Nghe “Sóng” hát nhạc Trịnh

18:09 | 21/03/2013

2,354 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Họ là một nhóm nhạc không chuyên, tạo ra “Sóng” vì tình yêu nhạc Trịnh Công Sơn. Đó là một Richard Fuller người Mỹ đã sống ở Việt Nam hơn 10 năm; một ca sĩ Thủy Tiên bị khuyết giọng nói; Thế Vinh chơi ghi-ta và thổi harmonica cực hay chỉ một tay cùng một Hà Chương bị khiếm thính chơi đàn bầu điêu luyện.

Richard Fuller hay còn gọi là Rick Phú đã 65 tuổi, là người Mỹ đã sống ở Việt Nam, hát và dịch nhạc Trịnh Công Sơn. Đến Việt Nam từ những năm 1969 với công việc của chàng kỹ sư canh nông theo đoàn chí nguyện quốc tế sang Việt Nam chuyên nghiên cứu các giống lúa chống rầy ở các tỉnh miền Trung.

Rick Phú đang hát Diễm xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Năm 1970, Richard Fuller gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Đà Lạt và đó cũng là lần đầu tiên ông nghe bài hát Diễm xưa của Trịnh qua tiếng hát Khánh Ly. Từ đó ông mê nhạc Trịnh Công Sơn và cố gắng tập hát nhạc Trịnh. Nhưng trước khi hát được thì ông phải học được tiếng Việt và tình yêu Việt Nam đã bắt đầu từ những ca từ mà ông cố công tìm hiểu ý nghĩa của nó.

Năm 1971, Richard về Mỹ một thời gian, tham gia phong trào phản chiến đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Năm 1973, ông quay lại Việt Nam và trở về Mỹ trước ngày miền Nam giải phóng 2 tuần. 20 năm sau, ông mới quay lại và gặp Trịnh Công Sơn, nghe ông hát tại nhà riêng trên đường Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM).

Richard từng nói, dù chỉ là một kỹ sư canh nông, suốt đời đi khắp thế giới để nghiên cứu các giống lúa nhưng cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam đã làm ông đau đớn vì ông luôn xem mình như là người Việt Nam. Và không có nơi nào ông yêu như yêu Việt Nam. Ông đã chọn Việt Nam làm nơi chốn trở về ở tuổi xế chiều trong một căn nhà nhỏ bên bờ kênh Nhiêu Lộc, và vẫn hát nhạc Trịnh như một nỗi đam mê suốt đời hơn 10 năm nay.

Nhóm "Sóng" đang thể hiện ca khúc Diễm xưa

Ca sĩ Thủy Tiên là một gương mặt thường xuyên hát trong các đêm tưởng nhớ Trịnh Công Sơn kể từ khi nhạc sĩ tài hoa này qua đời. Nhà có 8 anh chị em, mồ côi cha từ lúc 2 tuổi, lên 7 tuổi Thủy Tiên đã biết giúp mẹ buôn bán nuôi gia đình. Nhưng định mệnh trớ trêu khi cô bé Thủy Tiên bị chứng bệnh noma khi lên 8 tuổi (hay còn gọi là cam tẩu mã- ăn dần miệng và môi). Thủy Tiên trải qua 8 lần phẫu thuật và cuối cùng bị mất giọng nói. Những tưởng cánh cửa cuộc đời đổ sập trước mắt, nhưng không, Thủy Tiên đã vượt lên chính mình với tình yêu âm nhạc. Chị tự tập nói để hát bằng cách chui vào trong lu nước vì quá mê nhạc Trịnh. Sự khổ luyện của chị đã thành công. Thủy Tiên đã làm lay động bao tâm hồn khi hát nhạc Trịnh.

Ca sĩ Thủy Tiên

Còn Thế Vinh, đã 42 tuổi nhưng bị mất cánh tay phải từ nhỏ. Năm 8 tuổi, trong một lần đi chăn trâu, cậu bé mồ côi Thế Vinh ngã từ lưng trâu, bị gãy tay, phải cưa tay. Sau này vì mê đàn mà Thế Vinh bỏ ra 3 năm để tự tìm cách chơi đàn ghi-ta một tay và thổi harmonica. 

Thế Vinh chơi đàn ghi-ta và thổi harmonica bằng tay trái

Và Hà Chương, đã 29 tuổi, cũng là một cậu bé con nhà nghèo bị khiếm thính từ lúc lên 2 tuổi. Sau này, tự mưu sinh để nuôi bản thân ăn học. Rất mê nhạc, Hà Chương bắt đầu sáng tác từ lúc 15 tuổi và đã tốt nghiệp thủ khoa Viện Quốc gia Âm nhạc Việt Nam. Từng đoạt 8 huy chương vàng về ca và đàn bầu ở các kỳ thi quốc gia và tỉnh. Nay Hà Chương vừa là nhạc sĩ sáng tác nhạc vừa là ca sĩ và có khả năng chơi nhiều loại đàn như đàn bầu, ghi-ta và cả đàn dương cầm.

Hà Chương chơi đàn bầu

Quả là những tấm gương và tài năng rất đáng khâm phục. Tất cả họ đều chung một tình yêu nhạc Trịnh mà tìm đến với nhau. Nghe “Sóng” hát nhạc Trịnh rất hay và dạt dào cảm xúc. Điều đó thêm một lần nữa chứng tỏ nhạc Trịnh có một giá trị đặc biệt, vượt không gian – thời gian, và lay động bao tâm hồn trong cuộc đời này.

Thanh Thanh