Ngành may mặc Việt Nam mong được giảm thuế để đối phó với Covid-19

13:00 | 09/03/2020

549 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hiện nay, hơn 2 triệu lao động ngành dệt may có khả năng thiếu việc làm do Covid-19. Ngành may chỉ đủ nguyên liệu sản xuất đến giữa tháng 3/2020. Việc nguồn cung chủ yếu của ngành dệt may Việt Nam là Trung Quốc bị ách tắc từ đầu tháng 2 và còn tiếp tục đến tháng 4, thậm chí chưa thể lường hết thời gian nguồn cung được khai thông, sẽ có khả năng ảnh hưởng lớn tới toàn ngành dệt may Việt Nam trong cả năm 2020.    

Trước mắt, ảnh hưởng của Covid-19 tới ngành dệt may Việt Nam trong quý I và sang quý II là rất trầm trọng, theo nhận định của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas). Trung Quốc đang là nguồn cung lớn nhất lượng nguyên phụ liệu cho Việt Nam, chiếm tỷ lệ tới 50%. Ngoài ra, nguồn cung nguyên phụ liệu cho dệt may Việt Nam đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Malaysia cũng ảnh hưởng kể từ tháng 1/2020 khi Covid-19 bùng phát.

nga nh may ma c vie t nam mong duo c gia m thue de do i pho vo i covid 19
Hệ thống truyền treo thông minh

“Do thiếu hụt nguyên phụ liệu nhập khẩu, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có khó khăn, cụ thể là đảo lộn bố trí chuyền sản xuất do các doanh nghiệp phải điều chỉnh: Kế hoạch sản xuất các mặt hàng nguyên liệu đang có; bố trí lại dây chuyển sản xuất từ hàng dệt thoi, sang hàng dệt kim; bố trí lại giờ làm việc cho người lao động (do ở một số địa phương, có những doanh nghiệp buộc phải giảm giờ làm của người lao động)” - ông Vũ Đức Giang cho biết.

Với việc Trung Quốc chiếm tới hơn nửa tỷ trọng nguồn cung nguyên vật liệu cho ngành dệt may thế giới, thì việc tìm nguồn cung thay thế là không đơn giản. Tại các doanh nghiệp của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), một doanh nghiệp đầu ngành hàng may mặc nước ta, với tổng lượng người lao động lên tới 80.000 người, thì hầu hết đều chỉ đủ nguyên liệu cho sản xuất đến giữa tháng 3/2020, do nguyên liệu đã được nhập về trước Tết Nguyên đán. Trong ngắn hạn, đơn cử nếu việc sản xuất vải của Trung Quốc bị chậm một tháng, thì các doanh nghiệp may tại Vinatex với tỷ trọng sử dụng 50% vải Trung Quốc, sẽ bị chậm nửa tháng sản xuất do thiếu nguyên liệu. Việc thiếu nguyên liệu kéo dài bao lâu hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch và sự quay trở lại sản xuất của các nhà máy nguyên liệu tại Trung Quốc. Trong lúc này, nguồn tin từ Trung Quốc kỳ vọng rằng, họ sẽ kiểm soát hoàn toàn được dịch do Covid-19 vào cuối tháng 4/2020. Như vậy, sản xuất may xuất khẩu tại Việt Nam sẽ chậm ít nhất 1 tháng.

Tuy nhiên vào đầu tháng 3/2020, các nhà máy sản xuất nguyên liệu của Trung Quốc đã quay trở lại sản xuất. Chỉ có điều sản lượng mới chỉ bằng 50% so với bình thường, do còn thiếu lực lượng lao động và một số yếu tố khó khăn khác. Như vậy trong ngắn hạn, nguồn cung thiếu hụt là một khó khăn cho Vinatex nói riêng và toàn ngành dệt may Việt Nam nói chung. Trong khi đó, với ảnh hưởng của đại dịch, thì kinh tế toàn cầu năm 2020 có tăng trưởng thấp, tất yếu ảnh hưởng tới lượng cầu hàng hóa dệt may, dẫn đến khó khăn mới trong số lượng đơn đặt hàng trong năm 2020 này.

nga nh may ma c vie t nam mong duo c gia m thue de do i pho vo i covid 19
Ngành may mặc Việt Nam mong được giảm thuế để đối phó với Covid-19

“Trong tháng 2, tháng 3/2020, Vinatex chưa vào đỉnh điểm tình trạng thiếu nguyên liệu, do lượng nguyên liệu đã được đặt hàng từ tháng 12/2019, được đưa về Việt Nam từ tháng 1/2020. Nhưng áp lực thiếu nguyên liệu, thiếu việc làm sẽ lên đến đỉnh điểm vào giữa tháng 3, tháng 4/2020. Do đó, chúng tôi sẽ tập trung giải quyết các đơn hàng cho các thị trường khác trong thời điểm thiếu nguyên liệu từ Trung Quốc. Đơn cử, đó là mặt hàng khẩu trang phục vụ nội địa, và tìm hướng xuất khẩu. Tối đa có thể phủ kín 15-20% năng lực sản xuất với mặt hàng khẩu trang. Đặc biệt, khẩu trang lại là mặt hàng mà Vinatex làm chủ được nguyên liệu, tạo chuỗi cung ứng hoàn thiện trong nội bộ Vinatex” - ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex cho biết.

Vinatex cũng sẽ đẩy mạnh kích cầu nội địa một số mặt hàng như sơ mi, quần âu, quần áo dệt kim, và một mặt hàng mới hoàn toàn là khẩu trang - là những loại hàng mà Tập đoàn chủ động sản xuất được nguyên liệu. Vinatex trong tình huống này đẩy cao nhất công suất sản xuất vải của tất cả các nhà máy dệt trong Tập đoàn để có thể đảm bảo sản xuất, thay thế một phần thiếu hụt nguyên liệu làm hàng xuất khẩu.

“Tuy nhiên, đây là giải pháp không có lợi về mặt tài chính, vì nguyên liệu sản xuất nội địa đang có quy mô nhỏ, giá thành hiện cao hơn so với nguyên liệu nhập khẩu. Nhưng Vinatex vẫn quyết định thực hiện giải pháp sản xuất nguyên liệu nội địa cung ứng cho sản xuất, để các nhà máy may không bị gián đoạn sản xuất, người lao động có việc làm. Đối với Vinatex, ưu tiên số 1 là phải đủ việc làm cho người lao động, đảm bảo đủ tiền lương cho người lao động. Người lao động là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Chúng tôi chấp nhận hy sinh lợi nhuận để có đủ việc làm cho công nhân” - ông Lê Tiến Trường khẳng định.

Việc Việt Nam chủ động tìm nguồn cung khác cho hàng may xuất khẩu cũng là một thách thức. Bởi đơn cử, khi chúng ta chủ động kết nối được với một nhà sản xuất nào đó, và đặt một đơn hàng nguyên liệu mới, thì quy trình từ phát triển mẫu mã, sản xuất và vận chuyển tới doanh nghiệp sản xuất may của Việt Nam cũng phải mất tới 50 ngày. Do đó, tìm nguồn cung mới không phải là giải pháp cho ngắn hạn.

“Trong ngành hàng thời trang, thường ký hợp đồng trước khá lâu và các nhà mua hàng đã phê duyệt nguyên phụ liệu rồi. Khi nguồn cung đã được phê duyệt bị đình đốn như thời gian có dịch Covid-19 này, thì các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có muốn đổi nguồn cung để đảm bảo sản xuất đơn hàng, cũng không làm ngay được. Việc tìm nguồn cung nguyên phụ liệu mới chỉ có thể là giải pháp trung hạn, dài hạn mà thôi” - ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas nhận định.

“Sau này, với thực tế rủi ro từ việc phụ thuộc chính vào một nguồn cung, có thể chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có sự sắp xếp lại, điều chỉnh hợp lý hơn, với quan điểm không phụ thuộc 100% vào một quốc gia hay khu vực cung ứng nữa, dù đó có là nơi sản xuất tốt nhất, giá thành thấp nhất, mà với nơi cung ứng tốt nhất, cũng chỉ quy hoạch tỷ lệ cung ứng tới 60%, còn 40% dành cho các nơi cung ứng khác, để tạo sự cân bằng tốt hơn cho chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu” - ông Lê Tiến Trường dự báo.

Trước diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp dệt may, đặc biệt là doanh nghiệp may, có lực lượng đông đảo người lao động sẽ gặp bội phần khó khăn do quỹ lương khổng lồ. Nếu phần dự trữ rủi ro chưa lớn, thì chỉ chưa đầy hai tháng thiếu việc làm, mà vẫn phải trả lương cơ bản cho người lao động, thì doanh nghiệp đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn tài chính, thậm chí dẫn tới phá sản. Là một doanh nghiệp may có tới hơn chục ngàn lao động, bà Phạm Thị Phương Hoa - Tổng giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên, chia sẻ rằng, trong giai đoạn này, doanh nghiệp phải giảm giờ làm mà lại tăng chi phí, do sản lượng không đạt mức thông thường, do kết cấu mặt hàng thay đổi, các chuyền may phải đảo mặt hàng liên tục, dẫn đến năng suất lao động những ngày đầu không cao, khiến cho doanh nghiệp lao đao. Đề nghị Chính phủ chung tay giúp đỡ doanh nghiệp, bằng hình thức giảm thuế, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…

“Các ngân hàng nên vào cuộc để bảo đảm sự sống cho cộng đồng doanh nghiệp, bằng cách giảm lãi suất, không chỉ trong thời gian có dịch, mà còn có thể kéo dài hết năm 2020 do tác động của dịch lâu dài. Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ tiếp thêm sức lực cho doanh nghiệp chống đỡ khó khăn do Covid-19, bằng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm các loại phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…” - đồng ý kiến với bà Phạm Thị Phương Hoa, Chủ tịch Vitas - ông Vũ Đức Giang nói thêm.

Trong thách thức của đại dịch Covid-19, thì ngành dệt may Việt Nam không chỉ cần lo sao đảm bảo việc làm cho người lao động, phát triển bền vững, mà còn cần một chiến lược đúng đắn, linh hoạt với tình hình mới, khi chuỗi cung ứng toàn cầu có thể được điều chỉnh mới. Thêm vào đó, Việt Nam với lợi thế cho ngành dệt may từ các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, thì không có lý do gì ngành lại không xoay chuyển, bứt phá, để có thể hoàn thiện chuỗi cung ứng của mình, phù hợp với tình hình mới, vượt qua thách thức và trưởng thành.

“Chính phủ nên sớm để hoạch định quy hoạch phát triển ngành dệt may Việt Nam đi vào thực tế, trong đó đặc biệt chú ý xây dựng các khu công nghiệp dệt may (KCN DM)có xử lý nước thải hiện đại, để chuỗi dệt-nhuộm-may hoàn tất được đầu tư phát triển, đóng góp vào nguồn cung toàn cầu, và giảm bớt phụ thuộc nhập khẩu, tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại mà chúng ta đã đàm phán được như CPTPP và EVFTA. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đầu tư các cảng hàng không, đường thủy, hệ thống kho vận, vận tải thuận lợi, sẽ thu hút được các nhà đầu tư cho phần cung thiếu hụt nguyên phụ liệu dệt may. Các tỉnh cũng nên mở cửa chấp nhận đón các nhà đầu tư KCN DM, bởi nếu cứ để tình trạng lo ngại, không chấp nhận KCN DM trên địa bàn mình như hiện nay, thì Việt Nam cũng không thể tận dụng được lợi thế từ các HĐTM nói trên” - ông Vũ Đức Giang nói thêm.

Việt Châu