Ngành năng lượng Trung Quốc học hỏi từ OPEC để sinh tồn

16:17 | 10/12/2024

508 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời của Trung Quốc đang dần nhận ra rằng họ cần kiềm chế sản lượng để có thể tồn tại.
Ngành năng lượng Trung Quốc học hỏi từ OPEC để sinh tồn
Bên trong một cơ sở sản xuất pin mặt trời ở Trung Quốc. Ảnh AFP

Hơn 30 công ty hàng đầu trong ngành năng lượng mặt trời đã ký kết một chương trình tự điều chỉnh tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Công nghiệp Quang điện Trung Quốc (CPIA) vào tuần trước. Thỏa thuận này được xây dựng dựa trên cách Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quản lý nguồn cung dầu. Theo truyền thông địa phương, các công ty sẽ được cấp hạn ngạch sản xuất cho năm sau, dựa trên thị phần hiện tại, công suất sản xuất và nhu cầu dự kiến.

CPIA đã từ chối bình luận về thỏa thuận này.

Thỏa thuận này xuất hiện trong bối cảnh ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất, căng thẳng địa chính trị gia tăng và nhu cầu suy giảm. Các công ty tập trung vào việc vượt qua giai đoạn khó khăn này, với niềm tin rằng ít nhất phải hơn một năm nữa lợi nhuận mới có thể hồi phục.

Thỏa thuận này đánh dấu một sự thay đổi đáng kể so với những năm cạnh tranh khốc liệt đã khiến ngành này kiệt quệ, đồng thời kéo giá xuống và nâng cao chất lượng sản phẩm, biến năng lượng mặt trời trở thành nguồn năng lượng rẻ nhất và phát triển nhanh nhất hiện nay.

Còn quá sớm để đánh giá liệu các hạn ngạch này có thể thành công trong một ngành công nghiệp phân mảnh và cạnh tranh như vậy hay không. Nhưng một điều rõ ràng là sự tuyệt vọng đằng sau động thái này, theo những bình luận của các giám đốc điều hành ngành năng lượng mặt trời tại hai sự kiện lớn vào tuần trước – Hội nghị Thượng đỉnh BloombergNEF ở Thượng Hải và hội nghị của CPIA tại Yibin, Tứ Xuyên.

Phát biểu tại sự kiện ở Thượng Hải, Xing Guoqiang, Giám đốc Công nghệ của công ty Tongwei, cho biết: “Từ khóa cho năm tới là sống sót. Năm 2025 sẽ rất khó khăn đối với nhiều công ty trong việc vượt qua giai đoạn này”.

Nguyên nhân gốc rễ của những khó khăn trong ngành bắt nguồn từ việc xây dựng hàng loạt nhà máy kể từ năm 2021, dẫn đến tình trạng dư thừa công suất nghiêm trọng, đặc biệt ở Trung Quốc, nơi chiếm hơn 80% sản lượng toàn cầu. Hiện nay, công suất sản xuất là hơn 1.100 gigawatt (GW) tấm pin mỗi năm – gần gấp đôi lượng dự kiến lắp đặt toàn cầu vào năm 2024 và thậm chí nhiều hơn so với nhu cầu cho đến năm 2035, theo dự báo của BloombergNEF.

Năng lượng mặt trời không phải là ngành duy nhất ở Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong những thập kỷ qua đã dẫn đến việc đầu tư quá mức, hiện vượt xa nền kinh tế đang chững lại tại nước này. Từ ngành luyện đồng, sản xuất thép đến lọc dầu, các ngành công nghiệp trên khắp cả nước đều phải đối mặt với vấn đề này: Mọi người đều đồng ý cần đóng cửa nhà máy, nhưng không ai muốn là người tiên phong.

Niềm hy vọng của ngành năng lượng mặt trời là nhu cầu tăng vọt đối với sản phẩm của họ, nhưng điều này đang suy giảm. Lắp đặt toàn cầu đã tăng 76% trong năm 2023 và dự kiến sẽ tăng thêm 34% trong năm nay, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại chỉ còn 8% vào năm 2025, theo BloombergNEF. Các căng thẳng thương mại cũng là một yếu tố, buộc các công ty Trung Quốc phải xây dựng nhà máy ở những quốc gia như Mỹ, Ấn Độ và Indonesia để tránh các mức thuế ngày càng cao.

Dư thừa công suất đã buộc các công ty phải giảm giá, nhiều trường hợp hạ giá dưới mức chi phí sản xuất. Công ty Longi Green Energy Technology, trước đây là nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất, dự kiến sẽ báo lỗ ròng gần 1 tỷ USD trong năm nay, sau khi đạt lợi nhuận hơn 1,7 tỷ USD vào năm 2023. Hầu hết các giám đốc điều hành đều cho rằng tình hình sẽ không cải thiện cho đến nửa cuối năm 2025, mặc dù một số người thậm chí còn bi quan hơn.

“Xét về mức công suất hiện tại, có thể phải mất ít nhất ba năm nữa để các phân khúc wafer và module chạm đáy”, Zhang Longgen, Chủ tịch công ty United Solar Polysilicon, phát biểu tại Thượng Hải.

Tại Yibin, một thành phố ở tây nam Trung Quốc, nơi Hiệp hội Công nghiệp Quang điện Trung Quốc (CPIA) tổ chức một cuộc họp với báo chí, sự căng thẳng đã lộ rõ. Trong sự kiện này, CPIA đã chỉ trích các phóng viên vì chỉ tập trung vào các tin tức tiêu cực và kêu gọi họ hãy hỗ trợ quảng bá cho ngành công nghiệp.

Các công ty năng lượng mặt trời vốn quen thuộc với những bài viết tích cực hơn. Ngoài việc sản xuất năng lượng sạch – yếu tố then chốt để chiến đấu với biến đổi khí hậu, họ còn nổi tiếng với trình độ kỹ thuật vượt trội, giúp giảm chi phí hơn 90% trong thập kỷ qua. Điều này đã dẫn đến sự tăng trưởng đáng kinh ngạc. Năm 2014, thế giới chỉ có chưa đến 200 gigawatt tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt. Nhưng đến cuối năm nay, con số đó dự kiến sẽ vượt 2.200 gigawatt, theo BloombergNEF.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng tạo ra những doanh nghiệp trị giá hàng tỷ đô la, đồng thời khiến nhiều công ty phá sản. Chẳng hạn như, Suntech Power Holdings Co. và Yingli Green Energy Holding Co., những nhà sản xuất tấm pin hàng đầu thế giới vào đầu thập niên 2010, đều không còn tồn tại.

Bài học tại Yibin là làm thế nào để tránh lặp lại lịch sử đó. Các giám đốc điều hành nhấn mạnh sự cần thiết phải kiềm chế sản suất và tránh cạnh tranh khốc liệt, đồng thời lấy OPEC làm hình mẫu trong việc quản lý giá cả. Tuy nhiên, một số người vẫn hoài nghi liệu các công ty có tuân thủ những quy tắc mới hay không.

“Nếu anh đưa ra cam kết, làm thế nào để thực sự thực hiện nó?”, Lu Chuan, chủ tịch công ty Chint New Energy Technology Co., đặt câu hỏi. “Làm thế nào để đạt được sự thống nhất và áp dụng các biện pháp trừng phạt khi không có tính tự giác? Tôi nghĩ đây sẽ là những vấn đề cần tiếp tục được thảo luận trong tương lai”, ông nói thêm.

Dẫu vậy, thỏa thuận này ít nhất cũng có thể giúp giảm thiểu tổn thất trong ngành và có khả năng đẩy giá lên cao. Câu hỏi giờ đây là các công ty sẽ thực hiện kế hoạch này hiệu quả ra sao.

“Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên OPEC mới, nơi các phân tích cung cầu truyền thống có thể không còn phù hợp nếu việc thực thi được đảm bảo”, nhà phân tích Alan Lau của Jefferies Financial Group Inc. nói trong một báo cáo.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết nước này còn chỗ để tăng vay nợ và thâm hụt ngân sách vào năm 2025, trong bối cảnh các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ liệu Bắc Kinh có sử dụng nguồn lực tài khóa của mình để tăng cường kích thích kinh tế trong cuộc họp quan trọng vào tuần tới hay không.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã mở rộng dự trữ vàng vào tháng 11, chấm dứt khoảng lặng kéo dài 6 tháng trong việc mua sắm sau khi giá vàng đạt mức cao kỷ lục.

Các yếu tố quan trọng, đặc biệt là các bước đi tài khóa, vẫn còn thiếu trong gói kích thích kinh tế của Trung Quốc. Đồng thời, vẫn chưa rõ liệu chính sách năm tới sẽ được triển khai mạnh mẽ ra sao để thúc đẩy tăng trưởng và bảo vệ nền kinh tế nước này trước mức thuế cao hơn từ Mỹ. Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, dự kiến diễn ra từ ngày 11-12/12, sẽ thiết lập định hướng chính sách, theo Bloomberg Economics.

Thấy gì từ Thỏa thuận năng lượng Trung Quốc – Peru?Thấy gì từ Thỏa thuận năng lượng Trung Quốc – Peru?
Trung Quốc thắt chặt quản lý độc quyền về dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và năng lượngTrung Quốc thắt chặt quản lý độc quyền về dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và năng lượng
Sinopec đưa ra dự báo về ngành năng lượng Trung QuốcSinopec đưa ra dự báo về ngành năng lượng Trung Quốc

Nh.Thạch

AFP