Nguyễn Thanh Chấn đã được trả tự do và kể chuyện Tết trong tù

07:00 | 25/01/2014

5,598 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu không có gì thay đổi, 9h sáng ngày 25 Tết (25/1/2014), Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C44) sẽ công bố quyết định đình chỉ vụ án và công bố Nguyễn Thanh Chấn không phạm tội. Sau khi có quyết định tái thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, C44 đã vào cuộc, khẩn trương làm rõ, minh oan cho Nguyễn Thanh Chấn. Đây là tin vui với gia đình ông ngay trước dịp Tết Nguyên đán. Thay mặt độc giả PetroTimes, xin chức mừng ông Nguyễn Thanh Chấn đã chính thức trở thành công dân tự do. Cũng nhân dịp này, phóng viên PetroTimes đã về tận gia đình ông chung vui, nghe ông chia sẻ ký ức về những ngày ăn Tết trong tù.

Lần đầu tiên sau 10 năm, người tù oan Nguyễn Thanh Chấn ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang lại được ăn Tết với tâm thế của người bình thường bên gia đình. Những dịp Tết đến, kẻ ở tù nào cũng vậy, đều cồn cào nhớ quê hương, gia đình, nhưng với anh Chấn, những lần ăn Tết trong tù lại là lúc anh tự “bạo hành” tư tưởng mình với đau đáu nỗi oan ức chưa thể giải. Và trong những dịp ấy, đã có lúc anh định tìm đến cái chết.

Với bản tính hiền lành, nhiều khi là quá nhút nhát, dù bị chuyển đến trại giam nào, dù nhập vào buồng giam nào thì Nguyễn Thanh Chấn đều có “thứ bậc” hạng bét. Không tên tuổi, không “số má”, bất cứ khi nào anh Chấn đều có thể bị “các anh” cho ăn đòn. Như một quy luật bất thành văn, ở nhà tù nào cũng thế, trong buồng giam dù nhiều hay ít phạm nhân đều phân ra các thứ bậc. Cao nhất là trưởng buồng, thường là những tay anh chị đầu gấu khét tiếng ngoài đời, từng gây ra những vụ trọng án. Nếu không thì trưởng buồng phải là những kẻ có tiền, gia đình rất giàu có để có thể nuôi được đàn em trong tù.

Nguyễn Thanh Chấn thân cô, thế cô, gia đình vốn nghèo túng, lại là người mang án chung thân, đi tù không biết ngày về nên đương nhiên phải sống khép mình, “gọi dạ bảo vâng”. Suốt bấy nhiêu năm đi tù, anh chỉ đau đáu duy nhất một việc, đó là viết đơn kêu oan. Anh kể rằng, anh viết như vô thức, nhặt được mảnh giấy nào là viết đại lên mảnh giấy đó. Lắm khi được bạn tù cho cái kẹo ăn, anh cũng cầm bút viết đơn lên mảnh giấy kẹo nhỏ tẹo. Viết rồi vứt một xó, cũng chẳng thể gửi được đi đâu. “Viết để thấy rằng mình còn hy vọng, mình còn tồn tại”, anh Chấn kể.

Anh Chấn đọc lại những lá đơn từng viết trong tù

Cái Tết trong tù đầu tiên của anh Chấn là ở Trại Kế (Bắc Giang). Khi đó, anh mới chỉ bị tạm giam, chưa có án. Anh Chấn nghẹn lời: “10 năm rồi, đến giờ nghĩ lại vẫn còn run bần bật. Tôi đang là người tự do, bỗng dưng bị bắt và mang tội giết người. Những ngày Tết ở trong Trại Kế, điều tra viên nghỉ không hỏi cung nữa, tôi được ở yên và khi ấy tôi như bừng tỉnh, không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Tết đầu tiên trong tù, do chưa quen lên tư tưởng dằn vặt ghê lắm”.

Năm ấy, sáng 26 âm lịch, gia đình anh Chấn mới vào thăm nuôi. “Tôi nhớ rất rõ vợ tôi mang vào cho tôi một cái bánh chưng, mấy lạng thịt luộc và 1 khoanh giò nạc. Hai vợ chồng được gặp nhau năm phút, nhưng chỉ nói được vài câu, còn lại chỉ khóc. Tôi chỉ biết nói với vợ rằng: Chiến ơi, anh bị oan, em ở ngoài phải tìm cách cứu anh. Tôi đói, nhưng giở miếng thịt ngon thế ra, định ăn mà không nuốt nổi. Trong buồng tạm giam có 4 phạm nhân, 3 người kia là người Thanh Hóa, Hải Phòng. Họ đều đã nhận tội và không bị tù oan như tôi, nên tư tưởng cũng rất thoải mái, ăn uống cũng tốt”, anh Chấn kể.

Khi đã có án, những năm còn lại trong tù, anh Chấn ăn Tết ở Trại giam Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc). Chuyện Tết ở đây cũng lắm ly kỳ, mà kể ra chắc không ai tin.

Chuyện nấu rượu trong tù

Ở bất cứ trại giam nào, rượu là thứ bị tuyệt đối cấm. Ở Trại Vĩnh Quang cũng vậy. Nội quy của trại là rất nghiêm khắc và quản giáo ở đây cũng có rất nhiều kinh nghiệm quản lý phạm nhân. Thế mà, không hiểu bằng cách gì, tù nhân vẫn tìm cách tuồn được dụng cụ, nguyên liệu vào để "nấu" được rượu, uống cũng say ngất ngưởng.

Đương nhiên, không phải phạm nhân nào cũng dám làm chuyện tày trời này trong buồng giam. Những công đoạn nấu rượu phải tuyệt đối giữ bí mật, nếu bị phát giác thì với tội này, phạm nhân chắc chắn được xuống phòng biệt giam ngay tắp lự.

Anh Chấn kể, trong những lần đi lao động, phạm nhân giấu được một chiếc xô nhôm cũ mang vào buồng, để dùng làm nồi nấu rượu. Hàng ngày, cứ lần lượt vòng quanh mọi phạm nhân phải nhịn cơm để tích lại làm cơm rượu. Phạm nhân giấu được men bột và cả ống nhựa để chế rượu.

Anh Nguyễn Thanh Chấn thắp hương lên bàn thờ tiên tổ

Chuyện tạo ra lửa để nấu thành công một nồi rượu cũng là một chuyện kỳ công.

Lửa nấu rượu được tạo ra từ hai nguồn nguyên liệu chính, đó là túi ni-lông và… dầu ăn. Hằng ngày, phạm nhân đi làm sẽ nhặt nhạnh, gom góp tất cả các túi ni-lông mà họ trông thấy về buồng giam. Hoặc quà thăm nuôi các gia đình gửi lên, các túi ni-lông để gói, bọc cũng được giữ lại. Đến khi cần nấu rượu, phạm nhân mang túi ra rí rách đốt. Mùi nhựa cháy khét lẹt, hít phải đến hoa mắt, chóng mặt. Nấu rượu bằng túi ni-lông thì rất chậm, có khi sôi được nồi rượu 3 lít phải mất cả ngày. Đang nấu mà quản giáo đi ngang qua kiểm tra thì ngay lập tức họ phải tắt lửa, giấu nồi rượu vào trong chăn. Hoặc đang nấu mà hết “củi”, thì tất cả lại thành công cốc.

Vậy nên, phạm nhân trong tù nghĩ ra cách chế tác hẳn một chiếc bếp nấu bằng… dầu ăn. Phạm nhân nhắn gia đình gửi dầu ăn vào cho họ. Nhiều người không hiểu dầu ăn ấy để làm gì, vì trong tù làm gì được nấu nướng. Ở trong tù, sẽ có phạm nhân tỉ mỉ đục ống bơ, chế tác thành một chiếc bếp, như kiểu bếp dầu hỏa. Sau đó, họ chỉ việc đổ dầu ăn vào mà… đốt. Dầu ăn cháy lửa rất to và thơm, nhưng lại cực kỳ tốn kém. Mất hàng chục lít dầu ăn mới nấu được tầm 2 lít rượu.

“Để tiết kiệm thời gian, chi phí, họ thường cất rượu rất nặng, uống vào như muốn cháy cổ họng. Thi thoảng, tôi mới được cho uống thử một ngụm, còn lại, chỉ các “anh chị” trong buồng giam mới được uống”, anh Chấn kể.

Mỗi dịp Tết là trong trại giam thường tổ chức đánh bạc. Trước Tết, gia đình các phạm nhân đi thăm nuôi ngoài gửi đồ ăn, thường gửi thêm tiền. Để giấu quản giáo, phạm nhân thường cuộn tiền và tống vào hậu môn. Nhưng trò đó đã lỗi thời vì đến giờ trại giam đã được trang bị máy dò. Để mang tiền vào, có phạm nhân… nuốt chửng cả cuộn tiền polime vào bụng, đợi vào trong buồng giam đại tiện ra, rồi đi “rửa tiền”. Thế nhưng, có người sống dở, chết dở vì cuộn tiền mắc lại trong ruột, không làm cách gì mà “đi” ra nổi nên bị rách ruột, phải đưa đi cấp cứu. Có trường hợp nuốt lâu quá không “đi” nổi, đến khi “đi” được tiền tiền đã ố vàng, không còn ra hình hài nữa. Về sau, để bảo vệ tiền, trước khi nuốt vào bụng, phạm nhân thường gói tiền vào một túi ni-lông nhỏ, khi lấy được ra, chỉ cần mở túi, thì tiền vẫn còn… thơm phức.

Nhà tù là một xã hội thu nhỏ. Ở đó cũng có người giàu, kẻ nghèo, cùng những mối quan hệ phức tạp. Anh Chấn kể rằng, ở buồng giam, người có tiền cũng thuê "oshin" để hầu hạ. Những người nghèo khổ, yếu ớt trong tù được thuê lấy cơm, rửa bát, đấm lưng, gấp quần áo cho người có tiền. Như anh Chấn, nhà túng nghèo, lại nhút nhát, yếu đuối nên đi tù thì tận khổ. Thỉnh thoảng “đại ca” ngứa mắt, hoặc say rượu là anh có thể ăn vài cái tát.

“Tôi vốn chẳng tội tình gì. Phải lâm vào cảnh tù tội, sống trong cảnh ấy, có lần tôi đã định tìm đến cái chết cho nhẹ gánh gia đình. Nhưng rồi chính vợ con tôi đã cho tôi thêm hy vọng sống để tiếp tục hành trình kêu oan và được minh oan. Những năm tháng qua với tôi còn hơn cả cơn ác mộng dài”, anh Chấn nói.

Kết thúc câu chuyện, anh Nguyễn Thanh Chấn giục vợ chuẩn bị để đi thăm mộ bố dịp cuối năm. Anh đã bắt đầu quen với cuộc sống của một người bình thường, được ăn Tết bên gia đình, dù cuộc sống trước mắt còn vô vàn gian khó.

Vũ Minh Tiến

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps