Người dân vẫn e ngại khi tố cáo tham nhũng

18:42 | 07/01/2020

432 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sáng ngày 7/1, Báo cáo “Phong vũ biểu tham nhũng ở Việt Nam 2019” đã được công bố tại Hà Nội do Tổ chức Hướng tới Minh bạch tổ chức với sự phối hợp của Đại sứ quán Đan Mạch và Phần Lan.
cong bo bao cao phong vu bieu tham nhung o viet nam 2019TP HCM: Tăng cường chống “tham nhũng vặt”
cong bo bao cao phong vu bieu tham nhung o viet nam 2019Kinh doanh liêm chính - Nói “không” với tham nhũng
cong bo bao cao phong vu bieu tham nhung o viet nam 2019“Lợi ích nhóm”, “sân sau” che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn

Tại buổi hội thảo công bố báo cáo, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Tổ chức Hướng tới Minh bạch cho biết, năm 2019, mặc dù nhiều vụ tham nhũng lớn chưa từng có được đưa ra xét xử nhưng tham nhũng vẫn đứng vị trí thứ 4 trong số những mối quan tâm hàng đầu của người dân Việt Nam, trong khi năm 2016 là mối quan tâm thứ 7.

cong bo bao cao phong vu bieu tham nhung o viet nam 2019
Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng Phí Ngọc Tuyển tại Hội thảo Công bố Phong vũ biểu tham nhũng ở Việt Nam năm 2019

49% người dân được khảo sát cho rằng, việc tố cáo tham nhũng không có tác dụng và lo sợ phải gánh chịu hậu quả do tố cáo. Đáng chú ý đa số người dân được khảo sát cho rằng các nhóm lợi ích đang chi phối một cách thiếu minh bạch các chính sách và quyết định của Nhà nước vì lợi ích riêng.

Bà Viễn nói: “Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Theo các nghiên cứu và đánh giá của quốc gia cũng như của quốc tế, tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam, đe dọa sự ổn định chính trị và là trở lực lớn đối vối sự phát triển của đất nước”.

Minh chứng cho điều này, ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2019, với công tác tự kiểm tra nội bộ đã phát hiện 26 vụ và 30 đối tượng tham nhũng; Qua công tác thanh tra phát hiện 69 vụ và 45 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng; Công tác giải quyết khiếu nại và tố cáo cũng đã giúp phát hiện 17 vụ và 37 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng. Bên cạnh đó, qua hoạt động kiểm toán phát hiện, chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn.

So với năm 2018, số vụ tham nhũng phát hiện qua công tác tự kiểm tra nội bộ năm 2019 tăng 1 vụ và 3 đối tượng (25 vụ và 27 đối tượng). Còn số vụ tham nhũng phát hiện qua công tác thanh tra và qua công tác giải quyết khiếu nại - tố cáo giảm tuy nhiên không đáng kể.

Một “kênh” khác cho thấy tham nhũng năm 2019 đang diễn ra phức tạp là từ điều tra, xử lý của các cơ quan tư pháp. Ông Tuyển dẫn chứng, cơ quan Công an đã thụ lý điều tra 423 vụ án, hơn 1.000 bị can về tội tham nhũng, trong đó khởi tố mới 220 vụ, 515 bị can - giảm 0,9% số vụ và tăng hơn 20% số bị can so với cùng kỳ năm trước. Thiệt hại trong các vụ án nói trên là hơn 7.500 tỷ đồng, 22.000 m2 đất.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã thu hồi, phong tỏa được gần 9.500 tỷ đồng, gần 12.000m2 đất và nhiều tài sản khác.

Ông Tuyển cũng cho hay, Viện Kiểm sát các cấp đã truy tố 300/672 bị can. Riêng Viện Kiểm sát tối cao khởi tố mới 12 vụ, 16 bị can về tội danh tham nhũng. Tòa án Nhân dân các cấp cũng đã xét xử sơ thẩm 279 vụ, 614 bị cáo, trong đó có 10 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình và tù chung thân.

Ông Tuyển nhận định: “Năm qua, đã có không ít các vụ tham nhũng lớn, có ảnh hưởng đến hệ thống quản lý Nhà nước và người dân đã nhanh chóng được điều tra, xử lý thể hiện quan điểm “không có vùng cấm” của Đảng, Nhà nước. Để công tác phòng chống tham nhũng tới đây hiệu quả hơn nữa, cần thực hiện các giải pháp cơ bản, trong đó đặc biệt quan trọng xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính và truyền thông để không chỉ những công chức, cán bộ, lãnh đạo trong các bộ máy công quyền… mà cả người dân nhận thức rõ về tham nhũng để trên cơ sở đó phòng và chống tham nhũng”.

Ông Tuyển cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Truyền thông về phòng chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021.

Với vai trò là tổ chức khảo sát, nghiên cứu về phòng chống tham nhũng, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn cũng kiến nghị: "Người dân Việt Nam tin rằng họ có thể tạo sự khác biệt trong cuộc chiến chống tham nhũng. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cùng tất cả các cấp chính quyền cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cũng như hướng dẫn phương thức cùng cơ chế cụ thể để người dân tham gia phòng, chống tham nhũng. Điểm quan trọng nữa là cần bảo đảm cho những người đấu tranh chống tham nhũng sẽ không phải gánh chịu hậu quả tiêu cực khi họ tham gia quá trình này".

Tú Anh