Nhọc nhằn “gieo” chữ nơi vùng khó

15:20 | 20/11/2013

1,233 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đạp xe, đi bộ vượt đường đèo, đường rừng, đến từng thôn bản vận động học sinh tới trường, để lên nương trồng lúa với bà con dân tộc thiểu số… Nhọc nhằn là thế, nhưng có nhiều thầy, cô giáo đã không quản ngại để mang cái chữ đến với những học sinh vùng khó.

Rơi nước mắt vì thương trò

Dù vất vả và thiếu thốn trăm bề nhưng tình yêu học trò đã khiến họ vượt qua khó khăn để bám trụ với nghề, vững tâm bám lớp, bám trường. Cô giáo Hồ Thị Tươi, Hiệu trưởng trường Tiểu học số 2, thị trấn huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu là một tấm gương như thế. Đến nay, cô đã có 23 năm gắn bó với mảnh đất này, trong đó có 7 năm làm công tác quản lý.

Mường Tè là một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu, có địa hình chia cắt, giao thông đi lại hiểm trở, nhiều dân tộc anh em cùng chung sống nhưng dân trí lại thấp, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.

Kinh tế khó khăn, lo cái ăn còn chưa đủ nên người dân nơi đây cũng không có thời gian để quan tâm đến việc học của con. Để duy trì tỷ lệ chuyên cần, cô phải nỗ lực tiếp cận với gia đình các em. Bất đồng ngôn ngữ, cô cố học tiếng bản địa.

Cô giáo Hồ Thị Tươi (trường Tiểu học số 2, thị trấn huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu).

Ngoài giờ lên lớp, cô thường xuyên đến các gia đình cùng trồng rau cấy lúa, cùng sống, cùng ăn, cùng ở, cùng trò chuyện để người dân tin tưởng. Trường thiếu phòng học, cô cùng với đồng nghiệp và chính quyền địa phương kết hợp với phụ huynh đi chặt cây dựng lớp.

16 năm, nhưng nỗi ám ảnh đối với cô vẫn là những ngày đông giá rét căm căm, khi nhìn thấy các em người dân tộc trong các bộ quần áo cũ rách, trời lạnh cóng mà vẫn “chân trần” bước trên những phiến đá khúc khuỷu, ăn không đủ no, áo không đủ ấm, cô giáo Hồ Thị Tươi cảm thấy thương xót vô cùng, nước mắt cứ lặng lẽ rơi.

Cô chia sẻ: “Học trò nghèo lắm. Tôi đến từng nhà nên rất hiểu. Nhưng giáo viên thời đó cũng nghèo, thương nhưng chẳng hỗ trợ trò được bao nhiêu”.

Để bù đắp phần nào những thiếu thốn vật chất và để các em gắn bó với trường hơn, cô cùng các giáo viên tổ chức nhiều hoạt động như liên hoan văn nghệ, trồng rau ủng hộ học sinh bán trú, quyên góp quần áo vở viết và hỗ trợ tiền cho học sinh nghèo.

Với 23 năm bám trụ nghề dạy học, cô Hồ Thị Tươi luôn là giáo viên đi đầu trong phong trào thi đua duy trì và tăng sĩ số học sinh tới lớp, tới trường.

Đến nay, đứng trên cương vị mới là cán bộ lãnh đạo nhà trường nhưng cô giáo Hồ Thị Tươi vẫn tiếp tục công việc kêu gọi học sinh đến trường và hướng dẫn những giáo viên khác cách thức thực hiện đạt hiệu quả. Ngoài ra, cô còn tổ chức tốt công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, cùng với các giáo viên trong trường nghiên cứu phương pháp dạy học mới để áp dụng vào giảng dạy cho học sinh một cách kịp thời và chất lượng hơn.

"Các em như những đứa con mình"

Thời gian mà các đây 30 năm sau khi tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm Việt Bắc năm 1983, cô giáo Chu Thị Nga được cấp trên phân công về dạy học tại trường PTCS Vũ Lễ nằm trong một bản làng của huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. 4 năm ra trường phải tiếp xúc ngay với học sinh miền núi, đó là một khó khăn, 4 năm đó cô Nga bảo là để thâm nhập vào cuộc sống của các em vùng cao.

Trong hình dung của cô Nga trước khi nhận công tác thì học sinh vùng cao Bắc Sơn có khó khăn nhưng cũng không đến mức khiến cô choáng ngợp và lo lắng với điều học sinh ở đây. Ở đó, hầu hết học sinh là con em dân tộc Mán, kinh tế gia đình khó khăn nên dù trời có lạnh tới mức nào thì các em vẫn chỉ chiếc áo cánh khoác trên mình tới trường. Nhớ lại những ngày tháng ấy, cô vẫn chưa hết bồi hồi xúc động.

Cô giáo Chu Thị Nga (trường vùng cao Việt Bắc).

Cô tâm sự: “Ở đó, chỉ một mình tôi là người từ dưới thành phố lên. Dãy nhà tập thể 11 gian chỉ có một mình. Những ngày đầu buồn đến mức không ăn nổi cơm”.

Thời gian đầu ở Vũ Lễ chỉ có một mình cô là người miền xuôi, mỗi lần dạy học xong cô hay đi theo các em về nhà, đi theo lên nương, lên rẫy cùng làm với các em, dần dần thành quen và tình cảm cô trò cứ thế mà gắn bó mãi không thôi. Học sinh có thứ gì tặng cô thứ đó, mùa nào thứ ấy, những ngày cuối năm như thế này trong ngăn bàn cô giáo lúc nào cũng có đường mía của học sinh tặng, đó là món quà chân thành trò gửi tặng cô.

4 năm gắn bó với trường, ấn tượng không thể quên với cô Nga là những cơn mưa rừng. Mưa như đổ ập xuống đầu. Một mình giữa dãy nhà tập thể làm từ tre nứa, mái gianh ọp ẹp, cô chỉ biết đóng cửa ngồi thu mình một góc. Rồi những ngày cô đạp xe vượt 70 km từ Thái Nguyên đến Bắc Sơn, vượt qua những cung đường ngoằn ngoèo và những đám mây đen sì, nặng trịch, tủa ra từ các khe núi như muốn đổ ụp xuống đầu.

Xa gia đình, không bè bạn, cô Nga bảo niềm vui duy nhất của mình chính là học trò. Ở mãi rồi quen, vùng núi xa xôi heo hút ấy đã trở thành miền đất nhớ với cô tự lúc nào. “Sau bốn năm, tôi được chuyển về trường vùng cao Việt Bắc nhưng những tình cảm dành cho đồng bào Mán và các học trò nơi ấy vẫn rất đậm sâu”, cô Nga nói.

Người đàn ông thích múa hát với trẻ

Cũng công tác ở vùng sâu vùng xa, nhưng với thầy Hoàng Văn Thể, giáo viên trường Mầm non Tân Đức, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, khó khăn lớn nhất để trụ vững với nghề lại là những lời dị nghị của hàng xóm, sự phản đối của gia đình.

Thầy tâm sự, ngay khi bắt đầu lựa chọn theo nghề mầm non, bố mẹ, bạn bè có rất nhiều ý kiến phản đối. Mọi người cho rằng dạy trẻ mầm non không phải việc của nam giới mà dành cho nữ giới. Cũng theo thầy Thể, một khó khăn khác là sự vụng về ban đầu của người đàn ông khi làm công tác chăm sóc trẻ, những khi cho trẻ ăn, cho trẻ chơi hay vệ sinh cho trẻ...

Thầy cho biết: “Nhưng tình yêu con trẻ đã giúp tôi vượt qua những khó khăn ấy và ngày càng thấy đam mê với nghề hơn. Bây giờ, tôi thấy hài lòng với sự lựa chọn của mình”.

Thầy giáo Hoàng Văn Thể (trường Mầm non Tân Đức, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên).

Và có lẽ, chính tình yêu nghề, yêu con trẻ ấy đã giúp cho thầy giáo Thể luôn có nhiều sáng kiến để giúp cho lớp học của mình sinh động hơn. Và chỉ sau ba tháng dạy học, thầy giáo trẻ đã khẳng định được khả năng bản thân.

Đồng nghiệp, phụ huynh yên tâm và ghi nhận sự cố gắng của thầy vì thấy con trẻ được chăm sóc tốt, các cháu được rèn về nền nếp, nhận thức, biết thương yêu các bạn và bố mẹ, thầy cô. Thậm chí, phụ huynh còn tâm lý tới mức họ đến tận nhà động viên, khích lệ và nói chuyện chia sẻ với gia đình thầy.

Tuy nhiên, điều thầy băn khoăn nhất là công tác chăm sóc giáo dục trẻ ở bậc mầm non giờ giấc quá nhiều. Thầy cho biết: “Một ngày của thầy cô như mình bắt đầu từ 6h30, kết thúc làm việc khoảng 17h30. Khoảng thời gian đó kéo dài hơn 10 tiếng. Song lương chỉ hưởng như quy định của Nhà nước, không có phần làm thêm giờ, hỗ trợ gì khác”.

Thầy đã công tác trong ngành được 13 năm, nhưng tới năm 2010 thầy mới được vào biên chế và mức lương hiện tại là 3,3 triệu đồng. Thời điểm ban đầu lương của thầy là 120.000 đồng/tháng, đến năm 2009 là 830.000 đồng. Vất vả hơn là nhiều giáo viên sinh năm 1963-1964 cũng mới được vào biên chế như vậy. Tuổi đứng lớp các cô không còn nhiều. Tới đây khi các cô giáo mầm non về hưu, thật khó để họ duy trì cuộc sống.

Tâm sự về những vất vả trong cuộc sống, thầy nói chân thành: “Mình cũng suy nghĩ khá nhiều, có lúc tưởng bỏ cuộc, không thể theo. Nhưng nghề như cái nghiệp rồi, mình muốn dứt ra nhưng không được”.

Hỏi về công việc làm thêm, thầy cười chia sẻ: “Ngày thường mình lên lớp dạy trẻ. Thứ Bảy và Chủ nhật lại đi đánh đàn cho các đám cưới, hội nghị kiếm thêm thu nhập nuôi vợ con và duy trì tình yêu nghề”.

Và còn nhiều lắm những ước mơ, những khát khao của thầy cô nơi cuối trời Tổ quốc, nơi miền biên ải, đảo xa, những mảnh đất còn nhiều gian khó… khiến mỗi chúng ta ấm lòng tin yêu cuộc sống. 

Khánh An