Nhập khẩu than là tất yếu khách quan

07:20 | 16/09/2016

727 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Chính phủ đã giao Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đẩy mạnh đầu tư khai thác và phát triển các mỏ, nâng cao sản lượng than sản xuất trong nước. Đồng thời, tổ chức nhập khẩu than, bảo đảm cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện và nhu cầu khác của nền kinh tế. Do vậy, việc TKV từng bước triển khai nhập khẩu than là tất yếu khách quan.  

Nhập khẩu phải đảm bảo cung - cầu

Dự báo nguồn cung cấp than trên thế giới như hiện nay chỉ trong ngắn hạn, khi kinh tế và thị trường phục hồi thì nhập than với khối lượng lớn, ổn định sẽ không dễ, thậm chí là rất khó khăn đối với loại than anthraxit mà nhiều nhà máy trong nước đang sử dụng. Vì vậy, Nhà nước cần tăng cường kiểm soát các nguồn than và sắp xếp các đầu mối nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định thị trường và hiệu quả chung của nền kinh tế.

nhap khau than la tat yeu khach quan

Bên cạnh đó, các nhà máy điện hiện nay đang hoạt động và một số nhà máy sẽ đưa vào hoạt động trong các năm tới vẫn đang sử dụng và phải sử dụng nguồn than anthraxit sản xuất trong nước là chính, vì than cho điện đòi hỏi chủng loại phù hợp với nhà máy đã thiết kế với khối lượng lớn, ổn định và lâu dài. Đây cũng chính là lý do sản lượng than nhập khẩu của TKV mới chiếm tỷ lệ nhỏ so với than sản xuất và mục đích để pha trộn, thiết lập thị trường. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần nhập 70 triệu tấn than. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cùng với quy luật đào thải của thị trường thì vai trò của Nhà nước trong quy hoạch, sắp xếp lại các đầu mối nhập khẩu là cần thiết để đem lại hiệu quả tốt hơn cho doanh nghiệp và kinh tế đất nước.

Than nội địa đang chịu nhiều sức ép

Theo Phó tổng giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên, hiện nay, tại thị trường trong nước, loại than cám 6a1 khu vực Hòn Gai, Cẩm Phả đang được nhiều hộ sử dụng lựa chọn và tiêu thụ với sản lượng lớn. Song, theo cân đối cơ cấu các chủng loại than trong nước thì loại than cám 6a1 hiện không đáp ứng đủ nhu cầu và ước tính năm 2016 sẽ thiếu khoảng 3 triệu tấn. Trong khi loại than tương đương vùng miền Tây Quảng Ninh sản xuất (than Mạo Khê, Uông Bí, Vàng Danh) thì thị trường ít có nhu cầu hơn do đặc tính lưu huỳnh cao hơn, chất bốc thấp hơn nên tồn kho lớn.

“Trước đây, loại than này chủ yếu xuất khẩu nhưng nay không còn được xuất khẩu nữa, nên TKV đã phải nhập khẩu một phần than anthraxit chất bốc cao 10-15%. Hơn nữa, than nhập khẩu còn được dùng để chế biến, pha trộn với một số loại than trong nước cung cấp cho các hộ có nhu cầu nhằm mục đích giảm tồn kho than, ổn định sản xuất, việc làm, thu nhập cho thợ mỏ và an sinh xã hội trên địa bàn”, ông Biên cho biết.

Bên cạnh đó, hiện trên thế giới, nguồn than cung đang vượt cầu, có giá tốt, là thời điểm thuận lợi để thiết lập, đàm phán, đặt quan hệ lâu dài với các đối tác cung cấp than. Tuy nhiên, ông Biên cũng lưu ý, bắt đầu từ quý II/2016, giá than thế giới đã có chiều hướng tăng cao hơn khoảng 10USD/tấn so với quý I. Cũng theo ông Biên, hiện nay, cùng với TKV, còn khá nhiều đầu mối được phép nhập khẩu than. Tuy nhiên, việc có nhiều đầu mối nhập khẩu sẽ giúp đa dạng nguồn cung nhưng cũng có bất cập bởi khi có nhiều công ty của Việt Nam chào mua cùng một đối tác nước ngoài sẽ gây bất lợi về giá.

Dẫn số liệu để chứng minh, trong 7 tháng năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu trên 8 triệu tấn than, trong đó, TKV chỉ nhập 863 nghìn tấn, còn lại chủ yếu là của các doanh nghiệp nhập khẩu thương mại và thực tế này đang gây sức ép lớn lên ngành than nội địa.

Minh Châu

Năng lượng Mới 557

  • el-2024