Ngoại giao kinh tế góp phần đưa kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu vượt 500 tỷ USD

18:37 | 15/01/2020

259 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, các đại sứ quán, các nhà ngoại giao Việt Nam đã tham gia tích cực vào việc quảng bá các thương hiệu, sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng nông nghiệp, ra thế giới.
Ngoại giao kinh tế góp phần đưa kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu vượt 500 tỷ USD
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn báo chí ngày 14/1. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam)

Trong cuộc phỏng vấn báo chí cuối năm Kỷ Hợi, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có những chia sẻ về công tác đối ngoại Việt Nam trong năm 2019 và các định hướng trong năm 2020.

Nâng tầm quan hệ đa phương

Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, nhìn lại năm 2019 vừa kết thúc, một điều đáng mừng là hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta hết sức thành công và tích cực. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động, cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn cũng như bất ổn tại các khu vực, Việt Nam tiếp tục duy trì phát triển quan hệ với tất cả các nước, đặc biệt là sự phát triển ổn định quan hệ với các nước lớn, các nước quan trọng, các nước láng giềng trong khu vực.

“Chúng ta không những làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện mà còn mở rộng thêm với hai nước là đối tác toàn diện, chiến lược. Chúng ta đã nâng tổng số quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam lên với 30 nước. Với xu thế đó, chúng ta tiếp tục mở rộng quan hệ thêm với các nước”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh vui mừng nói.

Dấu ấn thứ hai là việc nâng tầm quan hệ đa phương của Việt Nam. Việc này được triển khai ngay từ đầu năm 2019, đó là việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội. Đây không đơn thuần là một sự kiện, mà hàm chứa việc Việt Nam đã vượt ra khỏi những vấn đề trực tiếp liên quan đến lợi ích của đất nước, sẵn sàng đóng góp vào công việc chung là vấn đề đem lại hòa bình, ổn định ở khu vực bán đảo Triều Tiên. Việc này còn thể hiện rằng Việt Nam đã chủ động tích cực, sẵn sàng tham gia, có thể tạm gọi là vai trò hòa giải.

“Thông qua sự kiện, chúng ta đã quảng bá Việt Nam ra thế giới. Hàng nghìn phóng viên báo chí đã đến Việt Nam. Các hãng thông tấn lớn trong khi đưa tin về hội nghị, cả văn hóa ẩm thực, con người cũng như phong cảnh của Việt Nam ra bên ngoài. Có lẽ chưa bao giờ chúng ta có thể đưa được những hình ảnh văn hóa hay ẩm thực trên những chương trình tivi lớn của thế giới như vậy. Sau sự kiện đó, rất nhiều người ở nhiều nước đã biết đến phong cảnh, văn hóa, và tăng cường du lịch đến Việt Nam”, Phó thủ tướng nói.

Theo ông, việc Việt Nam được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) với số phiếu có thể nói là cao nhất trong lịch sử bỏ phiếu của LHQ cũng thể hiện sự đánh giá vai trò, vị thế Việt Nam. Các nước nhìn thấy vai trò, vị thế, thấy khả năng và trách nhiệm của Việt Nam có thể làm được.

Phó thủ tướng đánh giá, Việt Nam gia nhập Hội đồng Bảo an vào một thời điểm hết sức khó khăn, nhưng đó cũng là cơ hội cho thể hiện vai trò, trách nhiệm, đóng góp vào những vấn đề chúng ta có thể đóng góp. Ngay tháng đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã là Chủ tịch của Hội đồng Bảo an. Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ, chỉ trong một vài ngày đầu Việt Nam đã được đánh giá cao, thể hiện khả năng, trách nhiệm của chúng ta.

"Vừa qua, tôi đã chủ trì phiên Thảo luận mở của Hội đồng Bảo an LHQ. Một điều rất đáng mừng và không ít ngạc nhiên là chủ đề mà chúng ta đề xuất đã được các nước tham gia với một số lượng cao kỷ lục, 110 nước. Điều đó cho thấy chủ đề chúng ta đặt ra, đề xuất của Việt Nam là rất phù hợp và đúng thời điểm. Các nước thấy rằng hơn bao giờ hết càng phải nâng cao vai trò, tầm quan trọng của Hiến chương LHQ", ông nói.

Theo Phó thủ tướng, Hội đồng Bảo an từng có các cuộc thảo luận về các khía cạnh liên quan đến Hiến chương LHQ, nhưng lần này, cuộc thảo luận diễn ra đúng vào thời điểm các nước thấy rằng Hiến chương hiện nay đang bị một số nước có thể là không tôn trọng; việc chúng ta nêu quan điểm là các nước, đặc biệt là các ủy viên của Hội đồng Bảo an LHQ phải là những nước đi đầu tôn trọng Hiến chương. Điều này đáp ứng suy nghĩ chung của các nước thành viên khác và họ tham gia phát biểu rất tích cực. Điều đó cũng cho thấy Việt Nam đã đi vào đúng hướng dòng chảy cũng như lợi ích của các nước, tạo được sự quan tâm của các nước đối với chủ đề của Việt Nam.

Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Việt Nam may mắn khi cùng lúc vừa là Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 1 và bắt đầu Chủ tịch của ASEAN. Việt Nam đã đề xuất một sáng kiến là tổ chức thông tin về ASEAN với Hội đồng Bảo an. Đây là lần đầu tiên tại Hội đồng Bảo an LHQ tổ chức thông tin về ASEAN, nhằm tăng cường quan hệ của ASEAN với Hội đồng Bảo an và các tổ chức của LHQ. Lần đầu tiên tại Hội đồng Bảo an có cuộc trao đổi như vậy, cùng lúc nâng cao vai trò, hình ảnh của ASEAN tại LHQ.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu vượt ngưỡng 500 tỷ USD

Chia sẻ về nhiệm vụ ngoại giao kinh tế - một trong 3 trụ cột quan trọng trong đối ngoại, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay trong năm 2019, nền kinh tế của Việt Nam đạt những thành tựu rất nổi bật, thể hiện qua các con số như đây là lần đầu tiên Việt Nam vượt mức xuất nhập khẩu trên 500 tỷ USD, đạt mức 517 tỷ USD. Đó là sự đóng góp chung của cả nền kinh tế, trong đó có kinh tế đối ngoại trong việc thúc đẩy thực hiện các cam kết trong hiệp định thương mại tự do.

Việt Nam tiếp tục duy trì được quan hệ với các nước có nền kinh tế mạnh. Thương mại với Mỹ tiếp tục tăng trưởng, năm 2019 tăng trên 24% so với 2018. Quan hệ thương mại của Việt Nam với Trung Quốc trên 105 tỷ USD, tăng trưởng khoảng trên 8% so với năm 2018. Kết quả này có đóng góp của ngoại giao kinh tế nhằm thúc đẩy mở rộng thị trường và khai thác thị trường.

"Các đại sứ quán, các nhà ngoại giao của chúng ta cũng tham gia tích cực vào việc quảng bá các thương hiệu, sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng nông nghiệp ra thế giới. Và như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói là có những “Đại sứ xoài”, “Đại sứ thanh long” v.v... Đó là những đóng góp của ngoại giao kinh tế", Phó thủ tướng nói.

Chủ quyền là vấn đề thiêng liêng

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, Biển Đông là vấn đề quan tâm chung của tất cả các nước, là đường biển hết sức quan trọng về thông thương hàng hóa liên quan đến tất cả các nước, không chỉ các nước trong khu vực. Đương nhiên đối với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, vấn đề chủ quyền là vấn đề thiêng liêng, chúng ta phải bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam, cũng như tất cả các nước cũng đều có nhiệm vụ như vậy.

Theo Phó thủ tướng, vấn đề quan trọng là các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước Luật Biển 1982. Khi Việt Nam tham gia vào Hội đồng Bảo an LHQ, cũng như các tổ chức quốc tế khác, Việt Nam luôn nêu cao vấn đề tăng cường chủ nghĩa đa phương, tức là các cơ chế đa phương, và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Ở Biển Đông cũng vậy. Nếu các nước tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước Luật Biển 1982 và giải quyết các vấn đề thông qua biện pháp hòa bình thì sẽ đảm bảo được hòa bình. Nhưng nếu diễn ra các hoạt động vi phạm chủ quyền của các nước, đương nhiên là các nước ASEAN sẽ có một lập trường chung là phải đấu tranh, bảo vệ chủ quyền và yêu cầu phải tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982, ông nhấn mạnh.

Về dự báo tình hình thế giới năm 2020, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng chắc chắn năm 2020 sẽ còn khó khăn, bất ổn; nhất là tình hình kinh tế dự báo chiều hướng tiếp tục khó khăn, trong đó vấn đề thương mại toàn cầu sẽ chịu tác động.

“Những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, tình hình thế giới khả năng vẫn còn nhiều bất ổn khó lường ở các khu vực chưa giải quyết được vì chưa có các giải pháp căn cơ để giải quyết, nhất là khu vực Trung Đông, khu vực châu Phi... là những vấn đề mà trong năm 2020 mà chúng ta chắc chắn là phải đối phó”, ông nói.

Theo Dân trí