Ngành Điện trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

06:00 | 07/09/2022

673 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Xây dựng hệ thống điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối an toàn với lưới điện khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy, ổn định theo hướng đa dạng hóa, chú trọng nâng cao hệ số công suất khả dụng và có dự phòng công suất phù hợp; đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái. Đó là những mục tiêu quan trọng của ngành Điện trong Dự thảo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược phát triển năng lượng) của Bộ Công Thương.

Dự thảo Chiến lược phát triển năng lượng với mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Tiến hành chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.

Ngành Điện trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Trung tâm Điện lực Duyên Hải

Trong đó, định hướng phát triển ngành Điện là phát triển nhanh và bền vững các nguồn phát điện với cơ cấu và phân bố hợp lý, bảo đảm an toàn, tin cậy, ổn định theo hướng đa dạng hoá, chú trọng nâng cao hệ số công suất khả dụng và có dự phòng công suất phù hợp; đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái.

Tiếp tục phát triển nguồn thủy điện vừa và nhỏ có chọn lọc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; tận dụng thế mạnh của nguồn cung cấp điện từ thủy điện vừa và nhỏ nhằm tăng khả năng cung cấp nguồn điện tại chỗ, góp phần nâng cao tỷ trọng phát triển công nghiệp, kết hợp hỗ trợ nguồn nước tưới cho nông nghiệp và nước sinh hoạt từ các hồ chứa thủy điện đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa; Tăng cường nhập khẩu điện từ các nước láng giềng và các nước trong khu vực có tiềm năng, trên nguyên tắc đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn vận hành hệ thống điện.

Cần phát triển công suất nguồn điện cân đối, hài hòa trên từng vùng: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, hướng tới đảm bảo cân bằng cung - cầu nội vùng; nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất truyền tải và khai thác hiệu quả các nguồn điện; Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa đạng hóa các loại hình nguồn điện. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (đặc biệt là điện gió ngoài khơi), năng lượng mới và điện khí trong nước nhằm khai thác hiệu quả nguồn năng lượng quốc gia. Nâng cao tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo so với các mục tiêu đặt ra trong các chính sách hiện hành.

Ngành Điện trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Năng lượng tái tạo đang trên đà phát triển và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những năm tới

Cần đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió trên bờ, ngoài khơi, điện mặt trời theo phương thức tự cung cấp, tiêu thụ tại chỗ, không phát điện lên lưới điện quốc gia, với quy mô phù hợp với quy hoạch/kế hoạch phát triển nguồn điện trong từng giai đoạn) cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là phục vụ sản xuất các loại hình năng lượng mới (hydrogen, amoniac xanh, hóa chất…), sản xuất kinh doanh, các nhu cầu dân sinh và các loại hình sản xuất điện từ rác, sinh khối và đồng phát.

Ưu tiên phát triển nguồn điện tại các khu vực có nhu cầu điện lớn, thuận lợi đầu tư cơ sở hạ tầng và có khả năng mở rộng trong tương lai. Có lộ trình phù hợp chuyển dần các nguồn điện LNG sang sử dụng hydrogen (tăng dần tỷ trọng đốt kèm), chuyển dần các nguồn điện than sang dùng biomass hoặc amoniac (tăng dần tỷ trọng đốt kèm).

Phát triển các loại hình nguồn điện vận hành linh hoạt (thủy điện tích năng, hệ thống lưu trữ năng lượng…) phù hợp với quy mô và tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện. Bên cạnh đóa, cần đa dạng hóa các nguồn nhiên liệu sử dụng cho phát điện để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cân đối hài hòa giữa nhiên liệu trong nước và nhiên liệu nhập khẩu; đa dạng hóa các hình thức đầu tư, nguồn vốn đầu tư phát triển nguồn điện.

Theo Chiến lược phát triển năng lượng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện đồng bộ theo nhiệm vụ được giao. Chịu trách nhiệm đầu tư các công trình lưới điện truyền tải theo quy định trong Luật Điện lực và các quy định pháp luật liên quan khác.

EVN thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục giảm tổn thất điện năng; áp dụng chương trình tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dung; Tiếp tục nâng cao năng suất lao động, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, giảm nhẹ ô nhiễm môi trường trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối và kinh doanh bán điện; Đẩy mạnh thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức của xã hội, khách hàng sử dụng điện để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

N.H

Thực hiện định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc giaThực hiện định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia
Năng lượng tái tạo - Những bước đi trong tương laiNăng lượng tái tạo - Những bước đi trong tương lai
Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị: Tiết kiệm năng lượng là quốc sáchNghị quyết 55 của Bộ Chính trị: Tiết kiệm năng lượng là quốc sách
Quán triệt Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc giaQuán triệt Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia

  • el-2024