Nga tiếp tục giảm nguồn cung khí đốt tới Đức

10:49 | 27/07/2022

499 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga tại Đức, Tập đoàn năng lượng khổng lồ Uniper, đã ghi nhận ​​nguồn cung khí đốt từ Nga tiếp tục bị cắt giảm xuống chỉ còn 1/3 khối lượng được đề xuất và thỏa thuận theo hợp đồng, người phát ngôn của công ty Đức nói với Reuters.
Nga tiếp tục giảm nguồn cung khí đốt tới Đức

Nga đang tiếp tục giảm lượng dòng chảy qua Nord Stream trong tuần này, xuống chỉ còn 20% công suất của đường ống, vài ngày sau khi khởi động lại liên kết ở mức 40% công suất sau khi kết thúc thời gian bảo trì.

Lời giải thích của Nga về lưu lượng khí thấp hơn đến châu Âu là do một turbine khác tại một trạm nén đang được bảo trì và sửa chữa, trong khi turbine mà Canada trả lại sau khi sửa chữa vẫn chưa được lắp đặt.

Hôm 25/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, turbine mà Siemens trả lại sẽ được lắp đặt sau khi hoàn tất mọi thủ tục, song lưu ý "Chúng tôi biết rằng chúng tôi cũng có vấn đề với các turbine khác và Siemens cũng nhận thức được điều này".

Trong khi đó, Công ty mua khí đốt lớn nhất của Nga ở Đức, Uniper, tiếp tục đấu tranh để có được nguồn cung cấp theo hợp đồng từ Gazprom, vài ngày sau khi chính phủ Đức can thiệp để giải cứu tập đoàn năng lượng, vốn đang lao đao vì nguồn cung của Nga giảm và giá cả tăng vọt.

Nhà chức trách Đức và Uniper đã đồng ý về gói cứu trợ trị giá 15 tỷ USD, bao gồm việc chính phủ Đức nắm giữ 30% cổ phần của công ty. Đức cũng cung cấp thêm vốn khả dụng lên tới 7,8 tỷ USD (7,7 tỷ euro), và ngân hàng KfW thuộc sở hữu nhà nước của Đức cung cấp cho Uniper thêm 7,1 tỷ USDE (7 tỷ euro) hỗ trợ thanh khoản thông qua việc gia tăng cơ sở tín dụng hiện có.

Các công ty Đức cũng đang cảm thấy bị kìm hãm bởi nguồn cung khí đốt thấp từ Nga và giá năng lượng cao ngất ngưởng trong năm nay.

Một trong số sáu công ty công nghiệp của Đức nhận thấy cần phải giảm sản lượng do giá năng lượng cao, một cuộc khảo sát của Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức, DIHK cho hay.

Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng, chỉ một nửa số công ty công nghiệp của Đức đã đáp ứng các yêu cầu về khí đốt hàng năm vào năm 2022 của họ thông qua các hợp đồng.

Bình An