Nguy cơ phía sau làn sóng xuất khẩu công nghệ giám sát của Trung Quốc

12:07 | 09/10/2019

1,312 lượt xem
|
Việc Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ giám sát thông qua các công ty lớn nhất của nước này đã làm dấy lên nhiều quan ngại về nguy cơ bị thu thập dữ liệu cũng như tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Nguy cơ phía sau làn sóng xuất khẩu công nghệ giám sát của Trung Quốc
Camera giám sát được treo tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: Bloomberg)

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang xây dựng một nhà nước giám sát trên quy mô lớn thông qua việc sử dụng hàng triệu camera được trang bị phần mềm nhận diện gương mặt. Các camera giám sát được gắn trên cột đèn, bên ngoài các tòa nhà cũng như các tuyến đường, giúp nhận diện gương mặt của từng người.

Một số công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc đã tham gia vào các dự án triển khai camera giám sát trên khắp cả nước. Không dừng lại ở đó, công nghệ này đang được xuất khẩu ra nước ngoài khi các công ty công nghệ của Trung Quốc muốn mở rộng thị trường toàn cầu.

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Hòa bình Thế giới Carnegie hồi tháng 9, các công ty công nghệ Trung Quốc, trong đó phải kể tới Huawei, Hikvision, Dahua và ZTE, đã cung cấp công nghệ giám sát trí tuệ nhân tạo tại 63 quốc gia. Trong số này, có tới 36 nước đăng ký tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường nổi tiếng của Trung Quốc. Huawei, tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc, là đơn vị cung cấp công nghệ giám sát cho nhiều nước nhất.

Một số dự án được gọi là “thành phố thông minh”, trong đó có công nghệ giám sát, đang được triển khai tại các nước phương Tây, đặc biệt là châu Âu, như Đức, Tây Ban Nha và Pháp.

Nguy cơ từ công nghệ của Trung Quốc

Các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về những nguy cơ có thể xảy ra phía sau công nghệ giám sát của Bắc Kinh, bao gồm khả năng bị chính quyền Trung Quốc thu thập dữ liệu.

“Tôi biết đôi khi có những tuyên bố nói rằng, “khi chúng tôi triển khai công nghệ này, chúng tôi sẽ không sử dụng chúng theo cách tiêu cực, mà chúng tôi sử dụng chúng để cung cấp dịch vụ, hoặc chúng tôi sử dụng chúng theo cách hoàn toàn chấp nhận được, chấp nhận được trong xã hội của chúng tôi”. Tuy nhiên, thực sự chúng ta không thể chắc chắn về điều này, bởi vì sự khác biệt ở đây không phải là công nghệ này được triển khai như thế nào, mà ai là người tiếp cận với những dữ liệu do các công nghệ đó mang lại. Nếu đó là một công ty của Trung Quốc như Huawei, dữ liệu sẽ được chuyển về Trung Quốc và có thể được chính quyền sử dụng theo cách họ muốn”, Samantha Hoffman, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Mạng thuộc Viện chính sách chiến lược Australia (ASPI), nói với CNBC.

Chuyên gia Hoffman cũng viện dẫn luật của Trung Quốc quy định rằng, các công ty Trung Quốc phải chuyển giao dữ liệu cho chính phủ nếu được yêu cầu. Mặc dù không cáo buộc Huawei có hành vi sai trái, song Hoffman đã sử dụng Huawei như một ví dụ để chứng minh cho nhận định của bà.

“Tôi nghĩ chúng ta thậm chí không thể hiểu được quy mô tổng thể của vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt liên quan tới công nghệ giám sát của Trung Quốc khi chúng được xuất khẩu. Điều đó không chỉ đơn thuần là việc các chính quyền khác có thể sử dụng công nghệ giám sát theo cách tương tự (Trung Quốc), mà là khi công nghệ giám sát được xuất khẩu, chính quyền Trung Quốc cũng đã gắn lợi ích của họ vào đó”, chuyên gia Hoffman cho biết.

Maya Wang, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc, đã cảnh báo nguy cơ công nghệ giám sát của Trung Quốc được chuyển giao cho các quốc gia khác.

“Tôi nghĩ một tương lai tệ hơn có thể xảy ra, là khi các chính phủ triển khai công nghệ này và bổ sung công cụ này vào kho công cụ hiện thời của họ để giám sát người dân”, Wang cho biết.

Báo cáo của ASPI hồi đầu năm cũng nhấn mạnh những lo ngại về việc Trung Quốc xuất khẩu công nghệ giám sát, bao gồm nguy cơ làm suy yếu các nền dân chủ, tiếp cận các công nghệ mới cũng như can thiệp vào lĩnh vực quân sự.

“Xét trên cả góc độ trong nước và quốc tế, Trung Quốc lên kế hoạch sử dụng công nghệ (giám sát) như một cách để bảo vệ và mở rộng sức mạnh của nước này. Trên phương diện toàn cầu, nguy cơ nằm ở chỗ Trung Quốc đang tìm cách tái định hình vai trò thống trị toàn cầu theo hướng đảm bảo sức mạnh của họ”, chuyên gia Hoffman nhận định.

Công nghệ nhận diện gương mặt đã vấp phải làn sóng phải đối trên toàn thế giới. Tại Mỹ, các nhà lập pháp ở California hồi tháng trước đã cấm cảnh sát địa phương sử dụng phần mềm nhận diện gương mặt trong các camera.

Hồi đầu năm nay, Financial Times đưa tin Ủy ban châu Âu cũng xem xét soạn thảo quy định mới về công nghệ nhận diện gương mặt. Giám đốc điều hành hãng Microsoft hồi tháng 1 cho biết ông hoan nghênh các quy định mới về việc sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt.

Hiện các công ty công nghệ Trung Quốc đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đã bị Mỹ liệt vào danh sách đen và cấm tiếp cận với công nghệ Mỹ. Washington cáo buộc Huawei có liên hệ với chính quyền Trung Quốc, có thể được Bắc Kinh sử dụng cho mục đích do thám, gây nguy hại cho an ninh quốc gia của Mỹ.

Chính quyền Mỹ đầu tuần này cũng áp lệnh trừng phạt đối với 28 thực thể Trung Quốc, bao gồm các công ty công nghệ. Hikvision và Dahua, hai công ty sản xuất thiết bị giám sát như camera, đã bị Washington đưa vào danh sách trừng phạt.

Theo Dân trí

Giá xăng dầu hôm nay 9/10 sụt giảm vì lo ngại rủi ro thương mại Mỹ - Trung
Hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc gia tăng kỷ lục
Trung Quốc rút khỏi thỏa thuận khí đốt 5 tỷ USD với Iran
Khan hiếm thịt, Trung Quốc quyết nhân giống lợn “siêu to khổng lồ”
Trung Quốc cố tình làm sai để theo đuổi yêu sách phi lý ở Biển Đông

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc