột của Mỹ tại Trung Đông. Ngoài nhu cầu chiến lược còn có lợi ích kinh tế. Dầu mỏ, đôla của Riyad đóng góp đáng kể cho sự phồn vinh của Mỹ. Gần đây, trong chuyến công du Mỹ của Thái tử Mohamed Ben Salman, hai bên đã ký hơn 300 tỷ đôla hợp đồng trong đó có 110 tỷ mua vũ khí. Chưa hết, ông Donald Trump còn cần Arập Xêút trong vai trò “điều hòa” thị trường dầu khí trong khuôn khổ kế hoạch trừng phạt Iran và Nga. Riyad bị mất ổn định đồng nghĩa với 13% lượng dầu cung cấp cho thị trường bị hao hụt, giá dầu sẽ leo thang.

nhung ai dang ban vu khi cho arap xeutJamal Khashoggi là ai mà lại bị thủ tiêu?
nhung ai dang ban vu khi cho arap xeutMỹ cân nhắc bán vũ khí cho Arập Xêút và UAE

Nh.Thạch

Sputnik

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc