Ngân sách dự phòng chống dịch tả lợn châu Phi đã cạn kiệt

12:16 | 16/07/2019

954 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Đồng bằng sông Hồng là nơi bị thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi, nhiều địa phương mất tới 30-40% tổng đàn, ngân sách dự phòng cho công tác chống dịch đã cạn kiệt.  

Số liệu thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy, tính đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 5.422 xã, 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố; tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 3,3 triệu con. Điều đáng lo ngại là, 106 xã thuộc 22 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó dịch bệnh này lại quay trở lại.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, Đồng bằng sông Hồng cũng là nơi bị thiệt hại nặng nề bởi DTLCP, nhiều địa phương mất tới 30-40% tổng đàn, ngân sách dự phòng cho công tác chống dịch đã cạn kiệt.

ngan sach du phong chong dich ta lon chau phi da can kiet
(Ảnh minh họa)

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, DTLCP đã xảy ra hơn 160 ngày chính thức kể từ ngày xuất hiện ổ dịch đầu tiên tại Hưng Yên. Đến giờ phút này thiệt hại vô cùng nặng nề, ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân, bởi ngành chăn nuôi ở nước ta chủ yếu là chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Đó là chưa kể kinh phí phòng chống, tiêu hủy lợn bệnh phải bỏ ra.

“Có những tỉnh dùng toàn bộ ngân sách dự trữ để hỗ trợ nhưng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ thiệt hại do dịch bệnh này gây ra. Tuy nhiên, diễn biến chưa dừng lại, phải xác định sống chung với dịch bệnh này" - Bộ trưởng Cường nhận định.

Bộ trưởng đồng thời thừa nhận, chưa có dịch bệnh nào lại gây ra tác hại lớn, gây khó khăn vất vả trong quá tình ứng phó như dịch bệnh này, cũng chưa có loại dịch bệnh gì đối với sản xuất mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải liên tục thay đổi sự chỉ đạo, các địa phương tự sáng tạo, điều chỉnh để đối phó với dịch bệnh.

Đồng Nai là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề trong trận dịch này. Đầu tháng 7 vừa qua, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã có công văn gửi Thủ tướng, Bộ NN&PTNT đề nghị có giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi sau dịch.

Hiêp hội thông tin, các trang trại chăn nuôi mắc DTLCP trên cả nước nói chung, tại Đồng Nai nói riêng đang có nhiều khoản nợ chưa thanh toán, kinh tế nhiều gia đình lao đao, nguồn thu nhập giảm đáng kể.

“Đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sớm có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay đối với những trang trại và hộ chăn nuôi đã bị dịch; hộ nuôi chưa bị ảnh hưởng dịch nhưng giá bán quá thấp”, Hiệp hội nêu.

Thực tế, hiện tại Đồng Nai những ngày qua khi giá lợn hơi xuống dưới 30.000 đồng/kg thì người chăn nuôi đang phải chịu mức lỗ 1 triệu đồng/con khi xuất chuồng.

Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cũng cho biết, toàn tỉnh có 180 tỷ đồng kinh phí dự phòng nhưng thiệt hại do DTLCP gây ra đã lên tới gần 600 tỷ đồng. Vì thế, tình hình xử lý hết sức khó khăn.

Trước đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cũng dự báo giá thịt lợn thời gian tới sẽ tăng do nguồn thịt lợn sẽ có xu hướng biến động dịp cuối năm. Việc giảm cung không chỉ xảy ra ở thị trường nội địa mà còn ở nhiều nước khác cũng chịu thiệt hại từ DTLCP.

M.Đ

ngan sach du phong chong dich ta lon chau phi da can kietTỉnh duy nhất nào chưa bị dịch tả lợn châu Phi tấn công?
ngan sach du phong chong dich ta lon chau phi da can kietNguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh?
ngan sach du phong chong dich ta lon chau phi da can kietHỗ trợ người chăn nuôi, doanh nghiệp bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi