15 năm cơ giới hóa ngành than

Nhiều kết quả khả quan

12:32 | 17/01/2020

349 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Từ năm 2005, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã áp dụng thành công công nghệ khai thác cơ giới hóa (CGH) đồng bộ theo mô hình lò chợ khấu toàn bộ chiều dày vỉa than tại Công ty Than Khe Chàm. Từ năm 2007 đến nay, TKV tiếp tục mở rộng mô hình này và đạt được nhiều kết quả khả quan.     

Tính đến hết năm 2019, TKV có 7 dây chuyền CGH đồng bộ (7 lò chợ), khai thác vỉa than có dốc thoải đến nghiêng đang hoạt động, gồm 3 lò chợ khấu toàn bộ chiều dày vỉa tại các công ty than Khe Chàm, Dương Huy, Quang Hanh với công suất khai thác 180-600 nghìn tấn/năm; 4 lò chợ khai thác hạ trần thu hồi than nóc tại các công ty than Hà Lầm (2 lò), Khe Chàm và Vàng Danh có công suất từ 45 nghìn đến 1,2 triệu tấn than nguyên khai/năm.

nhieu ket qua kha quan
Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ tại Công ty Than Vàng Danh

Sản lượng khai thác than từ các lò chợ CGH hằng năm đã tăng đáng kể trong những năm qua, từ 0,72 triệu tấn vào năm 2015 lên tới khoảng 3 triệu tấn vào năm 2018-2019.

Cùng với CGH, năng suất lao động bình quân các lò chợ cũng đạt 10-35 tấn/công, như lò chợ Hà Lầm cao nhất 33,5-34 tấn/công, cao hơn lò chợ giá xích 4-5 lần. Từ việc CGH nâng cao năng suất, giá thành khai thác than cũng giảm so với các lò chợ công nghệ khoan nổ mìn truyền thống, đồng thời cải thiện rõ rệt điều kiện làm việc và nâng cao an toàn cho người lao động. Thực tế cho thấy, trong hơn 3 năm qua không có tai nạn nghiêm trọng tại các lò chợ CGH đồng bộ.

Trong quá trình áp dụng công nghệ CGH đồng bộ tại TKV, các công ty đã đào tạo, một bộ phận cán bộ, công nhân kỹ thuật có trình độ cao, có kinh nghiệm xử lý khai thác lò chợ CGH đồng bộ tại các điều kiện địa chất phức tạo. Cụ thể, trong quá trình áp dụng công nghệ CGH đồng bộ vào khai thác than, các cán bộ kỹ thuật của Ban Kỹ thuật công nghệ mỏ TKV đã chỉ ra một số thách thức như: Điều kiện địa chất thực tế khi triển khai thi công dự án có nhiều biến động; cấu trúc địa tầng của vỉa than, phay khá phức tạp và khó khăn hơn so với tài liệu thăm dò phục vụ thiết kế đã được phê duyệt (xuất hiện nhiều phay, đứt gãy, khu vực vỉa mỏng, lớp kẹp, vỉa uốn lượn, góc dốc tăng, than và đá trụ mềm yếu hoặc vỉa than có tính tự cháy...). Địa chất phức tạp dẫn đến các đường lò chuẩn bị ngắn lại theo và hướng dốc, diện khai thác nhỏ hẹp, trữ lượng công nghiệp một khu mỏ không cao, lò chợ khai thác thường xuyên phải chuyển diện.

Sản lượng khai thác than từ các lò chợ CGH hằng năm đã tăng đáng kể trong những năm qua, từ 0,72 triệu tấn vào năm 2015 lên tới khoảng 3 triệu tấn vào năm

2018-2019. Năng suất lao động bình quân các lò chợ cũng đạt 10-35 tấn/công như lò chợ Hà Lầm cao nhất 33,5-34 tấn/công, cao hơn lò chợ giá xích 4-5 lần.

Trong diện khai thác lại có nhiều vị trí trụ, vách vỉa không ổn định gây khó khăn cho việc di chuyển giàn chống, do vậy phải xử lý thủ công bằng búa căn, choòng cuốc, nổ mìn... dẫn đến năng suất lao động giảm nhiều so với thiết kế. Đặc biệt, do phải khai thác dưới độ sâu hàng trăm mét nên áp lực mỏ lớn, tác động và gây biến dạng đường lò chuẩn bị trước. Trường hợp giàn chống có kích thước và trọng tải lớn dẫn đến công tác vận chuyển giàn chống gặp khó khăn, phải tháo tách giàn chống thành các bộ phận hoặc phải xén, mở rộng đường lò làm tăng chi phí và thời gian chuyển diện, giảm công suất khai thác lò chợ.

Theo đánh giá về tài nguyên trữ lượng giai đoạn 2019-2023 của Viện Khoa học công nghệ mỏ - TKV, trữ lượng than tại các vỉa than có thể khai thác CGH đồng bộ khoảng 30 triệu tấn. Trong đó, trữ lượng than khai nguyên có điều kiện áp dụng CGH đồng bộ rất lớn và cần có đánh giá, nghiên cứu và đề xuất công nghệ hợp lý để sớm áp dụng trong năm 2020. Mặt khác, các doanh nghiệp khai thác hầm lò cần phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, xây dựng lực lượng lao động giỏi, sáng tạo, đặc biệt là cán bộ điều hành trực tiếp. Đây chính là yếu tố quan trọng tạo năng suất lao động cao và phát triển bền vững. Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển, huy động tối đa các nguồn lực, chú trọng đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất lao động, giảm lao động “sống” trong hầm lò.

Ban Kỹ thuật công nghệ mỏ TKV cho biết, trong những năm tới, TKV sẽ tiếp tục phát huy tối đa, hiệu quả các dây chuyền CGH đã đầu tư. Phần trữ lượng áp dụng CGH hạng nặng phân bố chủ yếu tại khoáng sàng Công ty Than Hà Lầm. Trữ lượng than nguyên khai có thể khai thác bằng CGH trung bình về cơ bản đã được phân bổ tại các công ty than Hà Lầm, Khe Chàm, Dương Huy và Vàng Danh, có thể đầu tư thêm 3 dây chuyền tại các công ty than Núi Béo, Hạ Long và Mạo Khê. Trữ lượng than còn lại có khả năng CGH hạng nhẹ cần theo dõi, sớm đánh giá việc áp dụng CGH đồng bộ hạng nhẹ trước tiên tại các công ty than Hạ Long, Mông Dương rồi tiếp tục đề xuất đầu tư tại các công ty than Uông Bí, Vàng Danh trong năm 2020.

Có thể thấy, việc dần áp dụng CGH trong khai thác than của TKV đã có những bước tiến chắc chắn, linh hoạt và đặc biệt phù hợp với từng địa hình của từng mỏ than khác nhau. Đây là cách đầu tư có tính bền vững của TKV nhằm liên tục nâng cao chất lượng lao động, bảo đảm an toàn cho công nhân và thiết bị khai thác than nguyên khai.

Thành Công