Người tố cáo tham nhũng được bảo vệ tính mạng, sức khỏe như thế nào?

18:53 | 16/01/2021

267 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ trưởng Công an ký ban hành Thông tư 145/2020 quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo về hành vi tham nhũng.

Theo Thông tư số 145/2020/TT-BCA, những người được bảo vệ là những người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí; vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí (sau đây gọi chung là người được bảo vệ). Người được bảo vệ đang sinh sống, làm việc, học tập tại nước ngoài không thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư này.

Phạm vi, nội dung bảo vệ người được bảo vệ gồm: Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm. Tài sản được bảo vệ là tài sản thuộc quyền sở hữu của người được bảo vệ. Tài sản của người được bảo vệ tại nước ngoài không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 145.

Người tố cáo tham nhũng được bảo vệ tính mạng, sức khỏe như thế nào? - 1
Ông Lương Xuân Bình - nguyên Phó Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã tố cáo hàng loạt sai phạm tại Dự án đường sắt đô thị Nhổn- ga Hà Nội (Ảnh minh họa).

Quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ thực hiện theo quy định tại Điều 48 Luật Tố cáo. Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, cơ quan công an có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ không chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ trong trường hợp người được bảo vệ tự đề nghị chấm dứt, từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc không chấp hành các nghĩa vụ quy định tại Khoản 2 Điều 48 Luật Tố cáo.

Đồng thời, cơ quan công an các cấp nơi người được bảo vệ có địa chỉ nơi ở hoặc nơi có tài sản, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ; quyết định huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, công cụ, biện pháp và các nội dung đề nghị, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan phối hợp thực hiện việc bảo vệ.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp theo đề nghị, yêu cầu của cơ quan công an các cấp.

Khi nhận được đề nghị, yêu cầu của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí hoặc văn bản đề nghị của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền và xét thấy có căn cứ thì trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, Thủ trưởng Công an các cấp có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.

Trường hợp đề nghị, yêu cầu không có căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ, trong thời hạn 3 ngày làm việc, Thủ trưởng công an các cấp có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, người tố cáo hoặc gửi văn bản thông báo cho người giải quyết tố cáo biết để giải thích rõ lý do cho người tố cáo…

Thông tư số 145/2020/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 15/02/2021.

Theo Dân trí