Người Việt ở Sri Lanka: 'Tôi vẫn chưa hết sốc'

15:16 | 22/04/2019

174 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một phụ nữ Việt Nam ở Sri Lanka vẫn không tin nước này phải hứng chịu vụ tấn công hàng loạt. 
Người Việt ở Sri Lanka: 'Tôi vẫn chưa hết sốc'
Người thân của nạn nhân bị ảnh hưởng trong vụ nổ tại Đền Anthony. Ảnh: Reuters.

"Chưa bao giờ tôi thấy cảnh tượng nào gần mình kinh khủng đến thế. Tôi vẫn chưa hết sốc", Nguyễn Thị Thơm, một phụ nữ Việt đang sống ở thủ đô Colombo, Sri Lanka, chia sẻ với VnExpress về vụ đánh bom liên hoàn tại nước này hôm qua.

6 vụ nổ đồng loạt xảy ra vào sáng 21/4 tại ba khách sạn 5 sao cùng với nhà thờ Zion, nhà thờ Thánh Sebastian và đền Thánh Anthony tại Colombo, Negombo và Batticaloa. Hai vụ nổ sau đó xảy ra vào buổi chiều tại các vùng ngoại ô Colombo. Thủ đô Colombo là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Khoảng 290 người thiệt mạng và 500 người bị thương.

Đền Thánh Anthony cách công ty nơi Thơm làm việc chỉ khoảng 500 m, nhưng cô không có mặt ở địa điểm này do 21/4 là ngày nghỉ. Gia đình cô sống cách hiện trường gần 6 km nên không bị ảnh hưởng. Anthony là một trong những nhà thờ lớn nhất trong thành phố nên có đông người đến trong lễ Phục Sinh.

Khoảng 15 phút sau vụ nổ đầu tiên, Thơm đã biết tin. Lúc đó cô cùng chồng và con đang đi nghỉ. Cô vội vàng gọi điện cho tất cả người Việt mà cô có số điện thoại. Vì cộng đồng chỉ có hơn 100 người nên Thơm nhanh chóng biết rằng không có ai bị ảnh hưởng. Ngoài những người sống lâu năm ở Sri Lanka, còn có các công nhân, sinh viên và tu sĩ Việt Nam đến học đạo giáo. Công nhân và tu sĩ tập trung ở Negombo, thành phố đông người Công giáo, các nhà sư tu ở chùa Kandy, cách thủ đô 150 km.

Kết hôn với người Sri Lanka, Thơm sống ở đây được 11 năm, hiện làm trong công ty xuất nhập khẩu đá quý và vàng bạc.

"Không ai nghĩ là Sri Lanka có khủng bố, đất nước này rất yên bình", Thơm nói, cho biết vụ khủng bố đầu tiên này khiến mọi người đều choáng váng. Có lẽ vì thế mà lực lượng an ninh thiếu cảnh giác, dù nhận được cảnh báo trước 10 ngày.

Sau khi lệnh giới nghiêm ngày 21/4 hết hiệu lực (từ 18h ngày 21/4 đến 6h sáng 22/4), người dân vẫn được khuyến cáo không tụ tập đông người. Thơm vẫn đi chợ và lo các công việc khác nhưng không đến gần hiện trường để tránh rủi ro. Các trường học dự kiến đóng cửa thêm đến ngày 23/4, bệnh viện phải hoạt động hết công suất, chữa trị cho hàng trăm người bị thương. Chính quyền dự kiến gia hạn thêm lệnh giới nghiêm vì lo ngại có thêm các vụ tấn công khác.

Sri Lanka xác định 8 vụ đánh bom diễn ra gần như đồng thời, nhắm vào giáo dân đi lễ Phục sinh ở nhà thờ và nhiều khách sạn hạng sang tại thủ đô nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka tìm cách trấn an dư luận khi tuyên bố đã bắt 13 nghi phạm, dù chưa nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về loạt vụ tấn công.

Người Việt ở Sri Lanka: 'Tôi vẫn chưa hết sốc'
Cảnh hoang tàn trong nhà thờ Sebastian. Ảnh: CNN.

Theo VNE

Tại sao Sri Lanka đóng cửa mạng xã hội sau vụ đánh bom khủng bố?
Số người chết trong vụ tấn công đẫm máu ở Sri Lanka tăng lên 290
LHQ và Israel bày tỏ cảm thông với Sri Lanka

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc