Ngân sách Nhà nước dành hơn 1.000 tỷ đồng chi nuôi bộ máy năm 2021

18:17 | 06/01/2021

104 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo dự toán của Bộ Tài chính, chi thường xuyên năm 2021 sẽ đạt khoảng 1.036 tỷ đồng, chiếm 61,4% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Mức dự toán trên đã bảo đảm ưu tiên bố trí chi đầu tư phát triển ở mức hợp lý, cao hơn mức bố trí dự toán năm 2020 cả về tỷ trọng và số tuyệt đối, trong điều kiện cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) khó khăn hơn.

Dự toán bố trí cho các bộ, địa phương triệt để tiết kiệm, quán triệt yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công và chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương từ NSNN.

Ngân sách Nhà nước dành hơn 1.000 tỷ đồng chi nuôi bộ máy năm 2021 - 1
Ngân sách chi thường xuyên năm 2021 vào khoảng 1.000 tỷ đồng, chiếm hơn 61% tổng chi ngân sách

Về tổng thu NSNN năm 2021, Bộ Tài chính dự toán khoảng 1.300 tỷ đồng, trong đó thu nội địa vào khoảng 84,4%. Về chi, trong bối cảnh dự kiến thu NSNN còn khó khăn do tình hình sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp cần thời gian phục hồi do tác động của đại dịch Covid-19, dự toán chi là 1.687 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 60.100 tỷ đồng so với dự toán năm 2020.

Trong đó, chi đầu tư phát triển là 477,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng chi NSNN, chi trả nợ lãi, viện trợ, dự trữ quốc gia là 112,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,7% tổng chi ngân sách Nhà nước; chi thường xuyên là 1.036,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 61,4% tổng chi NSNN.

Bộ Tài chính cho biết, năm 2020 Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Do đó, Bộ yêu cầu thực hiện triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thực sự cấp thiết, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác phí trong và ngoài nước, kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền.

"Ưu tiên dành nguồn thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo các nhiệm vụ về an ninh - quốc phòng, các dịch vụ quan trọng thiết yếu", Bộ Tài chính cho biết.

Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng, phân bổ và giao kế hoạch vốn phù hợp với khả năng thực hiện của từng nguồn vốn, từng dự án cùng từng bộ, địa phương.

"Quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư công. Năm 2021 mục tiêu phải kỷ luật tài chính, ngân sách nhà nước, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước; triệt để quán triệt quan điểm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", Bộ Tài chính thông tin.

Theo Dân trí