Ngành Công Thương phải triển khai quyết liệt, toàn diện để khắc phục hậu quả bão số 3
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền và ảnh hưởng nặng nề đến Quảng Ninh, Hải Phòng cũng như nhiều tỉnh ở miền Bắc và miền Trung. Hoàn lưu của bão sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới nhiều địa phương miền Bắc.
Cuộc họp nhằm đánh giá sơ bộ thiệt hại bước đầu, đồng thời đề ra các giải pháp triển khai khắc phục, trong đó tập trung 3 vấn đề trọng tâm là tái cung cấp điện trở lại; đảm bảo duy trì xăng dầu cho thị trường; đảm bảo nguồn cung hàng hoá thiết yếu cho người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu toàn ngành Công Thương phải triển khai quyết liệt, toàn diện để khắc phục hậu quả bão số 3. |
Bộ Công Thương quyết liệt chỉ đạo, bám sát thực tế
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng đã báo cáo nhanh về tình hình triển khai công tác ứng phó với bão số 3 nhất là cung cấp điện, vận hành hệ thống, cung ứng xăng dầu, cung ứng hàng hoá thiết yếu cho người dân; tình hình sơ bộ thiệt hại gây ra đối với hệ thống điện và xăng dầu; đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục hậu quả sau bão theo chỉ đạo của Bộ trưởng.
Ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính báo cáo tại cuộc họp. |
Báo cáo tại cuộc họp, ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết, thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, từ trước và trong khi bão đổ bộ vào đất liền, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành 4 công điện để chỉ đạo các đơn vị ứng phó, phòng ngừa giảm thiểu thiệt hại và khắc phục thiệt hại sau khi bão đi qua, sớm cung cấp điện trở lại và chủ động chuẩn bị, đảm bảo nguồn cung xăng dầu, lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu sẵn sàng đưa ra thị trường, đặc biệt tại các khu vực có thể bị chia cắt, cô lập do bão vào hoàn lưu bão gây ra.
Sáng ngày 6/9/2024, trước khi bão đổ bộ vào đất liền, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty Vận hành hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (NSMO). Sau đó, trước diễn biến phức tạp của bão, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cũng đã trực tiếp dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại NSMO.
Bộ đã cử Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp tham gia đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra tại Quảng Ninh, Hải Phòng do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu.
Chiều 6/9/2024, đơn vị chức năng Bộ Công Thương (Vụ TTTN) đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội kiểm tra hoạt động dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trước khi bão số 3 đổ bộ.
Theo báo cáo của các đơn vị chức năng, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống điện cả đối với lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối và 10 nhà máy điện phải dừng một số tổ máy để đảm bảo an toàn, ước tính gần 1 triệu khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng (5 đường dây 500kV, 31 đường dây 220kV; 97 đường dây 110kv bị thiệt hại, 10 nhà máy phải dừng, giảm. Đến 6 giờ sáng 8/9/2024, phụ tải không cung cấp được Miền Bắc là 63%, nặng nhất là Hải Dương 98%, Quảng Ninh đến 99%) và trên diện rộng ở nhiều tỉnh, đặc biệt Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Phú Thọ phải chủ động ngắt điện để bảo đảm an toàn hệ thống điện. Ngoài ra, tình trạng mất mạng viễn thông gây khó khăn cho công tác khắc phục sự cố.
Các cơ sở kinh doanh xăng dầu cũng bị thiệt hại: Công ty Xăng dầu B12 (đầu mối cung cấp xăng dầu lớn nhất miền Bắc) bị sạt lở 100m bờ kè và chìm 2 tàu kéo phao khi đang neo đậu tại kho cảng. Các kho xăng dầu Cái Lân (Quảng Ninh); An Hải và Đình Vũ (Hải Phòng) cũng bị ảnh hưởng. Nhiều cửa hàng xăng dầu khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng bị tốc mái. Tình trạng mất điện diện rộng, không có kết nối Internet, ảnh hưởng các cơ sở bán hàng tự động và kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử.
Đến nay cơ bản chưa ghi nhận thiệt hại về người. Tuy nhiên, thiệt hại nói chung còn có thể tăng khi bão tiếp tục tiến sâu vào đất liền và hoàn lưu của bão có thể gây thiệt hại đối với các tỉnh miền núi phía Bắc.
Khẩn trương cấp điện, xăng dầu, hàng hóa thiết yêu
Để giảm thiểu thiệt hại do bão số 3 gây ra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại, kịp thời khắc phục sự cố điện, đảm bảo nguồn cung xăng dầu, hàng hóa thiết yếu.
Hàng hóa thiết yếu phòng, chống Bão số 3 tại các địa phương bị ảnh hưởng đều được đảm bảo. |
Cụ thể, trong lĩnh vực điện lực, các đơn vị đã tập trung cao độ, ứng trực để kịp thời xử lý nhiều sự cố và khẩn trương khắc phục sau khi bão tan. Đến 22 giờ 30 ngày 07/9, các đơn vị điện lực đã đóng điện lại cho tất cả các trạm biến áp và đường dây 220kV bị ảnh hưởng. Các đơn vị điện lực liên quan đang tiếp tục kiểm tra an toàn các đường dây 110kV để tiếp tục đóng điện trở lại.
Tất cả các Công ty Điện lực từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa đều đã tổ chức tái lập ca trực tại tất cả các TBA 110kV, đường dây và vị trí lưới điện xung yếu. Đến 22g30 ngày 7/9, các nhà máy điện đang khôi phục lại điện tự dùng để chuẩn bị khởi động và sẵn sang hòa lưới.
Trước bão, Bộ đã chủ động chỉ đạo dừng, giảm hoạt động cung cấp điện tại các tổ máy để đảm bảo an toàn về người và thiết bị, tài sản. Ngay trong đêm 7/9, 3/10 nhà máy nhiệt điện đã được phục hồi trở lại, các nhà máy khác đang được khẩn trương khắc phục. Công tác vận hành hồ chứa thuỷ điện được duy trì và đảm bảo an toàn
Trong lĩnh vực than, khoáng sản, để đảm bảo an toàn, đến 21h00 ngày 06/9/2024 tất cả các đơn vị khai thác than hầm lò và lộ thiên tại khu vực Quảng Ninh đã dừng sản xuất và tổ chức trực ban theo quy định. Do mất điện diện rộng, các mỏ đã chạy máy phát điện dự phòng để bơm nước chống ngập các mỏ. Khu vực Đông Triều, Mạo Khê tình hình vẫn ổn định.
Đối với hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, tất cả các đơn vị chủ động ứng phó bão; Duy trì chế độ trực 24/24 đảm bảo thông tin thông suốt; Người và phương tiện đã được sơ tán về khu vực an toàn tránh trú bão.
Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước, công tác đảm bảo cung ứng xăng dầu đã được các doanh nghiệp đầu mối tại các địa bàn chủ động chuẩn bị đủ hàng cung cấp trong vòng 1-2 ngày. Ngay sau khi bão tan, hoạt động điều phối có thể trở lại bình thường.
Đối với việc cung ứng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu không có tình trạng thiếu hàng vì nguồn cung khá đầy đủ; không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến. Chỉ riêng tại các chợ truyền thống, giá nhóm hàng rau củ tăng nhẹ. Do mưa bão, việc vận chuyển cung cấp hàng hóa gặp khó khăn cục bộ tại một số khu vực. Các siêu thị vẫn mở cửa liên tục, nguồn cung đảm bảo. Hệ thống các siêu thị lớn tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn tính đến 9h sáng ngày 7/9/2024 thực phẩm thiết yếu như rau củ quả, thịt lợn, thịt gà, ... đầy ắp trên các quầy kệ.
Ưu tiên cấp lại điện cho khách hàng
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cục vụ, đơn vị chức năng liên quan thực hiện các nhiệm vụ, cụ thể: Tập trung chỉ đạo các đơn vị ngành điện khẩn trương khắc phục sự cố, khôi phục hệ thống điện bị sự cố nhanh nhất, có phương án dự phòng về mặt kỹ thuật để duy trì ổn định hệ thống điều độ điện khi có sự cố xảy ra; Ưu tiên cấp điện cho các khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, phục vụ cung cấp vật tư hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, cơ sở sản xuất; Khắc phục sự cố gắn với đảm bảo an toàn sử dụng điện, cung cấp thông tin hướng dẫn các cơ sở sản xuất, người dân;
Ưu tiên cấp điện lại cho người dân. |
Ngành điện triển khai phương án huy động phương tiện, vật tư, thiết bị, nhân lực tại các địa phương không hoặc ít bị ảnh hưởng bởi bão số 3 để hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nặng khắc phục lưới điện bị sự cố;
Tiếp tục chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy điện đúng quy trình, lưu ý dự phòng đón lũ do hoàn lưu bão, góp phần cắt lũ hạ du. Các hồ quan trọng như Hòa Bình, Thác Bà tăng lưu lượng xả tràn; tăng cường phát điện để hạ mực nước hồ dự phòng dung tích đón lũ do hoàn lưu bão;
Chỉ đạo các đơn vị toàn ngành sẵn sàng phương án ứng phó nếu xảy ra mưa lũ do hoàn lưu bão, đặc biệt khi một số khu vực có thể bị chia cắt, cô lập do lũ;
Chỉ đạo các Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa, chỉ đạo các doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân; chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối cung cấp đầy đủ hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân;
Chỉ đạo công tác truyền thông xã hội, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình đảm bảo cung cấp điện, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu để bình ổn thị trường.
Sau khi nghe các ý kiến, phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị đã thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc tập trung phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Toàn cảnh cuộc họp chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 3 của Bộ Công Thương. |
Theo Bộ trưởng, cơn bão này là cơn bão mạnh nhất trong hàng chục năm qua, gây thiệt hại nặng cho các địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội và các tỉnh duyên hải. Hoàn lưu của bão cũng rất có thể là còn gây ảnh hưởng nặng đến các tỉnh miền núi phía Bắc, kể cả Đông Bắc và Tây Bắc Bộ. Vì thế, ngành Công Thương phải triển khai quyết liệt những giải pháp toàn diện để khắc phục. Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu thực hiện ngay 3 nhiệm vụ trọng tâm nhất. Cụ thể là:
Thứ nhất, tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc ngành điện (ngành năng lượng) huy động mọi nguồn lực, cả nhân lực, vật lực để khắc phục các sự cố của các đơn vị phát điện của hệ thống đường dây và truyền tải cũng như lưới để cơ sở để sẵn sàng cấp điện trở lại phục vụ sản xuất và đời sống của người dân. Đồng thời, các đơn vị trong lĩnh vực năng lượng cũng phải kiểm tra tính an toàn hệ thống, duy trì nguồn cung; nhất là các đơn vị, doanh nghiệp đầu mối thu nhập phân phối và cửa hàng bán lẻ để đảm bảo việc cung ứng xăng dầu cho thị trường, bảo đảm ổn định.
Thứ hai, chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối phải cung ứng đủ lượng hàng cho hệ thống bán lẻ, đáp ứng mọi yêu cầu của sản xuất, đời sống người dân.
Thứ ba, chỉ đạo Công Thương các địa phương và hệ thống phân phối hàng hóa, hệ thống bán lẻ cả nước, đặc biệt là các tỉnh mà có ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, huy động mọi nguồn lực và sẵn sàng cung ứng đầy đủ, kịp thời các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất của người dân.
Bùi Công
-
Giá bán lẻ điện tăng 4,8% từ 11/10: EVN khẳng định mức tăng hài hòa an sinh xã hội
-
Những điểm mới của Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu
-
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị về Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu
-
Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng
-
Sớm hoàn thiện cơ chế giá điện hai thành phần