Nhịp đập năng lượng ngày 7/12/2023

19:43 | 07/12/2023

1,206 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bộ Công Thương đưa đề xuất mới về điện mặt trời mái nhà; Sản lượng dầu của OPEC giảm trong tháng 11 sau 4 tháng tăng; Các nhà sản xuất hydro Mỹ có thể nhận hàng tỷ USD tiền trợ cấp… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 7/12/2023.
Nhịp đập năng lượng ngày 7/12/2023
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Bộ Công Thương đưa đề xuất mới về điện mặt trời mái nhà

Bộ Công Thương vừa có Văn bản số 8691/BCT-ĐL đề nghị góp ý kiến về Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Trong đó, Bộ này đề xuất nhiều chính sách liên quan đến điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân và lưới điện quốc gia.

Với trường hợp điện mặt trời mái nhà liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, không bán điện, dự thảo cho phép tổ chức, cá nhân lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) vào hệ thống điện. Trường hợp lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì nhà nước ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng, đổi lại tổ chức, cá nhân được bám lưới điện, được liên kết với lưới điện quốc gia để điện mặt trời mái nhà vận hành, hoạt động ổn định. Trường hợp không phát sản lượng điện dư vào lưới điện quốc gia thì tổ chức, cá nhân phải tự đầu tư lắp đặt thiết bị hạn chế tối đa phát điện dư vào hệ thống điện.

Ngoài ra, để thuận lợi cho điện mặt trời mái nhà, Bộ Công Thương đề xuất điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở riêng lẻ không phải thực hiện phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư, không phải lập dự án đầu tư (điện mặt trời mái nhà chỉ sử dụng tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, không hoạt động kinh doanh điện, có hoặc không có yếu tố nước ngoài). Trường hợp khác thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bộ Công Thương dự tính nghị định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký và kéo dài đến 31/12/2030.

Sản lượng dầu của OPEC giảm trong tháng 11 sau 4 tháng tăng

Theo một cuộc khảo sát của Reuters, sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giảm trong tháng 11, tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 7, do xuất khẩu của Nigeria và Iraq giảm cũng như việc cắt giảm liên tục hỗ trợ thị trường của Ả Rập Xê-út và các nước khác trong liên minh OPEC và các đồng minh (OPEC+).

Cuộc khảo sát hôm 6/12 cho thấy OPEC đã bơm 27,81 triệu thùng/ngày (bpd) vào tháng trước, giảm 90.000 thùng/ngày so với tháng 10. Trước đó sản lượng đã tăng trong 3 tháng tính đến tháng 10. Sản lượng dầu từ OPEC, sẽ giảm thêm từ năm tới sau khi OPEC+ đồng ý thực hiện đợt cắt giảm nguồn cung mới trong quý đầu tiên năm 2024.

Sản lượng dầu của OPEC sụt giảm bất chấp nguồn cung tăng thêm từ Iran, một trong những thành viên OPEC được miễn cắt giảm. Sản lượng của Iran đạt mức cao nhất trong 5 năm, bù đắp cho một số mức cắt giảm ở nước khác. Sản lượng từ 10 thành viên OPEC đã giảm 130.000 thùng/ngày. Sự sụt giảm lớn nhất là ở Nigeria, quốc gia xuất khẩu ít hơn trong tháng 11, cũng như sự sụt giảm ở Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Angola.

CREA nhận định cơ chế giới hạn giá dầu Nga không phát huy hết tiềm năng

Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) cho biết: "Mặc dù rõ ràng là các lệnh trừng phạt không làm giảm quyết tâm của Điện Kremlin trong một năm qua, nhưng phân tích của CREA có thể cho thấy rằng lệnh cấm nhập khẩu dầu của EU và giới hạn giá của G7 đã làm giảm 14% thu nhập xuất khẩu từ dầu mỏ của nước này".

Theo ước tính của CREA, lệnh cấm nhập khẩu và giới hạn giá đã khiến Nga thiệt hại 36,8 tỷ USD (34 tỷ euro) doanh thu xuất khẩu. Các nhà phân tích của CREA lưu ý rằng, tác động đó "còn cách xa so với những gì có thể đạt được", đồng thời nói thêm rằng "Giới hạn giá đã có tác động nhưng không phát huy hết tiềm năng của nó".

Các lệnh trừng phạt đã gây ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu xuất khẩu của Nga trong nửa đầu năm 2023, nhưng việc thiếu sự thực thi, tăng cường và giám sát nhất quán giới hạn giá đã cho phép Nga khắc phục được tác động trong nửa cuối năm.

Sản lượng điện gió của Mỹ sắp vượt qua điện than

Dữ liệu từ tổ chức tư vấn Ember cho thấy, điện than vẫn là nguồn năng lượng lớn thứ hai của Mỹ sau khí đốt tự nhiên. Ước tính trong 10 tháng đầu năm 2023, sản lượng điện than lớn hơn khoảng 60% so với tổng sản lượng điện từ các nguồn gió.

Nhìn chung, ở hầu hết khu vực, sản xuất điện gió tăng nhanh trong khi các cơ sở tiện ích liên tục cắt giảm công suất than, từ đó giúp sản lượng gió dần dần vượt qua sản lượng than trong cơ cấu sản xuất điện của Mỹ. Điều này sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng của quốc gia này.

Trong thập niên hiện tại, năng lượng gió của Mỹ sẽ có thể vượt qua năng lượng đốt than trong cơ cấu sản xuất điện và giúp hoàn thành mục tiêu chuyển đổi năng lượng lớn. Nhiều khả năng vào năm 2026, sản lượng điện từ năng lượng gió của Mỹ sẽ vượt qua sản lượng điện than, khi tăng trưởng của hai nguồn điện đi theo hướng trái ngược nhau.

Các nhà sản xuất hydro Mỹ có thể nhận hàng tỷ USD tiền trợ cấp

Ngày 6/12, Cố vấn Năng lượng Mỹ John Podesta cho biết sau Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28), Washington sẽ sớm công bố hướng dẫn giúp các nhà sản xuất hydro nhận được hàng tỷ USD tiền trợ cấp năm nay trong khuôn khổ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA).

Ngành năng lượng đang chờ đợi hướng dẫn từ Bộ Tài chính Mỹ trong bối cảnh chính quyền vẫn còn tranh luận về việc có nên hạn chế các biện pháp khuyến khích các nhà sản xuất sử dụng các nguồn năng lượng mới, thay vì năng lượng sạch hiện có để ngăn tình trạng gia tăng khí thải hay không. Cố vấn Podesta nêu rõ chính phủ dự kiến sẽ ban hành hướng dẫn trước cuối năm.

Hiện nay, hầu như không có hydro xanh nào được sản xuất do chi phí cao và những hạn chế khác. Do đó, với khoản trợ cấp 3 USD/kg theo IRA, Chính phủ Mỹ đang hy vọng có thể khởi động lại ngành này. Ngoài các khoản trợ cấp trong IRA, Bộ Năng lượng cũng chọn 7 trung tâm hydro được nhận 7 tỷ USD để triển khai mở rộng dự án hydro sạch. Ba trong số các trung tâm này sẽ bao gồm các nhà máy hạt nhân hiện có.

Nhịp đập năng lượng ngày 5/12/2023Nhịp đập năng lượng ngày 5/12/2023
Nhịp đập năng lượng ngày 6/12/2023Nhịp đập năng lượng ngày 6/12/2023

H.T (t/h)