Ngòi bút đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển Đông

09:21 | 21/06/2015

1,423 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Gần đây mình làm tuyên truyền tốt hơn chứ trước đây mình chưa coi trọng việc này. Thế giới không rõ thực hư việc tranh chấp trên biển Đông của Trung Quốc và Việt Nam ra sao”, Tướng Huỳnh Đắc Hương nói.

TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU:

>> Tác phẩm đoạt giải A Giải báo chí Quốc gia: Suy ngẫm từ tọa độ nóng

 

Không chỉ riêng Việt Nam mà trên thế giới, nơi nào có “điểm nóng” thì nơi đó có nhà báo. Có thể kể đến hai cuộc chiến tranh trường kỳ chống Pháp và Mỹ mà nhân dân Việt Nam đã trải qua, những nhà báo chiến trường luôn sát cánh cùng lực lượng tiên phong, dùng ngòi bút đấu tranh chống đế quốc và bè lũ tay sai. Nơi hòn tên, mũi đạn, đã có không ít nhà báo hy sinh, nhưng lửa nghề trong họ không hề tắt, mà còn truyền mãi với các thế hệ nhà báo sau này.

Ngày đất nước yên tiếng súng, báo chí tập trung phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội từ gương người tốt, việc tốt đến những mặt trái của xã hội. Cho đến khi Trung Quốc có dã tâm độc chiếm Biển Đông bằng việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 5-2014; liên tục mở rộng quy mô cải tạo, xây đựng các bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, các nhà báo đã lập tức dùng ngòi bút của mình để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Phóng viên Năng lượng Mới - PetroTimes đang tác nghiệp tại vùng biển Hoàng Sa trong sự kiện Trung Quốc hạ đạt trái phép giàn khoan 981.

Danh sách các đoàn nhà báo ra với Trường Sa, Hoàng Sa nối dài như bất tận, người đi hăng hái, người ở nhà thì chăm chú dõi theo, tất cả giống như một trận tuyến mà cả tiền tuyến và hậu phương đều là những người chất chứa lửa nghề.

Những chiếc tàu Trung Quốc phun vòi rồng tấn công tàu ngư dân và lực lượng thực thi nhiệm vụ của Việt Nam là điều không ai muốn thấy trong những bức ảnh, bài báo được các nhà báo chuyển về từ thực địa. Nhưng họ cần phải đưa những thông tin trung thực đó lên mặt báo, cho cả thế giới biết rằng bộ mặt thật của kẻ gây hấn ở Biển Đông.

Những bài báo lên tiếng phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam liên tục được đăng tải. Các chương trình truyền hình, phát thanh trực tiếp về chủ đề biển đảo thông sóng hai miền Bắc - Nam được thực hiện một cách công phu, hoành tráng góp phần bồi đắp thêm tinh thần yêu nước trong mỗi người dân Việt. Nhân dân cả nước thông qua báo chí biết được về cuộc sống còn quá nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn cả về vật chất cũng như tinh thần của anh em chiến sĩ ngoài đảo xa.

Nhân dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Petrotimes xin đăng tải đến bạn đọc những ý kiến của các chuyên gia, tướng lĩnh đánh giá vai trò của báo chí trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ toàn vẹn chủ quyển trên biển Đông.

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - Nguyên Phó chính ủy quân khu Tây Bắc, Cục trưởng Tổng cục Chính trị:

Liên quan đến Biển Đông, Trung Quốc đang cố tình nói nhiều, nói lắm để khẳng định đây là vùng đất của họ, họ cho dân đến ở và họ xây dựng các hệ thống quân sự. Trung Quốc đang khiến thế giới tưởng họ làm đúng và từ đó hợp thức hóa hành động phi pháp của mình.

Dùng ngòi bút đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển Đông

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Nguyên Phó chính ủy quân khu Tây Bắc - Cục trưởng Tổng cục chính trị.

Chính vì vậy, báo chí Việt Nam phải khẳng định được vai trò to lớn của mình trong công cuộc tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Theo ông, Việt Nam không chỉ đấu tranh bằng pháp lý, bằng ngoại giao mà cần mạnh mẽ về mặt tuyên truyền để người dân Việt Nam cũng như bạn bè thế giới lên tiếng phản đối về hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông.

“Gần đây mình làm tuyên truyền tốt hơn chứ trước đây mình không coi trọng việc này. Bản thân thế giới không rõ thực hư thế nào, không rõ tranh chấp trên biển Đông của Trung Quốc và Việt Nam ra sao. Bây giờ mình có cái lợi là cả thế giới đều phản ứng chuyện này, cả nhiều nước lớn cũng có ý kiến, kể cả Mỹ cũng cương quyết phản ứng”, ông nói.

Theo lời tướng Hương, khi thế giới chưa hiểu hết bản chất tình hình Biển Đông thì chúng ta phải nói. Nói để thế giới hiểu và chia sẻ. Việt Nam phải chứng minh rằng đây là cuộc đấu tranh liên tục và lâu dài để bảo vệ lẽ phải. Việt Nam không dùng súng đạn mà cần dùng lời nói, sự căm phẫn để thể hiện cuộc đấu tranh trong hòa bình.

“Chúng ta nên khuyến khích người dân tiếp cận thông tin chính thức qua báo chí. Bởi Việt Nam cần phải đấu tranh bằng pháp lý, bằng con đường ngoại giao và qua báo chí để tăng cường tuyên truyền cho người dân trong nước nhân dân thế giới hiểu rõ bản chất và lên án hành động sai trái của Trung Quốc”, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Bá DiếnChủ tịch hội đồng Viện nghiên cứu Khoa học biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hải đảo quốc tế:

"Trong bối cảnh rất phức tạp hiện nay, nhất là việc Trung Quốc cũng dùng sức mạnh truyền thông làm công cụ để phục vụ mưu đồ độc chiếm Biển Đông bằng cách tung hô những luận điểm sai trái về chủ quyền vô lý của họ thế giới, việc chúng ta cũng nên bồi dưỡng và phát triển thêm đội ngũ những nhà báo, phóng viên đủ trình độ, kiến thức về luật Biển cũng là vấn đề đáng lưu tâm và rất cần thiết.

Dùng ngòi bút đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển Đông

PGS.TS Nguyễn Bá Diến – Chủ tịch hội đồng Viện nghiên cứu Khoa học biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hải đảo quốc tế.

Ngoài việc nước này sử dụng các phương tiện truyền thông tuyên truyền sai sự thật về chủ quyền để đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế, Trung Quốc còn sử dụng cả con bài pháp lý. Họ thừa biết mình đuối lý nên từ lâu đã tập hợp nhiều chuyên gia am hiểu luật pháp quốc tế để “giải quyết” các “tranh chấp” của họ với các nước láng giềng bằng những thứ chứng cứ ngụy tạo”.

“Những bằng chứng giả, luận điệu sai trái được Trung Quốc tận dụng nhằm làm mờ đi một sự thật rằng, điểm cực nam của nước này chỉ tới đảo Hải Nam.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền, cần thiết phải trau dồi thêm cho phóng viên các kiến thức về luật Biển để có những bước đi phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước”, PGS. TS Nguyễn Bá Diến nói.

Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc GiaoViện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển:

Với những diễn biến mới nhất trên Biển Đông hiện nay, Việt Nam phải thật sự tỉnh táo và lựa chọn cho mình những bước đi phù hợp mà đủ sức mạnh pháp lý nhất. Đặc biệt báo chí cần mạnh mẽ phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam tại vùng nước nội thủy để cho thế giới biết. Trung Quốc đã vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế.

Dùng ngòi bút đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển Đông

Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển.

Trước câu hỏi cho rằng việc Trung Quốc đang ráo riết tập hợp và cho thành lập những “biệt đội” gồm các chuyên gia am hiểu luật pháp quốc tế để chuẩn bị cho việc tăng cường xử lý các tranh chấp “bằng luật” giữa Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực, Luật sư Hoàng Ngọc Giao khẳng định: “Việc Trung Quốc tập hợp các chuyên gia luật rồi tuyên truyền rằng đó là chủ quyền của họ đã có từ nhiều năm nay rồi chứ không phải bây giờ họ mới làm. Họ còn thành lập một trung tâm tuyên truyền về biển ngay tại nước Mỹ”.

“Việc cho ra đời những bản luận án tiến sĩ rởm, theo đó họ cắt xén lịch sử một cách thô bạo nhằm phục vụ cho cái luận điểm khẳng định chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã là điều nhiều người nhìn rõ. Đây là điểm mà chúng ta còn thiếu khi trên các diễn đàn học thuật vẫn còn ít những cuộc hội thảo quốc tế có sự góp mặt của các học giả quốc tế”, TS Hoàng Ngọc Giao nói.

Luật sư, TS Hoàng Ngọc Giao kiến nghị: “Trong thời gian tới, Quốc hội cần ban hành một nghị quyết riêng về Biển Đông trong bối cảnh nóng bỏng hiện nay tại vùng biển này. Những hành vi xâm phạm và ngang ngược của Trung Quốc đã quá rõ ràng, cử tri cả nước đang rất quan tâm cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thể hiện rõ thái độ cũng như chủ trương của Đảng, Nhà nước trước vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

“Nếu chúng ta không có hành động quyết liệt, mạnh mẽ ít nhất là về mặt ngoại giao pháp lý thì sẽ tạo cho Trung Quốc cơ hội để lấn tới, dần hiện thực hóa yêu sách đường 9 đoạn phi pháp trên Biển Đông. Khi đó, Việt Nam sẽ gặp vô vàn khó khăn trong công cuộc bảo vệ chủ quyền của mình”, TS Hoàng Ngọc Giao cho biết thêm.

Thảo Phượng (Thực hiện)

(Năng lượng Mới)

TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU:

>> Tác phẩm đoạt giải A Giải báo chí Quốc gia: Suy ngẫm từ tọa độ nóng