Ngành sản xuất Trung Quốc 'thấm đòn' chiến tranh thương mại

05:59 | 02/10/2018

254 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một số chỉ số bắt đầu suy giảm nhưng chuyên gia của chính phủ Trung Quốc vẫn cho đây là ảnh hưởng chưa đáng kể với kinh tế vĩ mô.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) chính thức tháng 9/2018 do chính phủ Trung Quốc công bố ghi nhận mức thấp nhất trong hai năm qua, không tính các tháng nghỉ lễ. Tờ Nikkei Asian Review nhận xét, đây là chỉ báo cho thấy ngành sản xuất nước này bắt đầu chịu tác động của căng thẳng thương mại với Mỹ.

So với tháng 8/2018, chỉ số sản xuất giảm 0,5 điểm, xuống còn 50,8 điểm, tức ngay trên ngưỡng 50 điểm. Kết quả này thấp hơn dự đoán trung bình của các nhà phân tích là 51,2 điểm. Nó cũng cho thấy mức tăng trưởng tháng thấp nhất kể từ tháng 9/2016, không tính các tháng bị ảnh hưởng bởi Tết Nguyên đán.

Ngành sản xuất Trung Quốc 'thấm đòn' chiến tranh thương mại
Diễn biến chỉ số PMI Trung Quốc theo công bố của chính phủ (xanh đậm) và của Caixin (xanh nhạt).

Trong khi đó, chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm đến 1,4 điểm, còn 48 điểm. Đây là tháng thứ tư liên tiếp chỉ số này dưới 50 điểm. Nhà nghiên cứu Zhang Liqun tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Quốc vụ viện Trung Quốc cho rằng, đây là báo hiệu cho sự sụt giảm của xuất khẩu trong tương lai.

Dữ liệu cho thấy các hợp đồng đầu ra máy công cụ, đồ nội thất, kim loại màu bị ảnh hưởng. Nhiều ngành công nghiệp có dấu hiệu chậm lại bởi gói thuế quan đánh lên số hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD của Mỹ, được triển khai từ tháng Bảy đến tháng Chín vừa qua.

Chỉ số PMI do Caixin công bố cùng ngày cũng ghi nhận mức giảm 0,6 điểm, còn 50 điểm. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017. Không giống như chỉ số PMI do chính phủ Trung Quốc công bố, chỉ số của Caixin có mẫu khảo sát bao gồm nhiều nhà xuất khẩu thuộc khu vực tư nhân.

Dữ liệu về việc làm cũng tạo ra những quan ngại. Chỉ số việc làm chính thức giảm 1,1 điểm, xuống còn 48,3 điểm, thấp nhất kể từ tháng 7/2016, không tính tháng có Tết Nguyên đán. Sự sụt giảm được lý giải là do xuất khẩu yếu đi, môi trường pháp lý và huy động vốn khó khăn, tình hình phá sản của các công ty.

Phát biểu với doanh nghiệp tại tỉnh Chiết Giang hôm thứ Sáu tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết sẽ tinh giảm quy định, cắt giảm thuế phí. Trung Quốc đang xem xét cắt giảm và đơn giản hóa thuế giá trị gia tăng, tái cơ cấu giá điện và vận chuyển.

Các thay đổi về chính sách thuế thu nhập từ ngày 1/10 và đợt tới vào tháng 12 được dự báo sẽ làm giảm thu ngân sách nước này khoảng 6,6 tỷ USD. Bù lại, nó có tác dụng giải tỏa bớt gánh nặng thuế cho doanh nghiệp và duy trì công ăn việc làm.

"Điều quan trọng là làm thế nào để phản ứng hiệu quả với cuộc chiến thương mại," Long Guoqiang - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển nói hôm 3/9. Ông cũng nhấn mạnh chính phủ nước này đã thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo nền kinh tế có thể ứng phó với giai đoạn khó khăn này.

"Chưa có tác động kinh tế vĩ mô đáng kể với Trung Quốc", ông nhận xét.

Theo VnExpress.net

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi theo “con đường” Mao Trạch Đông
Trump: Chiến tranh thương mại không ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: "Công nghệ rác thải" và "vốn ô nhiễm" tăng tốc vào Việt Nam
Trung Quốc sẽ chịu cú sốc kinh tế nếu Mỹ áp thêm thuế