Góc khuất PCI: Thiếu lao động có tay nghề cao

07:00 | 29/04/2015

1,572 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việt Nam đang trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại, hiệu quả nhưng lại đang thiếu lực lượng lao động có tay nghề cao để thực hiện mục tiêu này.

>> Góc khuất PCI: Ám ảnh chi phí không chính thức

Công nhân Việt Nam điều khiển dây chuyền sản xuất vi mạch ở nhà máy Samsung Thái Nguyên.

Qua thực tế khảo sát tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014 (PCI 2014) chỉ ra rằng, để đưa ngành công nghiệp của Việt Nam lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu, thì lực lượng lao động có tay nghề chuyên môn cao đóng một vai trò quan trọng. Tuy nhiên, nguồn cung lao động có tay nghề cao ở Việt Nam chưa đáp ứng được cầu của thị trường.

PCI 2014 nêu rõ: Trong giai đoạn 2010-2014, các doanh nghiệp FDI đã phải chi một khoản lên tới 3,6-3,7% chi phí kinh doanh để đào tạo thêm 20-35% lao động mới tuyển dụng. Khoảng cách về trình độ tay nghề của người lao động và yêu cầu của doanh nghiệp tuy đã giảm dần trong các năm 2010-2013 nhưng lại tăng vào năm 2014. Điều này đã làm chi phí đào mà các doanh nghiệp bỏ ra tăng thêm.

Đặc biệt đối với những ngành quan trọng, công nghệ cao, chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạo nghề là rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Chính vì vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã phải tự đầu tư, bổ sung đào tạo cho người lao động mới tuyển cả những kỹ năng cơ bản và kiến thức chuyên môn.

Liên quan đến câu chuyện này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn CEO 2015 đã bình luận rằng: Có đến 96% doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp siêu nhỏ, chỉ có 2% là doanh nghiệp vừa và nhỏ và 2% là doanh nghiệp có quy mô lớn. Chính vì cơ cấu như vậy, tỉ lệ lực lượng lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn là rất thấp. Phần lớn trong số họ là lao động phổ thông, làm việc việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ.

Và để đáp ứng được những đòi hỏi cũng như thách thức của hội nhập kinh tế, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ông Lộc khuyến nghị các doanh phải có chiến lược, phải có chính sách đào tạo, phát triển quản trị doanh nghiệp và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Qua đó để thấy rằng, Việt Nam đang rất thiếu lao động có tay nghề cao. Và để giải quyết vấn đề này, theo PCI 2014, các doanh nghiệp FDI đã thực hiện các chính sách thu hút và tuyển dụng các chuyên gia nước ngoài. Động thái này không chỉ giúp doanh nghiệp giải bài toán nhân lực chất lượng cao mà còn bổ sung cho các chương trình đào tạo.

Tuy nhiên, báo cáo cũng lại nêu ra một thực tế hết sức đáng buồn, việc xin giấy phép làm việc cho người lao động nước ngoài lại đang gây những cản trở nhất định cho quá trình chuyển giao kiến thức, kỹ năng cho doanh nghiệp. Con số 74% cho biết họ gặp khó trong việc xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài đã khẳng định điều này.

Thậm chí, PCI còn nêu ra thực tế, quá trình xin giấy phép cho người lao động càng dài thì doanh nghiệp càng phải chi trả thêm nhiều khoản khác.

Bên cạnh những khoảng tối trên, PCI 2014 đưa ra những đánh giá tốt của doanh nghiệp về lao động Việt Nam. Hơn hai phần ba lao động được đào tạo gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, chứ không tranh thủ học tập nâng cao kỹ năng của nhà tuyển dụng để tìm kiếm một cơ hội lương cao hơn – kết quả này nhất quán trong 5 năm qua. Tỷ lệ giữ chân lao động được ghi nhận cao nhất ở các ngành đòi hỏi kỹ năng cao nhất. Một thống kê cho thấy, khả năng giữ chân lao động do doanh nghiệp đào tạo ở các doanh nghiệp tài chính là 77% số lao động mà họ đào tạo; doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô xe máy là 75%; doanh nghiệp sản xuất thiết bị máy tính là 73%... Vì vậy, các doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư vào đào tạo kỹ năng cho người lao động mà không phải quá lo sợ về việc để mất những lao động được đào tạo về tay các đối thủ cạnh tranh.

Về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong một cuộc trao đổi với phóng viên Năng lượng Mới cho hay: Qua tiếp xúc với các nhà đầu tư, tôi thấy các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá khá cao về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Chẳng hạn như Samsung, vì sao người ta lại thành lập một trung tâm sản xuất điện thoại di động lớn nhất tại Việt Nam (chiếm khoảng 50% lượng điện thoại di động của Tập đoàn này sản xuất trên toàn thế giới). Theo đánh giá của Samsung thì khả năng tiếp cận công nghệ của người lao động Việt Nam là rất nhanh, ví như nhà máy Samsung ở Bắc Ninh, hầu hết những cán bộ như xưởng trưởng, trưởng ca... đều là cán bộ, kỹ sư người Việt Nam.

“Đây chính là lợi thế lớn mà chúng ta cần tập trung giới thiệu, quảng cáo tới các nhà đầu tư nước ngoài trong việc các hoạt động xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên, để phát huy được lợi thế này, chúng ta cần phải chủ động xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo để cung ứng ra thị trường nguồn lao động có tay nghề. Qua đó giảm thiểu chi phí đào tạo cho doanh nghiệp và cũng là để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư” - GS.TSKH Nguyễn Mại nói.

Bài 3: TPP gần mà xa

Thanh Ngọc (Năng lượng Mới)