Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/4/2023

20:01 | 14/04/2023

564 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nga sắp bội thu nhờ dầu khí tăng giá; Slovenia gia hạn áp giá trần đối với điện và khí đốt; Italy nêu điều kiện bán nhà máy lọc dầu ISAB của Lukoil… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 14/4/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/4/2023
Doanh thu từ dầu khí của Nga đã giảm khoảng 1,3 nghìn tỷ rúp (15,8 tỷ USD) trong quý I/2023. Ảnh minh họa: RT

Nga sắp bội thu nhờ dầu khí tăng giá

Phát biểu tại một cuộc họp Chính phủ được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh khả năng phục hồi của nền kinh tế Nga trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Ông nhận định doanh thu từ dầu khí của Nga, một khoản mục quan trọng trong ngân sách nhà nước, đã giảm khoảng 1,3 nghìn tỷ rúp (15,8 tỷ USD) trong quý I/2023.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga tuyên bố: “Dự kiến hết quý II, trong bối cảnh giá dầu tăng, tình hình sẽ thay đổi. Các khoản thu bổ sung từ dầu khí sẽ bắt đầu được chuyển vào ngân sách của Moscow".

Trước đó vào ngày 11/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết Nga có thể chứng kiến thâm hụt ngân sách lớn hơn nhiều và thặng dư tài khoản vãng lai nhỏ hơn trong năm nay, trong khi sự cô lập toàn cầu và doanh thu năng lượng thấp hơn làm giảm triển vọng tăng trưởng của nước này trong những năm tới.

Slovenia gia hạn áp giá trần đối với điện và khí đốt

Ngày 14/4, Chính phủ Slovenia đã gia hạn áp mức trần giá điện và khí đốt tự nhiên đối với người dân cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cho tới cuối năm nay. Đây là nỗ lực mới nhất nhằm giảm bớt gánh nặng của cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đối với nền kinh tế quốc gia vùng Balkan này.

Việc áp mức trần giá điện và khí đốt tự nhiên đã được Chính phủ Slovenia triển khai trong năm ngoái, có hiệu lực tới ngày 30/6 năm nay đối với các SME và tới ngày 31/8 đối với các hộ gia đình, các doanh nghiệp nhỏ cũng như những khách hàng trong diện được hưởng khác.

Bộ trưởng Môi trường, Khí hậu và Năng lượng Bojan Kumer nêu rõ chính phủ đang hỗ trợ các hộ gia đình ứng phó với giá năng lượng cao, đồng thời tạo điều kiện tài chính ổn định và một môi trường kinh doanh có thể dự đoán được đối với các SME cho tới cuối năm 2023. Chính phủ Slovenia cũng kỳ vọng việc gia hạn mức giá trần cũng sẽ giúp giảm lạm phát hằng năm, vốn đã tăng gần gấp đôi từ mức 5,4% hồi tháng 3/2022 lên 10,5% vào tháng 3 năm nay.

Italy nêu điều kiện bán nhà máy lọc dầu ISAB của Lukoil

Chính phủ Italy mới đây đã nêu ra điều kiện để phê duyệt việc bán nhà máy lọc dầu ISAB ở Sicily, thuộc sở hữu công ty dầu mỏ Lukoil, cho GOI Energy - chi nhánh của tập đoàn cổ phần tư nhân Argus của Cyprus. Một số điều kiện quan trọng đã được Chính phủ Italy đặt ra, bao gồm không cắt giảm việc làm, duy trì các tiêu chuẩn môi trường và cam kết từ GOI Energy về việc không cung cấp dầu từ Nga cho nhà máy lọc dầu.

Tháng 1/2023, công ty con LITASCO thuộc sở hữu hoàn toàn của Lukoil đã ký một thỏa thuận bán nhà máy lọc dầu ISAB cho GOI Energy. Tuy nhiên, thương vụ này phải được sự chấp thuận của Chính phủ Italy vì đây là một phần của ngành được coi là có tầm quan trọng chiến lược. Quy định “quyền lực vàng” cho phép chính phủ phê duyệt các giao dịch có tầm quan trọng chiến lược trong các ngành then chốt như y tế, viễn thông, ngân hàng và năng lượng.

Nhà máy lọc dầu ISAB là một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất châu Âu, với ba địa điểm sản xuất được kết nối với nhau thông qua một hệ thống đường ống. Nhà máy này có khả năng tinh chế 320.000 thùng dầu thô mỗi ngày, chiếm 1/5 tổng công suất lọc dầu của cả nước, tạo việc làm cho khoảng 1.000 người. Theo Financial Times, thương vụ nói trên trị giá 1,5 tỷ euro (1,6 ty USD).

Quốc hội Na Uy sẽ thảo luận khả năng ngừng điện khí hóa nhà máy LNG

Quốc hội Na Uy ngày 13/4 đã tranh luận về các đề xuất trì hoãn hoặc dừng kế hoạch điện khí hóa nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất Tây Âu. Đây là ví dụ mới nhất về tranh cãi liên quan đến việc cắt giảm lượng khí thải CO2 ở quốc gia Bắc Âu.

Công ty dầu mỏ Equinor (EQNR.OL) và các đối tác đang tìm kiếm sự chấp thuận để thay thế việc sử dụng khí đốt tại nhà máy bằng nguồn điện từ lưới điện quốc gia, và do đó giảm lượng khí thải. Tuy nhiên, cư dân địa phương phản đối động thái này, vốn là một phần trong kế hoạch của Oslo nhằm điện khí hóa các khu công nghiệp lớn để tuân thủ Thỏa thuận khí hậu Paris 2015.

Ba đảng đối lập đã đệ trình các kiến ​​nghị bao gồm trì hoãn và ngừng điện khí hóa nhà máy, hoặc giảm thiểu việc sử dụng năng lượng bằng cách tiếp tục sử dụng khí đốt tại địa điểm nhưng thu giữ lượng khí thải CO2 và lưu trữ chúng dưới lòng đất (CCS).

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/4/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/4/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/4/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/4/2023

H.T (t/h)