Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị: Tiết kiệm năng lượng là quốc sách

21:51 | 23/07/2020

415 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Một trong 4 hội thảo chuyên đề được thảo luận tại Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020 thu hút sự quan tâm của nhiều người, đó là chuyên đề “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho phát triển bền vững năng lượng Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị: Tiết kiệm năng lượng là quốc sách

Đây cũng là nội dung quan trọng được đặt ra tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Nghị quyết số 55 - NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ, mặc dù ngành năng lượng Việt Nam đã có những bước chuyển đổi tích cực, năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh đất nước song vẫn còn tồn tại nhiều thách thức: như nguồn cung trong nước không đủ và nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên năng lượng chưa hiệu quả; cơ sở hạ tầng ngành năng lượng thiếu đồng bộ; thị trường năng lượng chưa thật sự cạnh tranh, thiếu liên thông giữa các phân ngành.

Để giải quyết những tồn tại đó, Nghị quyết 55/NQ/TW đã đưa ra các định hướng lớn cho phát triển ngành năng lượng Việt Nam trong giai đoạn tới, trong đó, cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng được đặc biệt quan tâm. Nghị quyết khẳng định: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”. Tại Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh, "Đảng ta xác định tiết kiệm năng lượng đó là một quốc sách của quốc gia. Và tiết kiệm ở đây không phải chỉ là tiết kiệm trong việc sử dụng điện hàng ngày của chúng ta, mà tiết kiệm ở đây là phải có những chế tài, giải pháp để làm sao cho tất cả các doanh nghiệp của Việt Nam, cho những người sử dụng điện của Việt Nam phải được sử dụng, phải được trang bị các công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, và chính qua đó chúng ta cũng sẽ đổi mới được công nghệ, đổi mới được thiết bị nhằm nâng cao được năng suất và hiệu quả của sản xuất Việt Nam".

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị: Tiết kiệm năng lượng là quốc sách
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương.

Phát biểu khai mạc hội thảo chuyên đề chuyên đề “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho phát triển bền vững năng lượng Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, phát triển năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là tất yếu, song phát triển năng lượng phải đi liền với đảm bảo an ninh năng lượng, gắn với bảo vệ môi trường. Để đạt được mục tiêu này, một trong những giải pháp chiến lược quan trọng cần triển khai chính là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, cải thiện hiệu suất năng lượng để giảm mức tiêu hao năng lượng.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng, giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu,... từ đó, giải quyết được những thách thức tồn tại đã đề cập ở trên.

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua ban hành nhiều chính sách liên quan cũng như phát động triển khai những hoạt động cụ thể để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả toàn xã hội. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành năm 2010 cùng với một hệ thống các văn bản hướng dẫn thực thi. Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai trong giai đoạn 2006-2015 đã giúp tiết kiệm được trên 15 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Tiếp nối là Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu đề ra: tiết kiệm được từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).

Gần đây nhất là Chỉ thị số 20/CT - TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 đã được phê duyệt với mục tiêu rõ rệt là tiết kiệm mỗi năm 2% điện năng tiêu thụ. Cùng với Nghị quyết 35/NQ/TW, những văn bản, chương trình, chỉ thị trên đã cho thấy tầm nhìn chiến lược và chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam tới lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, "Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng kỹ thuật để giảm thiểu tình trạng thất thoát và lãng phí trong sử dụng năng lượng tại tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, chiếu sáng công cộng, cho đến tiêu thụ năng lượng tại công sở và hộ gia đình. Kinh nghiệm của các quốc gia thành công khi xây dựng một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao, sử dụng hiệu quả năng lượng và giảm phát thải, cho thấy các hoạt động tổng thể về tiết kiệm năng lượng cần được duy trì, củng cố và hoàn thiện liên tục cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần được lồng ghép vào trong các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, kế hoạch chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia, cũng như chiến lược về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".

Tại hội thảo, khá nhiều ý kiến đề xuất các diễn giả đến từ EU chia sẻ tập trung vào các giải pháp giúp tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong các tòa nhà, các khu đô thị, khu công nghiệp, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm của Việt Nam vẫn còn đang sử dụng khá lãng phí, chưa hiệu quả.

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị: Tiết kiệm năng lượng là quốc sách
Bà Lê Thị Thanh Thảo - Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNIDO).

Bà Lê Thị Thanh Thảo - Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNIDO) - đơn vị đã nhiều năm tư vấn, hỗ trợ cho Việt Nam về các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp cho biết, trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của EU, tổ chức này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho TKNL trong các ngành công nghệp trọng điểm cũng như đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Từ kinh nghiệm của UNIDO trong việc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển về áp dụng TKNL, bà Thảo cho rằng, "chúng tôi thấy Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để TKNL đặc biệt trong công nghiệp cũng như có thể nhân rộng ra. TKNL là giải pháp được tích hợp trong rất nhiều giải pháp khác.. Ví dụ bây giờ các dự án của UNIDO về phát triển khu công nghệp sinh thái thì trong đó mảng TKNL hoặc ứng dụng các giải pháp về NLTT trong công nghiệp thì đã là những giải pháp được đánh giá rất cao. Ngoài ra còn có những giải pháp không tốn chi phí mà vấn có thể dẫn đến được TKNL qua việc tối ưu hóa hệ thống hoặc là áp dụng các quy trình quản lý về năng lượng ở trong các nhà máy, hay những giải pháp tôi thấy gần đây như là biomas để đốt các lò hơi công nghiệp hay là biomas phát ra nhiệt thì. Một ngành cũng rất tiềm năng mà UNIDO cũng hỗ trợ rất nhiều quốc gia đấy là khu vực chăn nuôi tập trung có rất nhiều chất thải có thể xây dựng được nhà máy ở quy mô công nghiệp để sản xuất ra khí gas để đốt hoặc từ khí gas có thể phát ra điện… hoặc là trong các chuỗi giá trị đặc biệt là trong chế biến nông nghiệp cũng có rất nhiều giải pháp có thể áp dụng các biện pháp về TKNL".

Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, tiềm năng TKNL của Việt Nam rất lớn. Để tiềm năng trở thành hiện thực thì việc xây dựng các kế hoạch hành động, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vô cùng quan trọng. Hội thảo chuyên đề về “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho phát triển bền vững năng lượng Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là cơ hội quý giá để lắng nghe ý kiến xây dựng từ các chuyên gia đầu ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước các bộ ban ngành, cơ quan, hiệp hội và các tổ chức quốc tế lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Những ý kiến trao đổi, góp ý sẽ giúp đưa NQ 55 của Bộ Chính trị vào cuộc sống nhanh hơn; nguồn năng lượng quý giá sẽ được sử dụng hiệu quả, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Theo ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, nhiệm vụ của Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho phát triển bền vững năng lượng Việt Nam giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2030 (VNEEP3) là nhằm rà soát, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTKHQ); Hỗ trợ kỹ thuật tài chính thúc đẩy TKNL; Xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam; Tăng cường năng lực SDNLTKHQ; Tăng cường kiểm tra giám sát SDNLTKHQ; Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng SDNLTKHQ; Tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực SDNLTKHQ; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ SDNLTKHQ và Đề xuất thành lập Quỹ Thúc đẩy SDNLTKHQ.

Mục tiêu tổng quát của chương trình là huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ) thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu KHCN và phát triển sản phẩm, chuyển đổi thị trường, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực SDNL TK&HQ. Đồng thời, hình thành thói quan SDNL TK&HQ trong mọi hoạt động xã hội; giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; TKNL trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trong đó, mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2019-2025 đạt mức TKNL 5-7% tổng tiêu thụ NL toàn quốc; giai đoạn 2025-2030 đạt mức TKNL 8-10% tổng tiêu thụ NL toàn quốc.

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, các địa phương đóng vai trò then chốt, quyết định thành công hay thất bại của chương trình TKNL. "Chúng tôi đã đánh giá mức tiêu thụ năng lượng của 63 tỉnh, thành phố, trong các ngành, lĩnh vực khác nhau ví dụ như trong công nghiệp, trong giao thông vận tải. Trong dân dụng, trong tòa nhà có những địa phương như TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Thanh Hóa có mức tiêu thụ rất cao trong khi nhiều địa phương khác có mức tiêu thụ năng lượng rất thấp. Tùy theo mức độ phát triển của nền kinh tế của các địa phương cũng như cơ cấu ngành nghề về sử dụng năng lượng của các địa phương này thì chúng tôi chia ra làm 7 nhóm các tỉnh, thành phố, với tiềm năng và tính khả thi về đạt mức TKNL khác nhau. Có thể thấy là có các nhóm như Hà Nội hay TP HCM thì mục tiêu chúng tôi đề xuất ra là đạt mức tiết kiệm 7,25%, hay có tỉnh cường độ năng lượng rất lớn và tập trung nhiều các ngành tiêu thụ năng lượng trọng điểm như xi măng, thép.. trong đó có Ninh Bình, Thanh Hóa hay Đồng Nai thì tiềm năng TKNL có thể đạt lên tới 7,9%. Ngược lại, có tỉnh thì do nền kinh tế chủ yếu dựa trên nông nghiệp thì sẽ có tiềm năng TKNL thấp hơn, có thể chỉ đạt từ 4,75-5%.. Đây là con số từ kết quả nghiên cứu của Dự án do Ngân hàng thế giới hỗ trợ Bộ Công Thương và chúng tôi cũng sẽ dựa trên cơ sở đó để hướng dẫn cho các tỉnh xây dựng các kế hoạch hành động thực hiện chương trình TKNL quốc gia giai đoạn 2020-2025.

Tại Hội thảo, đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cũng đã chia sẻ những mục tiêu cụ thể của Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho phát triển bền vững năng lượng Việt Nam giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2030 (VNEEP3) đến 2025: Giảm mức tiêu hao năng lượng trung bình trong các ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015-2018: Thép 3-10%, Hóa chất >7%, Nhựa 18-22,46%, Xi măng >7,5%, Dệt may >5%, Rượu bia nước giải khát 3-6,88%, Giấy 8-15,8%; 70% khu CN và 50% cụm CN được tiếp cận, áp dụng giải pháp TKNL; 100% Cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống QLNL; 100% DN vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện, giải pháp kỹ thuật theo hướng TKNL; 80 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh; Xây dựng chương trình chuyển đổi thị trường HSNL cho ít nhất 5 sản phẩm phổ biến; Đào tạo và cấp chứng chỉ cho 3.000 chuyên gia QLNL/KTNL; 90% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và phê duyệt chương trình SDNL TK&HQ; Phát triển hệ thống mạng lưới các đơn vị TKNL tại ít nhất 50 tỉnh thành. Xây dựng 1 trung tâm dữ liệu NL Việt Nam.

Đến 2030, giảm mức tổn thất điện năng xuống dưới 6%; Giảm mức tiêu hao năng lượng trung bình trong các ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015-2018: Thép 5-16,5%, Hóa chất >10%, Nhựa 21,55-24,81%, Xi măng >10,89%, Dệt may > 6,8%, Rượu bia nước giải khát 4,6 - 8,44%, Giấy 9,9-18,48%; 90% khu CN và 70% cụm CN được tiếp cận, áp dụng giải pháp TKNL; Giảm 5% tiêu thụ xăng, dầu trong GTVT; 150 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh; Dán nhãn năng lượng 50% các sản phẩm VLXD có yêu cầu cách nhiệt; Đào tạo và cấp chứng chỉ cho 5.000 chuyên gia QLNL/KTNL; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và phê duyệt chương trình SDNL TK&HQ.

Nguyên Long (Icon.com.vn)