Ngân hàng cũng sợ “tồn kho”

19:00 | 18/03/2013

1,085 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Huy động vốn tăng nhưng lại không dám cho vay vì sợ nợ xấu, trong khi doanh nghiệp muốn vay nhưng lại sợ lãi cao không gánh được khiến lượng “tồn kho” ngân hàng đang phình to.

Tiền "xếp đống" nhưng ngân hàng lại chẳng biết giải ngân ngân đi đâu!

Theo như mục tiêu được Ngân hàng Nhà nước đề ra từ đầu năm, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống sẽ là 12%. Như vậy, ít nhất, mỗi tháng, tăng trưởng của toàn hệ thống phải đạt trung bình 1%. Tuy nhiên, trong một thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống tín đến 19/2 chỉ lại âm 0,16%.

Và theo nhận định của giới chuyên gia thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2013 sẽ rất khó thực hiện, đặc biệt là trong lúc khả năng “hấp thụ” vốn từ nền kinh tế hiện khá yếu!

Chia sẻ với báo chí tại nhiều diễn đàn, hội thảo gần đây, không ít lãnh đạo ngân hàng đã lên tiếng bày tỏ mong muốn “được” giải ngân vốn huy động được vào nền kinh tế. Nhưng mong muốn trên xem ra rất khó thực hiện dù “thành ý” này có lớn đến đâu thì chắc chắn, chẳng ngân hàng nào cho vay “bừa” để rồi ôm nợ xấu cả!

Theo tìm hiểu, từ đầu năm đến nay, nhiều chương trình hỗ trợ, vay vốn ưu đãi,… cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế đã được không ít ngân hàng tung ra nhưng thực tế, hiệu quả lại rất thấp. Điển hình có thể kể tới chương trình cho vay mua nhà để ở của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu với gói tín dụng trị giá 5.000 tỉ đồng, lãi suất chỉ 12%/năm và cố định trong 2 năm nhưng từ cuối năm 2012 đến nay mới giải ngân được vài trăm tỷ đồng.

Với những diễn biến như trên, ông Đỗ Minh Toàn – Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho biết: Mục tiêu tăng trưởng huy động vốn của ngân hàng năm nay là 20 - 30%, dư nợ tín dụng tăng   15 - 20%. Vì thế, ngay những tháng đầu năm, ACB đã có các chính sách cho vay lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng trong năm nay không dễ”.

Dưới một góc độ khác, trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay, mức lãi suất đi vay hiện vẫn bị đánh giá là mức quá cao so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Thậm chí, theo ông Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì hiện, số lượng doanh nghiệp được hưởng mức lãi suất 11 – 13% là rất hạn chế mà phần nhiều đang phải gánh lãi từ 15 – 16%.

“Có thể nói đây là mức thấp hơn so với mọi năm, nhưng vẫn cao nếu so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp” – ông Kiêm nhấn mạnh.

Chia sẻ cái “khó” trong bài toán giải ngân của các nhà băng, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng đã đưa ra phân tích như sau: Hiện lãi suất cho vay phổ biến của khối ngân hàng thương mại Nhà nước dành cho sản xuất kinh doanh thông thường từ 11 - 15% đối với kỳ ngắn hạn và trung, dài hạn là 14,6 – 16,5%. Ở khối  ngân hàng thương mại cổ phần, lãi cho vay ngắn hạn sản xuất kinh doanh thông thường từ 12 - 15%; trung, dài hạn là 16 - 17,5%.

Tuy nhiên, đây chỉ là mức lãi suất công bố trên danh nghĩa, bởi theo như phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì để có thể vay vốn họ còn phải gánh thêm nhiều loại phí (mà theo các ngân hàng thì họ phải chịu nhiều chi phí khi huy động vốn) và sau khi cộng hết lại thì lãi suất doanh nghiệp phải trả có thể lên tới 17 - 18%/năm!

Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội cho biết: Hầu hết các công ty bất động sản hiện không có lợi nhuận và nếu có thì cũng chỉ duy trì hoạt động mà thôi. Đã vậy, phần lớn những tài sản có thể thế chấp ngân hàng để vay vốn thì cũng đều mang đi thế chấp hết rồi. Dự án nào còn “sạch” thì ngân hàng cũng chẳng dám cho vay vì cho vay thì chẳng biết bao giờ mới thu hồi lại được trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng như hiện nay.

“11 – 13%/năm đúng là mức lãi suất lý tưởng nhưng là lý tưởng trong lúc thị trường còn sôi động, tăng trưởng của nền kinh tế ở mức cao chứ vào thời điểm này thì lại là gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp. Lợi nhuận 15 – 16%/năm là điều mơ ước đối với giới doanh nghiệp hiện nay” – vị giám đốc trên nói.

Nói như vậy để thấy rằng, hiện các ngân hàng muốn cho vay nhưng lại sợ vì các doanh nghiệp hiện cũng đang hết sức khó khăn, thậm chí là sống trong cảnh nợ nần, tài sản thế chấp không có, triển vọng kinh doanh cũng lại rất mờ mịt,… và nếu không giải quyết thỏa đáng vấn đề này thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% là rất khó khăn.

Để giải quyết tính trạng trên, khơi thông dòng chảy vốn trong nền kinh tế, giới chuyên gia đều chung quan điểm là phải giảm cả lãi suất cho vay và lãi suất huy động chứ không thể tiếp tục duy trì tình trạng “nhìn nhau” cầm hơi giữa doanh nghiệp và ngân hàng được. Bài toán cân bằng lợi ích giữa 3 bên là Ngân hàng – Nhà nước – Doanh nghiệp cần sớm có đáp án giải quyết.

Mức lãi suất giảm thêm 1%/năm vào thời điểm hiện tại và có thể xem xét giảm tiếp vào những tháng tiếp theo là đề xuất chung của nhiều chuyên gia.

Thanh Ngọc