Nhiều người nước ngoài ở “lậu” tại Việt Nam

11:02 | 03/10/2013

841 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện nay tại Việt Nam có một số lượng lớn người nước ngoài ở từ trước năm 2000 nhưng không có giấy tờ chứng minh quốc tịch.

Nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, chiều 2/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự án Luật Nhập cảnh - Xuất cảnh - Cư trú của người nước ngoài (NC-XC-CTCNNN) tại Việt Nam.

Ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn ĐBQH TP HCM, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phát biểu, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động NC-XC-CTCNNN tại Việt Nam, từ năm 2000 nước ta đã có pháp lệnh về vấn đề này.

Qua thực tiễn quản lý cho thấy vẫn còn một số bất cập, như: Pháp lệnh NC-XC-CTCNNN tại Việt Nam quy định người nước ngoài (NNN) sau khi nhập cảnh nếu có nhu cầu sẽ được xét cho chuyển đổi mục đích nhập cảnh.

Hội thảo của Đoàn ĐBQH TP HCM lấy ý kiến đóng góp dự án Luật NC-XC-CTCNNN tại Việt Nam.

Lợi dụng quy định này nhiều NNN đã vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan, du lịch sau đó xin chuyển đổi để thực hiện những mục đích khác, đặc biệt xin chuyển đổi ở lại lao động trong các dự án do Trung Quốc trúng thầu. Đây là vấn đề phức tạp mà các bộ, ngành, địa phương đang phải phối hợp giải quyết.

Pháp lệnh quy định thị thực Việt Nam có thời hạn không quá 12 tháng, nhưng Luật Đầu tư năm 2005 quy định thời hạn của thị thực cấp cho NNN vào đầu tư tối đa 5 năm.

Hiện nay tại Việt Nam có một số lượng lớn NNN ở từ trước năm 2000 nhưng không có giấy tờ chứng minh quốc tịch; Quốc hội và Chính phủ đang chỉ đạo giải quyết việc nhập quốc tịch cho số NNN này, số chưa đủ điều kiện nhập tịch thì giải quyết cho thường trú để quản lý. Nhưng tại Pháp lệnh chưa quy định những NNN này thuộc diện được cho xét thường trú…

Để khắc phục những bất cập trên, cần nâng lên thành Luật NC-XC-CTCNNN tại Việt Nam để không những vừa thể hiện Việt Nam là bạn của của các đối tác tin cậy, nâng cao tính công khai minh bạch mà còn đảm bảo an ninh quốc gia. Tại buổi hội thảo, có nhiều góp ý khá thiết thực của các đại biểu và cán bộ đang công tác trong lĩnh vực liên quan đến NNN.

Trung tá Đào Quốc Hoàng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP HCM cho rằng, cần thêm mảng “quá cảnh” trong tên gọi của dự án luật. Bởi vì lượng khách vào TP HCM khá lớn trong đó khách “quá cảnh” theo đường biển mỗi năm có khoảng 100.000 người, và hoạt động “quá cảnh” diễn ra thường xuyên.

Về “kí hiệu trên thị thực” trong dự án luật tạo thuận lợi cho việc quản lý NNN, nhưng vẫn bỏ sót kí hiệu cho đối tượng là “thuyền viên” và gây không ít khó khăn cho NNN là doanh nghiệp đến Việt Nam kinh doanh.

Trung tá Hoàng cũng kiến nghị bổ sung “tại cửa khẩu cảng biển, bộ đội biên phòng được phép cấp thị thực nhập cảnh với thời gian lưu trú không quá 72 giờ đối với thuyền viên và NNN có nhu cầu rời tàu xin nhập cảnh vào cửa khẩu cảng biển Việt Nam để xuất cảnh qua cửa khẩu hàng không".

Vì trong thực tế tàu thuyền đến cảng vào các ngày nghỉ, lễ hoặc chỉ đến lưu tại cảng thời gian ngắn hiện gặp nhiều khó khăn như: thuyền viên có nhu cầu rời tàu để hồi hương chịu tang người thân tại quê nhà thì doanh nghiệp dịch vụ hàng hải không thể làm thủ tục duyệt nhân sự vì quy định chỉ thực hiện trong giờ hành chính…

H.Long

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc