Nhát dao oan nghiệt của phu đào vàng...

06:49 | 20/03/2014

864 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vừa về đến nơi, nghe hàng xóm bảo vợ mình ngoại tình, Phạm Văn Trường (SN 1987, Thủy Sơn, Ngọc Lạc, Thanh Hóa) vô cùng tức giận. Lại thêm việc gặp nhau, hỏi bao nhiêu câu mà vợ vẫn lạnh lùng không thèm ngước mắt lên nhìn khiến lòng Trường tràn đầy thù hận…

Tha phương nơi xứ người

Năm 2012, Trường dắt vợ từ Thanh Hóa vào Quảng Nam kiếm việc làm. Vợ Trường làm nhân viên bán cà phê ở khách sạn Bé Châu Giang tại khối phố 2, thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, còn Trường thì trở lại cái nghề phu vàng mà Trường đã từng làm ở đây từ năm 2007. Sống nơi đất khách quê người, Trường rất muốn vợ chồng được ở gần nhau, nhưng cái nghề của Trường phải ở nơi rừng sâu núi thẳm. Ba, bốn tháng Trường mới xuống núi một lần, mà mỗi lần Trường phải đi bộ hai chục cây số mới đến được nơi ở của người vợ.

Vợ của Trường, Phạm Thị Huệ, mới 23 tuổi và đúng như câu nói “Gái một con trông mòn con mắt”. Lúc đầu, Trường định đưa vợ lên bãi vàng để bán tạp hóa thuê cho người ta. Nhưng sợ vợ phải tiếp xúc với tệ nạn xã hội và đám đàn ông luôn văng tục nên Trường nhờ một người bạn xin cho vợ vào bán cà phê ở khách sạn Bé Châu Giang. Những ngày mới vào Quảng Nam, tối nào hai vợ chồng Trường cũng liên lạc với nhau. Trường thương vợ vất vả, thức khuya dậy sớm. Vợ Trường cũng động viên chồng gắng qua cơn khổ cực. Đôi vợ chồng trẻ tự nhủ cố thêm một thời gian kiếm đủ lưng vốn rồi về quê.

Khoảng đầu năm 2013, Trường nghe phong thanh việc vợ mình có nhân tình. Trường tặc lưỡi, bán cà phê thì phải cười, phải đùa với khách. Nếu chỉ vì ghen tuông vô lối mà buộc vợ nghỉ bán cà phê thì tiền ở đâu để gởi về quê nuôi con. Nghề của Trường bạc bẽo lắm, đã nặng nhọc, hiểm nguy lại không được bao nhiêu tiền. Chi phí nuôi con đều từ việc bán cà phê của vợ Trường. Có lần Trường hỏi vợ về việc đồn đoán của người dân xung quanh khách sạn, vợ Trường bảo, tại mấy người khách chọc ghẹo chứ vợ Trường không có chuyện mèo mả gà đồng. Trường không hỏi nữa nhưng lòng lo lắm.

Cho đến một hôm, Trường không nhớ rõ là ngày nào nhưng Trường nhớ như in hình ảnh người vợ của Trường trong tay gã đàn ông ấy. Trường đánh, Trường chửi vợ nhiều lắm. Người vợ trẻ khóc lóc nỉ non và xin Trường tha thứ. Rồi người đàn bà ấy hứa sẽ dứt tình với kẻ phong lưu kia và một lòng một dạ với chồng. Trường nhớ đến cô con gái nhỏ đang ở mãi ngoài quê. Thôi thì, tất cả vì con…

Nhưng kể từ đó, lòng Trường luôn bất an. Các cuộc điện thoại của vợ Trường thưa dần. Mỗi lần Trường về, vợ chồng không còn nồng nàn như xưa. Những lời dị nghị, những ánh mắt thương hại của mọi người vẫn dán chặt sau lưng khiến Trường rất đau khổ. Bạn bè khuyên Trường nên đưa vợ về quê. Trường nghĩ, như thế cũng phải. Bởi vào đây bao năm Trường vẫn tay trắng trắng tay. Về quê, vợ chồng Trường sẽ tìm việc làm khác, cực nhọc cũng được, ít tiền cũng được nhưng sẽ được gần nhau, gần con. Nghĩ thế, sáng ngày 9/6/2013, Trường rời bãi vàng từ tờ mờ sớm để xuống thị trấn Khâm Đức gặp vợ.

Phạm Văn Trường tại cơ quan công an

Khi tình bạc như vôi

Đến nơi, Trường đi thẳng đến phòng trọ trước khách sạn Bé Châu Giang, nơi vợ Trường cùng hai cô gái khác thuê ở. Cửa phòng trọ khép hờ nhưng không có ai. Trường hỏi mọi người thì được biết, lúc tối chỉ có hai cô gái kia ngủ, còn vợ Trường thì đi đâu, ngủ đâu không ai biết. Hai cô gái ở cùng phòng trọ với vợ Trường đã ngủ dậy và đi làm từ 5 giờ sáng, cửa không khóa là để cho vợ Trường về. Trường ra quán cà phê gần đấy thì gặp người phụ nữ đồng hương tên là Lập kể chuyện vợ Trường tằng tịu với người khác. Trường rất tức giận.

Lúc này, còn có bà Phạm Thị Lợi, mẹ Trường. Sau hồi trò chuyện, bà Lợi cho Trường 500 ngàn để mua bộ quần áo mặc, vì lúc đó Trường chỉ mặc mỗi áo thun và quần đùi. Trường đi vào chợ Vòm mua một bộ quần áo, một ít hoa quả và mua luôn một con dao Thái Lan. Trường đút con dao vào túi quần và trở về phòng trọ của vợ.

Khi mở cửa phòng trọ thì Trường thấy vợ đang ngồi trên giường gọt giũa móng tay. Biết chồng đến nhưng người vợ vẫn không hề hỏi han hay ngước mắt nhìn chồng, mặc dù đã hơn 2 tháng rồi họ không gặp nhau. Trường tiến sát đến, ôm vai vợ và hỏi “Lâu quá rồi mình không gặp nhau, em có nhớ anh không?”. Người vợ vẫn không hề nhìn Trường, cũng không đáp lời. Biết tình vợ đã bạc như vôi, Trường không vòng vo hay cố tạo cơ hội để hai vợ chồng gần gũi nhau mà tra vấn việc tối vợ Trường không về nhà trọ. Đến lúc này, không thể không trả lời, vợ Trường đáp: “Em ngủ ở nhà cô Thùy”. Nhưng Trường không hề tin điều ấy, bởi nhà cô Thùy vừa chật chội, vừa là nơi bán quán thì không có lý do gì mà vợ Trường ngủ lại đó. Trường nói hết với vợ những chuyện mà Trường vừa nghe được.

Trường còn hỏi: “Anh đã một lần tha thứ cho em rồi, tại sao em vẫn còn ngoại tình?”. Không biện minh, cũng không sợ hãi, vợ Trường bình thản trả lời: “Biết em hư như vậy thì anh thương em làm gì nữa!”. Câu nói của người vợ như ngọn đuốc ném vào đống rơm khô giữa trời trưa. Ngọn lửa hờn căm trong đầu Trường bốc cháy dữ dội. Không kìm nén được, Trường rút con dao ra đâm vào ngực trái của người vợ. Lưỡi dao thấu trái tim mà ngày xưa từng thuộc về Trường. Trường rút dao ra, người vợ đổ gục xuống nền nhà. Vứt dao tại bậc cửa, Trường đi tìm mẹ. Trường kể cho mẹ nghe việc mình vừa giết vợ và đến Công an huyện Phước Sơn đầu thú.

Phạm Văn Trường trong phiên tòa sơ thẩm

Ngày 27/2/2014, TAND tỉnh Quảng Nam đã tuyên án chung thân với Phạm Văn Trường về tội giết người. Trong phiên tòa hôm ấy, một điều tra viên đã kể với tôi rằng, trước khi bị giết một ngày, vì nhớ con, Phạm Thị Huệ đã xin nghỉ việc để chiều ngày 9/6 sẽ bắt xe về Thanh Hóa. Trong lúc đó thì Phạm Văn Trường cũng có ý định bỏ hẳn nghề đào đãi vàng để về quê tìm công việc khác. Chính vì vậy, sáng ngày 9/6, Trường đã rời bãi vàng xuống thị trấn tìm vợ để bàn bạc chuyện về quê. Ngờ đâu, khi gặp nhau, Trường đã vung dao chặt đứt đường về của vợ và đường về của chính mình.

Hoàng Phương