Nhà xuất bản: Hãy làm đúng phận sự của mình!

11:19 | 29/11/2013

1,454 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Liên tục phải “nhặt sạn” trong những cuốn sách mang tính giáo dục, giáo sư Văn Như Cương kêu gọi: “Các nhà xuất bản hãy làm đúng phận sự của mình”.

Theo đó giáo sư Văn Như Cương cho rằng: “Do tình trạng xuất bản tràn lan, thiếu chuyên môn, một nhà xuất bản kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, trong khi đó thực trạng lại kém cả khâu biên tập và liên kết xuất bản mới để xảy ra những sự vụ đáng buồn đến thế”.

Thông tin Bộ sách Đồng dao dành cho trẻ mầm non gồm 12 tập, ra mắt cuối năm 2012 (in 2.000 cuốn đưa ra thị trường 920 cuốn, tồn kho 1.080 cuốn). Quyết định thu hồi do NXB Mỹ thuật gửi cho Công ty Đinh Tị vào ngày 14/10 vừa qua đã dấy lên trong lòng dư luận những lỗi lo đã thành muôn thuở. Mặc dù đơn vị xuất bản, Công ty Văn hóa Đinh Tị đã tuyên bố nhận trách nhiệm về mình nhưng câu chuyện đằng sau về nhân cách của người làm sách lại một lần nữa được bàn tới. Bởi đây không phải lần đầu tiên sách dành cho trẻ em mắc lỗi.

Sách đồng dao phản cảm bị thu hồi

Trước đó, đã có một loạt câu chuyện sách làm cho thiếu nhi bị sai lỗi chính tả, chuyện cổ tích hay bài toán đậm chất bạo lực… làm ảnh hưởng không nhỏ đến các cháu thiếu nhi. Đến nay thông tin cuốn sách bị NXB Mỹ thuật yêu cầu thu hồi bởi sử dụng các bài đồng dao phản cảm trong sách. Điển hình như Đồng dao chơi vỗ tay: “Bà gì?/ Bà ngoại/ Ngoại gì?/ Ngoại xâm/ Xâm gì?/ Xâm lăng… Ao gì?/ Ao cá/ Cá gì?/ Cá quả/ Quả gì?/ Quả đấm”.

Hay Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng: “Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng/ Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi/ Ông Nhăng bảo để mà nuôi/ Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro”. Hay Vè nói ngược (II): “Đàn ông to vú/ Đàn bà rậm râu/ Hay sủa thì trâu/ Hay cày thì chó”…Một lần nữa thổi bùng những bức xúc trong lòng dư luận.

Thừa nhận, việc dùng đồng dao để dạy ngôn ngữ cho trẻ của bộ sách này là một ý tưởng độc đáo. Cách dạy vừa phù hợp với tính cách thích nói vần vè của người Việt, vừa hợp với lứa tuổi của người học, tạo được cảm giác thích thú bởi đây là trò chơi đối đáp, dễ tiếp nhận với trẻ con.

Lổn nhổn "sạn" trong sách giáo dục, trách nhiệm thuộc về ai?

Có những từ vựng hoặc khái niệm trẻ chưa biết, người lớn có thể vừa đọc vừa giải thích để trẻ có thêm hiểu biết. Thế nhưng, những lỗi cơ bản do thiển cận hoặc thiếu kiến thức trong nghề lại vô tình giết chết cuốn sách. Ngay lập tức, câu hỏi lớn đặt ra: Ai là người kiểm định một sản phẩm như thế? Để xảy ra sai sót trong xuất bản sách đã là sự tắc trách, làm sách mang tính giáo dục mà phản cảm, còn lỗi lớn hơn nhiều. Đúng như giáo sư Văn Như Cương đã đặt câu hỏi chua chát rằng: “Làm sách mang tính giáo dục mà lại phản giáo dục thì cuốn sách còn lại gì?”.

Cũng từ hiện tượng này để nhìn nhận một thực tế rằng sách tham khảo đang bị thả trôi nổi trên thị trường. Thiếu liên kết xuất bản, sơ hở trong kiểm duyệt… vô hình trung là sự tắc trách của các bên liên quan dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như vừa qua. Giáo sư Văn Như Cương đã chỉ ra rằng: “Để giảm thiểu những sự vụ đáng tiếc như trên thì chúng ta phải cải tổ lại đội ngũ biên tập. Cần có sự liên kết chặt sẽ giữa các khâu kiểm duyệt và thẩm định. Đặc biệt, là quy đinh chặt chẽ ở phía nhà xuất bản. Bởi thực tế hiện nay, các nhà xuất bản được tự ý xuất bản ở nhiều lĩnh vực, nhiều thể loại. Như nhà xuất bản đăng ký xuất bản về âm nhạc thì không thể lại đi xuất bản về văn học được... Chính vì không đúng chuyên môn, thiếu nghiệp vụ… mới để xuất hiện những sản phẩm lỗi như thế”. 

Điều này đúng, bởi với cách xuất bản tràn lan, không phân định rõ lĩnh vực chuyên môn của các NXB như hiện nay vô hình trung biến thị trường sách thành những ma trận. Sách cho người lớn đã đành, nhưng sách cho trẻ con hơn nữa đậm chất giáo dục thì sai sót là một điều khó chấp nhận. 

Vậy nên, trước mắt để hạn chế những "sản phẩm lỗi" như vậy, nên chăng trước tiên các nhà xuất bản nên hiểu rõ và làm đúng phận sự của mình?

Huy An