Nhân kỷ niệm 104 năm Ngày thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2021)

Nhớ về những ngày học tập ở nước Nga (Kỳ I)

08:00 | 05/11/2021

10,141 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thế rồi lớp học cũng kết thúc, một số bạn được đi học ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước Đông Âu. Tôi được đi Liên Xô, vượt quãng đường dài hơn mười ba ngàn cây số, qua mục Nam Quan đến Bắc Kinh, Mãn Châu Lý, Siberia rồi đến Moskva.

Học xong lớp 9, chúng tôi được ra Hà Nội, tập trung tại khu Học xá Trung ương để học tập chính trị, học lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam… Sau hơn ba tháng chỉnh huấn, học viên ngồi một tuần để tổng kiểm thảo, mỗi người phải thành thật nêu lên hết ưu khuyết của mình. Bản kiểm thảo được tập thể tham gia góp ý kiến sửa đổi hoàn thiện và được gửi về địa phương hoặc đồng hương để chứng thực. Đây là thời gian rất căng thẳng đối với lứa tuổi 15-16 của chúng tôi.

Nhớ về những ngày học tập ở nước Nga (Kỳ I)
Trường đại học Lomonosov

Thế rồi lớp học cũng kết thúc, một số bạn được đi học ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước Đông Âu. Tôi được đi Liên Xô, vượt quảng đường dài hơn mười ba ngàn cây số, qua mục Nam Quan đến Bắc Kinh, Mãn Châu Lý, Siberia rồi đến Moskva. Là những học sinh từ những vùng kháng chiến nay thật ngỡ ngàng với phong cảnh kỳ vĩ bao la của đất nước Nga.

Bước chân đầu tiên vào trường Đại học Lomonosov, ngôi trường có toà nhà cao 32 tầng sừng sững trên đồi Lenin cho chúng tôi cảm giác hư thực như trong mơ. Ở đây, trong lớp dự bị đại học chúng tôi được cô giáo Khruvskaia Valenchina Vasilievna dạy dỗ từng câu chữ tiếng Nga, chăm lo cho từ bữa ăn đến giấc ngủ, thuốc men khi cảm lạnh.

Nhớ về những ngày học tập ở nước Nga (Kỳ I)
Lớp tiếng Nga của cô giáo Valenchina

Rồi một năm học trôi qua, chúng tôi đã có đủ điều kiện cần thiết để vào các trường đại học. Chia tay bạn bè chúng tôi về trường Đại học Thăm dò Địa chất Moskva mang tên Sergo Ordzhonikidze.

Khóa đầu tiên ở đây đã có anh Nguyễn Xuân Sính (RM-55), Trương Dương Tấn (RM-56), sau là các anh Hồ Đắc Hoài (RF-56), Ngô Văn Bưu (RF-56), Nguyễn Văn Chữ (RM-56), Phạm Xuân Hoàng (RM-56), Hồ Quang Phong (RM-56). Vào hè 1957, khóa thứ ba về trường có Trương Minh (RF-57), Nguyễn San (RF-57), Bùi Kiện (RM-57), Nguyễn Hòa (RM-57), Nguyễn Kim Tự, Nguyễn Đức Bảo, Đặng Minh Đức. Các anh Ngô Thường San, Nguyễn Nghiêm Minh thì từ trường Internat đến sau. Năm 1958 có các cán bộ như anh Nguyễn Thiện Giao (RF-56), anh Phan Minh Bích (RF-58), nguyên Đoàn trưởng đoàn thăm dò sắt Bảo Hà được Tổng cục Địa chất cử đi học. Đến năm 1959 còn có các anh chuyển tiếp sinh từ Đại học Bách khoa Hà Nội như anh Trương Biên (RT-57), Nguyễn Thượng Hùng (RG-57), Nguyễn Thanh (RG-57), Huỳnh Trung (PS-57)... Tiếp theo những năm sau có nhiều anh chị em tiếp tục được cử sang học, bổ sung thêm nhiều sinh viên Việt Nam vào các khoa Địa chất, Địa vật lý, Địa chất Thủy văn, Khoan khai thác, Địa chất công trình...

Anh em Việt Nam được cử đi học từ các trường và cơ quan khác nhau với tính cách cũng khác nhau. Các anh Nguyến Xuân Sính, Trương Dương Tấn, Phan Minh Bích là các cán bộ đi học vừa có trình độ vừa rất giỏi tiếng Pháp nên vào học rất thuân lợi. Riêng anh Nguyễn Thiện Giao được nhà trường cho phép không dự lớp mà vẫn hoàn thành các môn thi xuất sắc. Cuối năm thứ nhất, trong kỳ thi Olimpic toán của trường, anh Ngô Thường San và Trương Minh đạt giải nhất và ba, một sinh viên Hungary đạt giải nhì. Giải thưởng là chiếc va li con đựng sách vở, lúc bấy giờ cũng rất quý, song điều quý hơn là được nhà trường đánh giá sinh viên Việt Nam chăm và học giỏi.

Như thường lệ trong các kỳ thi cuối kỳ, sinh viên Việt Nam học gạo rất thuộc bài, mạnh dạng vào lớp thi trước, sinh viên Nga nhờ đưa phiếu câu hỏi khó ra ngoài giải hộ và chuyển “phao” vào, còn sinh viện giỏi nhất thì vào thi sau cùng.

Nhớ về những ngày học tập ở nước Nga (Kỳ I)

Korpus 7 phố Sinh viên hè 1961

Đến khóa chúng tôi, nhà trường ưu tiên cho sinh viên nước ngoài ở Korpus 7 ký túc phố sinh viên. Nơi đây chúng tôi đã lưu lại suốt 5 năm ăn học với bao kỷ niệm vui buồn khó quên của một thời trai trẻ nhiệt huyết.

Bài giảng đầu tiên tại giảng đường 20, giảng đường chung lớn nhất của trường, sinh viên Việt Nam học cùng các bạn người Nga, Tiệp, Đức, Hungary... Chọn dãy bàn gần bảng nhất để nhìn và nghe cho rõ, nhưng với vốn tiếng Nga bì bõm, chúng tôi chỉ nghe câu được câu chăng, cố gắng ghi bài bằng tiếng Nga lẫn tiếng Việt. Tôi cố chọn ngồi gần một bạn Nga, tốt nhất là bạn nữ, cố liếc bài để bổ sung những đoạn không nghe kịp. Thế rồi khóa học cũng trôi qua, bài vở cũng được ghi chép đầy đủ, chuẩn bị cho các kỳ thi với rất nhiều môn cơ bản như toán, lý, hóa, địa chất đại cương, triết học... Rất may là chúng tôi đã được học một số môn khoa học cơ bản khá kỹ ở trường phổ thông Việt Nam nên việc học cũng có nhiều thuận lợi.

Mùa đông ở nước Nga rất lạnh nhưng hằng ngày chúng tôi vẫn phải dậy sớm, trước bảy giờ sáng, trời còn chưa sáng, chưa kịp ăn gì vội xách cặp sách vở, tóm vội nắm tuyết xoa lên mặt và chạy vội ra bến tàu điện ngầm metro đến trường. Tám giờ vào lớp mà ngoài trời vẫn tối om, trên bục thầy cứ giảng thao thao mà sinh viên thì buồn ngủ, cố căng mắt nhìn lên bảng chỉ thấy thầy mờ mờ ảo ảo, tiếng thầy thi thoảng bên tai. Thế rồi chuông báo hết hai tiết học, sinh viên vội vàng ra cổng sắp hàng mua bánh rán pirojki. Bánh rán nhân bắp cải nóng hổi mà rất thơm ngon là món điểm tâm sáng mà sinh viên rất ưa thích lúc bấy giờ.

Nhớ về những ngày học tập ở nước Nga (Kỳ I)
Nhớ về những ngày học tập ở nước Nga (Kỳ I)

Thực tập đo máy địa vật lý

Năm học thứ nhất với bao nhiêu bỡ ngỡ ban đầu rồi cũng trôi qua nhanh chóng, chúng tôi chuẩn bị đi thực tập ở Zagorsk. Đây là vùng ngoại ô cách Moskva hơn trăm kilômét trong cánh rừng rậm rạp, phong cảnh mùa hè với thông và bạch dương xanh tươi, không khí trong lành mát mẻ, khác hẳn mùa đông phủ đầy tuyết trắng lạnh giá. Nhà trường đã cho xây nhà ở cho sinh viên, nhà làm việc, các khu vực thực tập trên thực địa và văn phòng phân tích xử lý số liệu. Nhà xây hai tầng bằng gỗ thông dùng làm chỗ ở cho nữ sinh viên và sinh viên ngoại quốc, còn nam sinh viên Nga thì ở trong các lán trại.

Tất cả sinh viên năm thứ nhất đều phải trải qua thực tập môn trắc địa đo nivo bằng máy theodolite, thực tập địa vật lý trên máy SP-1 đo điện trở suất, máy GAK đo trọng lực... Ngày ấy sinh viên Việt Nam mới được tiếp xúc với các thiết bị đo đạc mới hiện đại, rất bỡ ngỡ nhưng rồi cũng quen dần và học được cách sử dụng thành thạo. Sau những giờ đo đạc ngoài trời, sinh viên về làm công tác văn phòng, xử lý số liệu, vẽ bản đồ địa hình, vẽ các lát cắt địa vật lý... Thực tập ở Zagorsk như cuộc dã ngoại vừa học vừa chơi, đã cung cấp cho đầu óc trẻ của sinh viên những khái niệm ban đầu của ngành nghề thăm dò địa chất để làm cơ sở cho những năm học sau.

Trong năm thứ hai sinh viên được học các môn cơ bản của ngành nghề như địa chất đại cương, cổ địa chất, cổ sinh, kiến tạo... Trong các môn này môn cổ sinh là khó nhất với các tên gọi các hóa thạch tiếng La tinh dài dòng khó nhớ nhất. Môn này do Giáo sư Trusova dạy. Bà là người người rất đặc biệt, giảng dạy rất hay, tỉ mỉ và rất thấu đáo nhưng cũng rất khó tính. Các câu hỏi của bà rất sâu và rất khó trả lời. Hầu như sinh viên nào cũng rất sợ bài thi của bà, không khéo bị bà cho điểm 2 và đuổi về, có được điểm 5 rất khó, nhiều bạn nhận được điểm 4 của bà cũng mừng lắm rồi. Anh Huỳnh Trung sau này là nghiên cứu sinh duy nhất của bà cũng bị bà “đày đọa”, vất vả nhiều mới qua được kỳ thi tối thiểu để hoàn thành luận án Phó tiến sĩ của mình.

(Xem tiếp kỳ sau)

TSKH. Trương Minh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam

Chuyện phía sau ký sự “Hành trình người đi tìm lửa”Chuyện phía sau ký sự “Hành trình người đi tìm lửa”
Ký sự Ký sự "Hành trình Người đi tìm lửa": Tập 4- Định danh trên bản đồ Dầu khí thế giới
Kỳ 3: Những chuyên gia dầu khí Liên Xô đầu tiên tại Việt NamKỳ 3: Những chuyên gia dầu khí Liên Xô đầu tiên tại Việt Nam
Ký sự “Hành trình Người đi tìm lửa”: Tập 3- Ngọn đuốc đầu tiên trên biển ĐôngKý sự “Hành trình Người đi tìm lửa”: Tập 3- Ngọn đuốc đầu tiên trên biển Đông
Ký sự Ký sự "Hành trình Người đi tìm lửa": Tập 2 - Từ những khoan trường đầu tiên
Kỳ 2: 302 trang báo cáo và triển vọng dầu khí ở vùng bồn trũng sông HồngKỳ 2: 302 trang báo cáo và triển vọng dầu khí ở vùng bồn trũng sông Hồng
Kỳ 1: Sự ra đời của bản báo cáo triển vọng dầu khí đầu tiên tại Việt NamKỳ 1: Sự ra đời của bản báo cáo triển vọng dầu khí đầu tiên tại Việt Nam
Câu chuyện ngày đầu đi tìm dầu khí (Kỳ cuối)Câu chuyện ngày đầu đi tìm dầu khí (Kỳ cuối)
Câu chuyện ngày đầu đi tìm dầu khí (Kỳ 2)Câu chuyện ngày đầu đi tìm dầu khí (Kỳ 2)
Câu chuyện ngày đầu đi tìm dầu khí (Kỳ 1)Câu chuyện ngày đầu đi tìm dầu khí (Kỳ 1)