Nhộn nhịp kích cầu cho vay tiêu dùng cuối năm

18:01 | 31/12/2020

146 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nắm bắt nhu cầu chi tiêu của người dân trong những tháng cuối năm, nhất là dịp giáp Tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh lĩnh vực cho vay bán lẻ, cho vay tiêu dùng cá nhân để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Nhu cầu vay vốn tăng trở lại

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2020 tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5,059.8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm trước. Bước chuyển biến tích cực về bán lẻ hàng hóa cũng thúc đẩy tín dụng tiêu dùng tại nhiều ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong quý III và quý IV, tín dụng của cả nền kinh tế đã có những dấu hiệu khởi sắc, tích cực. Dư nợ cho vay trong lĩnh vực bán lẻ vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn tại các ngân hàng thương mại (NHTM).

Nhộn nhịp kích cầu cho vay tiêu dùng cuối năm
Hoạt động nghiệp vụ tại BIDV.

Hệ thống cho vay tiêu dùng tại các ngân hàng hiện khá đa dạng, các ngân hàng đồng loạt giới thiệu các chương trình hợp tác với các DN bán lẻ, siêu thị, đại lý... để đưa ra dịch vụ cho vay tiêu dùng hấp dẫn, khuyến khích kích cầu mua sắm, đặc biệt là trong dịp Tết.

Tại Vietcombank, lãi suất cho vay với khách hàng cá nhân vay tiêu dùng như mua nhà, xây sửa nhà, mua xe ô tô được áp dụng từ 6,79%/năm, cố định trong 6 hoặc 12 tháng đầu. Thậm chí, có nhiều gói vay tiêu dùng ưu đãi lãi suất chỉ từ 5,7%/năm. Hay như đối với Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) cho vay với lãi suất từ 7,5%/năm dành cho khách hàng cá nhân đến hết ngày 31/1/2021. Nếu chọn vay thời gian cố định lãi suất 3 tháng hoặc 6 tháng đầu, lãi suất có thể áp dụng thấp, chỉ từ 2,99%/năm.

Phó Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết, ngân hàng liên tục triển khai nhiều chương trình cho vay tiêu dùng để khách hàng có nhu cầu vốn chính đáng với yêu cầu về hồ sơ vay vốn giải quyết nhanh gọn, ưu tiên thực hiện xét duyệt, giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng cho một lần vay. Chương trình cho vay khá đa dạng: Cho vay đối với khách hàng cá nhân thông qua tổ vay vốn/tổ liên kết, tổ cho vay lưu động; cho vay lưu vụ; cho vay phục vụ đời sống; cho vay qua các điểm giao dịch bằng ô tô chuyên dùng… Đến nay, chương trình đã đạt hơn 400 nghìn lượt khách hàng vay vốn, với doanh số cho vay gần 20 nghìn tỷ đồng.

Lãi suất giảm nhờ cạnh tranh cho vay

NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng đẩy mạnh các gói tiêu dùng, phục vụ nhu cầu của người dân trong những tháng cuối năm. Cùng với việc nới "van" tín dụng, lãi suất hợp lý, thủ tục theo hướng đơn giản cũng được đơn vị chỉ đạo các NHTM áp dụng.

VPBank đang cho vay mua ô tô đối với DN nhỏ và vừa với lãi suất chỉ từ 5,9% trong 3 tháng, 6,9%/năm trong 6 tháng và 8,3%/năm trong thời gian 12 tháng. Khách hàng cá nhân vay mua ô tô 24 tháng cũng chỉ phải trả lãi suất 8,5%/năm. Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh nhận định, động lực tăng trưởng của các NH giai đoạn này là tín dụng cá nhân và tín dụng DN nhỏ và vừa. Từ đầu quý IV/2020, VPBank đẩy mạnh tăng trưởng phân khúc này. Dự kiến, tổng dư nợ cho vay cá nhân và DN nhỏ và vừa năm 2020 tăng khoảng 10.000 tỷ đồng so với năm ngoái.

BIDV thiết kế rất nhiều gói vay phù hợp với nhu cầu và mục đích vay của khách hàng cá nhân, lãi suất chỉ từ 6%/năm. Trong khi đó, ACB triển khai nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi giảm 0,5 -1,5% so với năm 2019. MSB cũng đã công bố gói tín dụng 7.000 tỷ đồng, lãi suất từ 6,99%/năm cho khách hàng cá nhân…

Theo các chuyên gia ngân hàng, thời điểm này, lãi suất, hạn mức cho vay của ngân hàng rất phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân; dư địa để phát triển tài chính tiêu dùng thời gian tới vẫn còn rất lớn.

Số liệu thực tế của NHNN cho thấy, thanh khoản vẫn rất dồi dào do tiền gửi vào hệ thống tăng mạnh. Điều này giúp mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục ổn định thời gian tới, tạo điều kiện cho ngân hàng tiếp tục giảm thêm lãi suất để kích cầu tín dụng.

Theo Kinh tế & Đô thị