Nhiều doanh nghiệp vận tải lắp "hộp đen" hỏng...

23:10 | 01/07/2013

752 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 1/7, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (GTVT) tổ chức ra quân tổng kiểm tra việc lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) tại một số bến xe trên địa bàn thành phố.

Đúng 8h sáng, Đoàn Thanh tra của Sở GTVT Hà Nội đã có mặt tại Bến xe Giáp Bát để tiến hành kiểm tra việc lắp đặt và sử dụng hộp đen của các xe khách đang hoạt động tại bến này. 20 phương tiện thuộc 2 nhóm đối tượng là xe buýt và xe khách đã bị kiểm tra.

Hầu hết các phương tiện đã chấp hành việc lắp đặt đầy đủ thiết bị giám sát hành trình. Kết quả kiểm tra cho thấy, các thiết bị lắp trên xe đều hoạt động tốt, có khả năng trích xuất đầy đủ thông tin theo yêu cầu. Duy nhất chỉ có một phương tiện không in được thông tin tại thời điểm kiểm tra do trục trặc kỹ thuật, nhưng sau khi điều chỉnh đã trích xuất được thông tin.

Từ 1/7, tổng kiểm tra quy định lắp thiết bị giám sát hành trình. 

Cũng trong buổi sáng cùng ngày, lực lượng chức năng cũng tiến hành kiểm tra việc lắp đặt hộp đen đối với xe buýt, xe khách tại bến xe Mỹ Đình. Tại bến xe này, lực lượng Thanh tra GTVT Hà Nội tập trung kiểm tra xe khách việc đã lắp đặt thiết bị hộp đen hay chưa, thiết bị được lắp đặt có đảm bảo được các quy định hay không.

Sau gần 3 giờ kiểm tra cho thấy, các loại xe khách hoạt động theo tuyến cố định, 90% các xe bị kiểm tra đều không đáp ứng được những yêu cầu đã đề ra.

Tại bến xe Mỹ Đình, 90% xe khách bị kiểm tra đều không đạt yêu cầu.

 

Tại bến xe Mỹ Đình, đoàn Thanh tra đã quyết định lập biên bản đối với hai trường hợp vi phạm quy định về việc lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát hành trình. Đó là phương tiện của Công ty TNHH dịch vụ và vận tải Hòa Bình (Bình An) vì thiết bị không trích xuất được dữ liệu.

Ông Nguyễn Xuân Đông, nhân viên kỹ thuật hỗ trợ đoàn kiểm tra của Thanh tra Sở GTVT cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thiết bị hộp đen không trích xuất được thông tin liên quan đến lộ trình của xe, trong đó chủ yếu vào các lỗi như: Lái xe làm mất số sim đăng ký của thiết bị; số điện thoại đăng ký trên thiết bị không liên lạc được nên không thể trích xuất, in thông tin về lộ trình của xe.

Theo phân tích của ông Đông, nguyên nhân thiết bị hộp đen thiếu tem hướng dẫn là do nhà cung cấp khi lắp đặt thiết bị đã không cung cấp tem hướng dẫn để hướng dẫn phục vụ việc in thông tin; hoặc nhà xe không bảo quản tốt để tem rơi ra khỏi thiết bị dẫn đến khi kiểm tra không in được.

Một thiết bị giám sát hành trình nằm ở vị trí khó quan sát...

Còn theo ông Hoàng Ngọc Đức - Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT huyện Từ Liêm (Hà Nội), trong buổi sáng ngày 1/7, đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của 10 xe khách đang hoạt động trong bến xe Mỹ Đình. Qua kiểm tra, các xe chủ yếu vi phạm các lỗi như: dây kết nối từ thiết bị đến máy in quá ngắn, thiết bị ở vị trí không thuận lợi cho việc kiểm tra, xe lắp thiết bị nhưng thiết bị không đảm bảo các quy định đã được đề ra…

“Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử phạt đối với 4 xe không đảm bảo các quy định đã đề ra. Đối với những trường hợp trên, đoàn kiểm tra sẽ xử lý nghiêm theo quy định; thu hồi phù hiệu chạy xe” - ông Hoàng Ngọc Đức cho biết.

Lực lượng Thanh tra GTVT đang in trích xuất dữ liệu của một thiết bị gắn trên xe khách tại bến Mỹ Đình.

 

Cũng theo ông Đức, trong thời gian tới ngoài việc tăng cường kiểm tra việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trong bến, Đội sẽ tăng cường kiểm tra việc dừng đón trả khách sai quy định, các xe đang lưu thông trên trên đường có dấu hiệu vi phạm.

Tuy nhiên, ông Đức cũng thừa nhận, với một số trường hợp hộp đen lỗi về sim dẫn đến không in được các vi phạm, để đảm bảo tính khách quan, lực lượng Thanh tra giao thông vận tải sẽ chưa lập biên bản mà sẽ cử cán bộ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để xác minh, lỗi do bên nào thì xử lý bên đó. Vấn đề xử phạt thiết bị giám sát hành trình còn liên quan đến cả các doanh nghiệp, chủ phương tiện, bởi các chủ phương tiện mới là những người quyết định lắp đặt và sử dụng thiết bị còn lái xe chỉ là người thực hiện.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Chánh Thanh tra Bộ GTVT, từ 1/7, lực lượng Thanh tra giao thông sẽ phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, tiến hành kiểm tra việc lắp đặt, duy trì, khai thác, quản lý cập nhật thông tin về thiết bị giám sát hành trình.

Trường hợp phát hiện phương tiện thuộc diện bắt buộc phải lắp, không lắp hoặc lắp không hoạt động thì kiên quyết lập biên bản. Sau 3 ngày đến một tuần, sẽ tổng hợp vi phạm và có hình thức xử lý với các doanh nghiệp đang quản lý các phương tiện đó. Nếu phát hiện doanh nghiệp có trên 20% phương tiện vi phạm, sẽ đề nghị đình chỉ hoạt động.

Thanh tra Bộ sẽ tiến hành xử lý mạnh tay, rút giấy phép kinh doanh vận tải, chứ không chỉ dừng lại ở việc phạt tiền hoặc tước phù hiệu như trước đây.

Lực lượng Thanh tra lập biên bản 2 trường hợp vi phạm của hãng xe khách Bình An.

 

Trong đợt thanh tra này, Phòng kinh doanh vận tải của các Sở GTVT sẽ tiến hành kiểm tra song song tình hình hoạt động của bộ phận theo dõi an toàn giao thông tại các doanh nghiệp vận tải. Đây là một trong những điều kiện bắt buộc đã được nêu ra tại Nghị định 93. Nếu phát hiện tổ theo dõi về an toàn giao thông tại doanh nghiệp không hoạt động hoặc hoạt động chỉ mang tính hình thức thì thu hồi giấy phép kinh doanh.

Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết thêm, để giám sát việc chấp hành quy định pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng như quản lý việc thực hiện của các Sở, Ban tại địa phương, Bộ GTVT đã quyết định tổ chức 7 đoàn kiểm tra do lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn đi thị sát tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc TW được liệt vào danh sách phức tạp về trật tự an toàn giao thông.

Đây được xem là những nỗ lực lớn của ngành GTVT, nhằm hướng tới mục tiêu giảm thiểu từ 5 - 10% số vụ tai nạn giao thông so với năm 2012.

Thiên Minh