Người Anh hùng mang họ Bác Hồ

10:06 | 18/05/2012

1,602 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày tháng 4, tôi có dịp được trở lại A Lưới mảnh đất Anh hùng trong chiến tranh chống Mỹ, nơi đồng bào các dân tộc đã làm nên nhiều kỳ tích. Nắng vàng ruộm một màu. Nữ Anh hùng Hồ Thị Đơm (Kăn Đơm) là người nhà của Dầu khí PV Oil Thừa Thiên Huế, hớn hở khoe: “A Lưới quê mình hôm nay khác xưa nhiều lắm”.

Một thời dâng hiến

Nghe tin Anh hùng lực lượng vũ trang Ku Tríp vừa về với “Bok Hồ”, người dân A Lưới ai cũng thương nhớ khôn nguôi. Những câu chuyện về một thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Anh hùng Ku Trip thôi thúc chúng tôi tìm đến nhà ông thắp nén nhang tưởng nhớ một trong những người con ưu tú nhất của A Lưới.

Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang Kăn Đơm khi mới 23 tuổi

Riêng tôi còn muốn ghé thăm nữ Anh hùng Kăn Đơm, người mang họ Bác Hồ là Hồ Thị Đơm, khi biết bà cũng mới ra Hà Nội chữa bệnh. Gặp lại bà, sức khỏe yếu đi nhiều, vậy mà bà vẫn giữ được sự hóm hỉnh sâu sắc của một nữ du kích, cán bộ dân vận Pa Kô nổi tiếng năm nào. Mái tóc ngày càng bạc hơn nhưng ánh mắt vẫn kiên định, quật cường. Trò chuyện với bà khiến chúng tôi có cảm giác gần gũi thân thuộc, như thể chính chúng tôi là những người con của mảnh đất này rồi.

Sinh năm 1940 trong một gia đình theo cách mạng, tuổi trẻ của người con gái Pa Cô anh hùng Hồ Thị Đơm (xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế) gắn liền với 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, chống Pháp và Mỹ… Tận mắt chứng kiến nhiều trận càn của địch vào bản làng, thấy máu đồng bào mình đổ, nhà cửa, nương rẫy bị đốt, lòng căm thù giặc trong bà trỗi dậy mãnh liệt, bà nhiều lần xin bố cho vào du kích.

19 tuổi, Kăn Đơm mới được bố chấp thuận và chính thức tham gia vào lực lượng du kích xã Hồng Hạ và lập công ở tuổi 21 trong một tình huống rất đặc biệt. Một lần trong lúc lên rẫy, phát hiện giặc đi càn, bà liền chạy về làng báo tin.

Trong khi các đồng chí bộ đội đang hội ý tác chiến, bà lẻn vào lán bộ đội lấy cây súng trường chạy ra nấp sau một mô đất, thấy 3 lính Mỹ nghênh ngang tiến vào làng, vừa đi vừa xả súng, bà nhắm thẳng vào chúng liên tục lên đạn và xiết cò, 2 tên gục xuống, tên lính Mỹ còn lại đã chĩa súng vào chỗ bà nấp mà xả đạn như vãi trấu. May mà bộ đội lúc này kịp thời đến tiếp ứng, đẩy lùi được trận càn. Và cô du kích Kăn Đơm đã trở thành người phụ nữ dân tộc đầu tiên của huyện A Lưới cầm súng bắn giặc.

Chiến đấu trong đội du kích Hồng Hạ cho đến đầu năm 1961, Anh hùng Kăn Đơm được cấp trên tín nhiệm cử làm Xã đội phó. Đội du kích của xã đã kiên trì bám làng và vận động nhân dân vót chông, làm bẫy giết giặc; phối hợp với bộ đội tổ chức nhiều đợt đánh tỉa, phục kích khiến địch trở tay không kịp và phải rút lui. Những năm 1961-1968 là thời kỳ ác liệt nhất, giặc đổ quân xây dựng hàng loạt đồn bót, sân bay, điên cuồng đánh phá hòng cắt đứt giao thông huyết mạch của đường Hồ Chí Minh.

Năm 1967, Kăn Đơm nhập ngũ vào quân đội và làm việc ở bộ phận trợ lý tác chiến, nhiều lần bà bị thương. Những năm kháng chiến chống Mỹ, bà đã dốc sức người và sức của rất nhiều để phục vụ cho kháng chiến và được tuyên dương Anh hùng. Người nữ anh hùng từng bám trụ trên đèo Mẹ Ơi đã giáng cho địch những đòn chí mạng bằng những bàn chông, mũi lao… tiêu biểu của chiến tranh du kích, cùng đồng bào tăng gia sản xuất cung cấp lương thực cho bộ đội, mưu trí đánh bại nhiều cuộc tấn công của giặc.

Cô gái Pa Kô Anh hùng một thời kháng chiến nay đã là bà cụ tóc bạc trắng, tuổi ngoài 70. Trầm ngâm một lúc, bà kể cho chúng tôi về chuyện tình yêu giữa cô du kích Kăn Đơm và anh bộ đội Kôn Xiên: “Khi mệ làm trợ lý tác chiến, mệ và ông ý đã gặp và đem lòng thương nhau. Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất cũng là lúc hai người tổ chức đám cưới”.

Đại diện Ban lãnh đạo PV Oil Thừa Thiên - Huế tới thăm gia đình nữ Anh hùng lực lượng vũ trang Kăn Đơm

Thắp sáng niềm tin

Sau ngày đất nước giải phóng, những người như bà Kăn Đơm lại trở về với cuộc sống đời thường, góp công xây dựng bản làng, tham gia công tác tại Ban chấp hành Hội Phụ nữ huyện, Hội Cựu chiến binh…

Từ khi bà nghỉ làm các hoạt động xã hội, cuộc sống gia đình đã khó khăn nay càng khó khăn hơn bao giờ hết. Bà đã phấn đấu, phát huy phẩm chất người nữ du kích năm nào để cáng đáng nuôi dạy 10 người con và chồng bà đang lâm trọng bệnh. Gánh nặng cuộc sống, những mưu sinh vất vả đời thường đặt cả lên đôi vai người phụ nữ bé nhỏ ấy. Tự nhủ là trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa lớn cho chồng và các con. Khi cả gia đình chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng, không chỗ bấu víu, bà đã “liều” đi vay ngân hàng chính sách và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 170 triệu đồng để lo chữa bệnh cho chồng.

Tuy nhiên, một lần nữa sự nghiệt ngã của số phận không buông tha gia đình Kăn Đơm. Tháng 6/2010, tai họa đã ập đến, chồng bà đã qua đời và người con trai của bà cũng mắc bệnh và đi theo cha vào tháng 12/2011, để lại cho bà gánh nặng gia đình khi phải nuôi 3 đứa cháu bị bệnh, trong đó có 1 cháu bị thiểu năng trí tuệ và cô con dâu không có việc làm.

Hỏi bà có mong ước gì? Bà cười nhẹ nhàng: Chỉ mong thằng con út có công ăn việc làm ổn định. Cả nhà trông chờ vào nguồn thu nhập 30 nghìn đồng/ngày từ việc cày thuê, cuốc mướn của các con và 3 triệu đồng/tháng tiền chính sách của bà và PV Oil Thừa Thiên – Huế phụng dưỡng trọn đời được 1 triệu đồng/tháng.

Lấy tay lau nước mắt, bà Kăn Đơm xúc động: “Nhờ có Công ty giúp đỡ, hỗ trợ cho gia đình nên có thêm nguồn thu để trang trải các chi phí hàng ngày. Nếu không thì gia đình mệ không biết tính làm sao. Khó khăn chồng chất khó khăn, gia đình vẫn nợ ngân hàng một khoản tiền lớn, chưa biết đến bao giờ mới có thể trả hết nợ”.

Trong căn nhà nhỏ ở thung lũng A Lưới, bà Kăn Đơm nheo mắt nhìn ra phía rừng xanh thẳm. Đã hơn một phần ba thế kỷ đất nước hòa bình, núi rừng được bàn tay người chăm chút cũng đã phục sinh, nhưng trong tâm khảm của bà cái thời khắc lịch sử ấy sẽ còn in đậm và có lẽ cái nghèo cũng sẽ mãi theo bà đến hết cuộc đời. Mong rằng các nhà hảo tâm hỗ trợ phần nào để gia đình bà thoát nghèo.

Không thể đi hết từng gia đình Pa Kô nhưng những nơi chúng tôi ghé đến, gặp những người đã làm nên chiến thắng lịch sử năm nào, giúp quê hương mình thoát khỏi chiến tranh, đói nghèo thật sự khiến chúng tôi tin ở ngày mai của A Lưới. Ngày mai tươi đẹp ấy có công rất lớn của những Anh hùng lực lượng vũ trang là Ku Tríp, Hồ Vai, Hồ Kan Lịch, Hồ A Nul và Hồ Thị Đơm để thắp sáng niềm tin cho người dân của huyện nghèo còn nhiều khó khăn nhưng cũng nổi tiếng bởi truyền thống anh hùng và hiếu học.

Huyện A Lưới có gần 10 nghìn hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 78% (gồm Pa Kô, Tà Ôi, Kơ Tu, Pa Hy…). Trong những năm chiến tranh gian khổ cứu nước, đồng bào các dân tộc tại A Lưới đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phục vụ kháng chiến, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc. Thời chống Mỹ, A Lưới có hơn 15.000 đồng bào dân tộc, thì gần 10.000 người tham gia cách mạng, trong đó có hơn 2.000 người là chiến sĩ quân giải phóng và hàng ngàn dân quân hỏa tuyến… Huyện A Lưới đã được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang, 16/21 xã, thị trấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Lan Hương