Người trồng đào thấp thỏm lo “mất Tết”

08:00 | 04/01/2023

629 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, tại các nhà vườn ở Nhật Tân (Hà Nội), người trồng đào đang tất bật chuẩn bị những công đoạn cuối cùng chăm sóc cây để xuất vườn phục vụ khách hàng chơi Tết.

Tâm lý người trồng đào lúc này như ngồi trên đống lửa, chỉ mong thời tiết ủng hộ, lứa đào cuối năm nở đúng hạn, mang lại thành quả xứng đáng với công sức một năm lao động vất vả của bà con.

Đi sâu vào vườn đào Nhật Tân, tôi gặp chị Thuận đang tưới nước, cần mẫn chăm chút từng gốc đào. Chỉ còn gần 19 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, số đào bích này chính là thu nhập của cô trong cả năm dài lao động.

Vườn của chị Thuận có khoảng 800 gốc đào bích, hơn một nửa trong số đó là đào cây còn lại là đào cành; cành nhọn, cành tròn đều có cả.

Chị Thuận chia sẻ, đã bắt đầu tuốt là từ đầu tháng 11 âm lịch và tùy theo từng giống đào, những người nông dân ở đây sẽ áng chừng thời điểm tuốt lá sớm hoặc muộn hơn.

Người trồng đào thấp thỏm lo “mất Tết”
Chị Thuận cần mẫn chăm sóc từng gốc đào.

“Cách đây 1 tháng, không nhiều người đến vườn đặt cây nhưng đến thời điểm hiện tại có rất đông khách đến hỏi thăm, trả giá, đặt trước đào chơi Tết. Thông thường, cứ ngoài rằm tháng 12 âm lịch là không khí tại vườn lúc nào cũng nhộn nhịp, tấp nập người vào ra, mua bán”, vừa nói chị vừa chỉ tay vào những gốc đào đã được khách hàng đặt sẵn, buộc dây đỏ đánh dấu. “Đa phần mọi người đến đây mua đào sớm để chơi từ rằm vì thời điểm sát Tết nhiều người sẽ về quê hoặc đi du lịch nên tâm lý ai cũng muốn tranh thủ sắm sửa, chuẩn bị trước cành đào đón Tết”.

“Giá trị mỗi cây đào bích phụ thuộc vào nhiều yếu tố lắm, từ gốc đào, dáng cây cho đến mật độ nụ hoa và lộc, nên mức giá sẽ dao động từ 2 triệu đến 7-8 triệu đồng. Có những cây vô cùng đặc biệt giá có thể lên đến hàng chục triệu đồng. Đào cành thì rẻ hơn, dao động từ vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng”, chị nói.

Chị Thuận cũng đã mang một số gốc đào đẹp đánh từ vườn ra bày bán dọc tuyến đường Lạc Long Quân để những khách hàng không vào được vườn có thể dừng chân xem và lựa được những cây đào như ý muốn.

Người trồng đào thấp thỏm lo “mất Tết”
Những gốc đào, cành đào cuối vụ chuẩn bị thu hoạch là công sức lao động vất vả cả năm của người nông dân.

Theo chị Thuận, cây đào có trúng hoa hay không phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nếu từ giờ đến Tết lạnh dưới 10 độ C, không có nắng thì đào sẽ không nở mà nắng liên tục mấy ngày hoa bung sớm, người nông dân cũng thất thu. Năm nay lá đào dai hơn mọi năm vì ăn Tết xong ra Giêng mới lập xuân, còn mọi năm tầm giữa tháng 12 đã lập xuân rồi. Thông thường, lập xuân trước Tết đào sẽ nở đều vào đẹp hơn, còn sau Tết thì cây sinh trưởng chậm và hoa không đều. Điều này khiến rất nhiều hộ trồng đào ở Nhật Tân phải đau đáu suy nghĩ, tính toán, chăm bẵm cây cẩn thận để hoa vẫn nở đều và đẹp.

Chị Thuận chia sẻ: “Từ tháng 8 âm lịch, người trồng đào đã phải khoanh thân để cây không lên lá, nếu để lá tốt quá thì cây không có hoa. Tuy nhiên, năm nay mưa nhiều nên nhiều cây khi khoanh thân xong vẫn ra nhiều mắt lá khiến cho những người nông dân lại thêm việc, thêm vất vả”.

Được biết, 800 gốc đào ở vườn nhà chị Thuận năm nay chỉ thu hoạch một nửa, 400 gốc còn lại để dành Tết năm sau. Đây là phương pháp trồng gối, phải chờ đến 2 năm thân đào mới đủ mập, đào đủ già hoa mới đẹp nên mỗi năm chỉ thu hoạch một nửa, lứa cây còn lại chờ sinh trưởng năm sau mới thu hoạch tiếp.

Người trồng đào thấp thỏm lo “mất Tết”
Sắc hoa Nhật Tân.

Ngồi bên bờ tường nghỉ tay, chị Thuận tâm sự, trồng đào như đánh xổ số vậy, hoa có trúng Tết hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố từ thời tiết, công chăm sóc, lượng nước, lượng phân tưới cho cây vào từng giai đoạn sinh trường... Ngày nào chị cũng phải ra vườn để kiểm tra cây, diệt sâu bọ, nhổ cỏ, vài năm lại đảo đất 1 lần, đổ thêm đất mới. Cuối năm, 2 vợ chồng chị lại dựng lều ở vườn thay phiên nhau ngủ trông đào, nói chung là cả năm vất vả, bán mặt cho đất bán lưng cho trời.

Ánh mắt chị đăm đắm hướng về phía nụ hoa đào bích đỏ hồng như muốn trút bầu tâm sự: “Tuy vất vả là vậy, nhưng có đào mới có không khí xuân, tôi làm nhiều năm quen rồi nên không ngại khổ chỉ mong đào nở đúng dịp Tết để những người nông dân như cô có thu nhập, có chút vốn liếng chăm vụ đào sau. Gần Tết mà ông trời giở chứng là bọn tôi khổ tâm lắm, khóc không thành tiếng”.

Người trồng đào thấp thỏm lo “mất Tết”
Sắc hoa Nhật Tân.

Dọc theo con đường đất bãi, ngay sát vườn chị Thuận, tôi có cơ hội gặp và trò chuyện cùng một chủ vườn đào với hơn 40 năm kinh nghiệm làm nghề là ông Mẫn, năm nay 63 tuổi.

Ông Mẫn đặt chiếc cuốc trên tay xuống, lấy chiếc khăn nâu vắt trên cổ lau từng giọt mồ hôi thấm mệt sau một buổi chiều lao động. Ông ngồi xuống cạnh tôi trò chuyện và kể cho tôi nghe về những ngày tháng lần đầu tiên trồng đào mang theo ngọn lửa đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, ấy vậy mà thấm thoắt đã hơn 40 năm bác gắn bó với đất bãi Nhật Tân.

Vườn của ông chủ yếu trồng đào cành với hơn 400 gốc. Trước đây, ông Mẫn trồng cả đào cây, nhưng hiện tại đã có tuổi, nên chỉ trồng đào cành, tuy nhiên sự am hiểu, kinh nghiệm phong phú cùng kiến thức về đào được chắt lọc, tích lũy trong 40 năm qua khó có ai bì được.

Ông Mẫn chia sẻ, trồng đào nuôi thành cây rất dễ nhưng để điều chỉnh cho cây nở đúng Tết thì lại rất khó. Nếu áp dụng khoa học kỹ thuật, đúng thời điểm sẽ cho cây vào trong nhà và điều chỉnh nhiệt độ thích hợp thì cứ đến ngày là hoa nở, đảm bảo đúng hạn. Tuy nhiên, diện tích trồng đào ở Nhật Tân rất lớn, chi phí cho nhà kính và điều hòa rất tốn kém nên người Nhật Tân vẫn trồng đào ngoài bãi mang tính chất tự nhiên nhiều.

Người trồng đào thấp thỏm lo “mất Tết”
Thương lái đến tận vườn để xem cây, trả giá. Nhiều nhà vườn ở Nhật Tân đã được khách hàng đặt mua hết.

Ông Mẫn cho biết, yếu tố thời tiết là cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cây đào và quyết định đào có nở đúng dịp Tết hay không. Trong 10 ngày cuối cùng trước Tết Nguyên đán, đào cành nếu gặp trời nồm thì đang trúng có thể trở thành trượt, nhưng nếu 10 ngày cuối đang non lại gặp trời nồm, gió Đông Nam liên tục, lại hơi nắng một chút thì hoa lại nở rất đẹp. Chính vì vậy, thu nhập cả năm của người trồng đào sẽ quyết định vào 10 ngày cuối năm.

Để giảm thiểu rủi ro về kinh tế, người Nhật Tân sẽ kết hợp xem dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn và xem trăng rằm tháng 8. Đúng 12h đêm nhìn trăng đục hay trong thì sẽ biết được thời tiết những tháng tiếp theo sẽ ấm hay lạnh, từ đó căn thời điểm tuốt lá, nuôi dăm. Dù vậy, thời tiết thay đổi thất thường, hiện tượng biến đổi khí hậu trên toàn cầu nên dự đoán cũng mang tính tương đối.

Bên cạnh đó, người Nhật Tân còn áp dụng thêm bí quyết làm nghề riêng giúp điều chỉnh cây đào nở dài ngày ra. Thông thường cứ 20 ngày là đào cây hết hoa nhưng đào Nhật Tân, đặc biệt là đào đỏ có thể nở hoa kéo dài 1 tháng đến 1 tháng rưỡi; đào cành đến ngày 20 ngày sau vẫn còn hoa. Do đó, người trồng đào kinh nghiệm sẽ chọn những giống đào có hoa dài ngày, vào lứa cuối cùng sẽ điều chỉnh làm sao cho cây kéo dài thời gian nở hoa, nên dù hoa có nở trước Tết, khách hàng vẫn có thể chơi hoa hết mùng 10.

Người trồng đào thấp thỏm lo “mất Tết”
Người nông dân tất bật, chăm sóc đào từ sáng đến tối, hy vọng về một cái Tết ấm no.

Chia sẻ về kinh nghiệm làm nghề, ông Mẫn cho biết, do tựa vào Sông Hồng và Hồ Tây nên chất đất bãi ở Nhật Tân rất phù hợp để trồng đào; đảm bảo thoát nước, thoát lũ tốt; đào phát triển rất nhanh, sắc hoa cũng đẹp hơn nhiều nơi. Theo như kinh nghiệm các cụ truyền lại, cứ vào đầu tháng 7 cho đến tháng 8 âm lịch chính là thời điểm thích hợp để “tiện” cây. Tiện cây sẽ làm cây già hóa, tạo mắt hoa và để cho mắt hoa ngủ, nghỉ. Thời gian ngủ, nghỉ không đủ sẽ khiến hoa nở không đều vì vậy người trồng đào phải tính toán rất cẩn thận khi tiện.

“Năm nay, thời tiết bất lợi, lá đào dai hơn vì khi tiện từ đầu tháng 7-8 lại gặp mưa nhiều nên khoanh không già hóa được cây, lá hồi lại xanh. Nhiều nơi bị ngập, cây không phát triển đúng thời điểm nuôi dăm dẫn đến tình trạng cây bị rụng lá sớm. Do đó, năm nay đào sẽ nở sớm hơn mọi năm”, ông nói.

Người trồng đào thấp thỏm lo “mất Tết”
Anh Thiết cùng bạn bè đến các nhà vườn Nhật Tân để lựa đào cây thế đẹp chơi Tết.

Ông Mẫn chia sẻ, năm nay sức mua của thị trường cao hơn mọi năm. Thương lái đã đến mua đào từ rất sớm, dù cây chưa có hoa nhưng người ta đến chọn dáng để đặt hàng, có người đã đặt mua cả vườn. Xu hướng bây giờ, đào cành, đào vọt sẽ bán chạy hơn, đa số người chơi hoa sẽ chọn mua giống đào bích dù hoa nhanh nở, nhanh tàn nhưng sắc hoa lại nổi bật hơn cả.

Khi được hỏi về giá cả ông Mẫn đáp: “Cây đào là của hàng hoa, nếu hợp với khách thì kể cả đắt đến mấy khách cũng mua để chơi nhưng nếu đã không hợp thì cho không khách cũng không lấy nên việc định giá một cây đào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”.

Cùng suy nghĩ với chị Thuận, ông Mẫn tâm sự: “Mong rằng trong 10 ngày cuối trời không trở lạnh, rét hại đột ngột, hoa không nở sẽ khiến nhiều hộ nông dân mất trắng. Hy vọng thời tiết sắp tới thuận lợi, ủng hộ người nông dân để những cây đào xuất bãi nở hoa đúng ngày đem lại giá trị kinh tế cho người làm nông”.

Minh Đức

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps