Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 22/3/2023
Có 34 dự án chuyển tiếp với tổng công suất hơn 2.090,9 MW đảm bảo đủ điều kiện huy động. Ảnh minh họa: LĐ |
Bộ Công Thương yêu cầu đàm phán xong giá điện trước ngày 31/3
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện trước ngày 31/3/2023 để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.
Hiện, có 84 dự án năng lượng tái tạo, với tổng công suất hơn 4.676MW bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch (các dự án chuyển tiếp). Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp với tổng công suất hơn 2.090,9 MW (gồm 28 dự án điện gió có tổng công suất 1.638,35 MW và 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62 MW) đã hoàn tất thi công và hoàn thiện công tác thử nghiệm đảm bảo đủ điều kiện huy động.
Theo các nhà đầu tư, việc 34 dự án nói trên chưa được huy động công suất đã gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, gây lãng phí tài nguyên. Ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85.000 tỷ đồng, trong đó khoảng trên 58.000 tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng. Các doanh nghiệp sẽ có nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ xấu…
Nga sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu cho đến cuối tháng 6/2023
Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề năng lượng Alexander Novak ngày 22/3 thông báo Nga sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu khoảng 500.000 thùng/ngày cho đến cuối tháng 6/2023, một động thái nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ hết hạn vào cuối tháng 3/2023.
Hồi tháng 2/2023, Phó Thủ tướng Alexander Novak đã thông báo cắt giảm sản lượng dầu, chiếm khoảng 5% sản lượng hàng ngày, sau khi các nước phương Tây công bố lệnh trừng phạt mới đối với các sản phẩm dầu của Nga. Ông Novak cho hay hiện Nga gần đạt được mức giảm mục tiêu và sẽ đạt được trong những ngày tới.
Trong tháng này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của Nga trong tháng 2/2023 đã giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năng lượng tái tạo tăng trưởng kỷ lục trong năm 2022
Báo cáo thường niên của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) về thống kê năng lượng tái tạo cho biết, trong năm 2022 công suất năng lượng tái tạo trên thế giới đạt 3.372 gigawatt (GW), cao hơn 295 GW so với năm 2021. Khoảng 83% tổng công suất điện mới được tạo ra trong năm ngoái đến từ các nguồn tái tạo.
Theo IRENA, công suất năng lượng tái tạo toàn cầu đã tăng 9,6% trong năm ngoái, nhưng cần tăng gấp ba lần so với tốc độ hiện tại để có thể hạn chế sự nóng lên toàn cầu., Tổng Giám đốc IRENA Francesco La Camera nhận định. Tuy nhiên, ông La Camera cho rằng, công suất năng lượng tái tạo bổ sung hằng năm phải tăng gấp ba lần so với mức hiện tại vào năm 2030 nếu thế giới muốn đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Theo báo cáo của IRENA, năng lượng mặt trời và năng lượng gió chiếm 90% tổng công suất năng lượng tái tạo bổ sung trong năm vừa qua. Gần một nửa công suất mới đến từ châu Á, trong đó Trung Quốc là nước đóng góp lớn nhất với 141GW. Mức tăng ở châu Âu và Mỹ Latinh lần lượt là 57,3 GW và 29,1 GW. Khu vực Trung Đông ghi nhận mức tăng công suất năng lượng tái tạo cao nhất từ trước đến nay với 3,2 GW, tăng 12,8% so với năm 2021.
Nga khẳng định có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc
Ngày 21/3, phát biểu trong cuộc hội đàm chính thức với người đồng cấp Trung Quốc tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Putin cho biết hợp tác năng lượng Nga-Trung ngày càng mở rộng, và các doanh nghiệp Nga có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc, cả theo hợp đồng và hơn thế nữa.
Hầu hết các thông số cho dự án Đường ống dẫn khí Power of Siberia 2 - một đường ống do Gazprom vận hành ở Đông Siberia vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Yakutia đến Primorsky Krai và Trung Quốc - đã được thống nhất, ông Putin thông tin.
Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết sẵn sàng mở rộng hợp tác với Nga trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, chuỗi cung ứng, siêu dự án, năng lượng và công nghệ cao.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/3/2023 |
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/3/2023 |
H.T (t/h)
-
Tin tức kinh tế ngày 8/10: Giá thép xây dựng tăng liên tiếp
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: GRDP 9 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh
-
ADB: Ngành công nghiệp sáng tạo kỹ thuật số sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu Á và Thái Bình Dương
-
Giá dầu hôm nay (8/10): Dầu thô giảm trong phiên
-
Giá vàng hôm nay (8/10): Thị trường trong nước và thế giới trái chiều