Nền công nghiệp dầu khí đang đánh cược tương lai với ngành nhựa?
Báo cáo "Tương lai không nằm ở Nhựa" chỉ ra rằng ngành công nghiệp dầu mỏ đang hy vọng nhu cầu nhựa sẽ gia tăng mạnh mẽ trong tương lai, nhưng viễn cảnh này sẽ không trở thành hiện thực khi thế giới đang bắt tay giải quyết vấn đề rác thải nhựa và chính phủ các nước bắt đầu hành động để đạt được các mục tiêu khí hậu. Thực tế này sẽ gây rủi ro cho các khoản đầu tư hóa dầu tổng trị giá lên đến 400 tỷ USD, và làm tăng khả năng nhu cầu dầu khí đã chạm đỉnh.
"Gã khổng lồ" Shell giảm mạnh lợi nhuận trong năm qua. |
Các kịch bản dự báo chính của Tập đoàn BP và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đều cho rằng nhu cầu nhựa sẽ là động lực mạnh nhất thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ gia tăng, lần lượt chiếm 95% và 45% mức tăng trưởng từ nay đến năm 2040, trong khi nhu cầu dầu mỏ đang gặp thách thức ở lĩnh vực quan trọng nhất là ngành vận tải.
Báo cáo chỉ ra áp lực ngày càng lớn về hạn chế sử dụng nhựa - hiện là mối quan tâm của công chúng trên toàn thế giới - có thể khiến mức tăng trưởng nhu cầu nhựa nguyên sinh bị giảm từ 4% một năm xuống dưới 1%, với dự báo nhu cầu đạt đỉnh vào năm 2027.
Kết quả là ngành dầu khí sẽ mất đi động lực tăng trưởng chính và khiến nhu cầu dầu khí nhiều khả năng đã chạm đỉnh từ đầu năm 2019.
Kingsmill Bond, chiến lược gia năng lượng của Carbon Tracker và là tác giả chính của báo cáo cho biết: “Chỉ cần bỏ đi trụ cột nhựa đang chống đỡ cho tương lai của ngành dầu mỏ, thì toàn bộ viễn cảnh đẹp đẽ về tăng trưởng nhu cầu dầu sẽ sụp đổ”.
Ngành công nghiệp hóa dầu đã và đang đối mặt với giá nguyên liệu nhựa thô thấp kỷ lục do tình trạng sản xuất dư thừa tràn lan. Tuy nhiên, ngành này vẫn có kế hoạch mở rộng nguồn cung cho sử dụng nhựa nguyên sinh thêm 25% với chi phí ít nhất 400 tỷ USD trong 5 năm tới, dẫn đến nguy cơ gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư.
Ngành công nghiệp nhựa chỉ là một gã khổng lồ "bơm hơi" và đã đến thời điểm sụp đổ. Mỗi tấn nhựa tiêu tốn của xã hội 1.000 USD chi phí ngoại ứng, tương đương 350 tỷ USD mỗi năm, từ phát thải CO2, những chi phí sức khỏe liên quan đến khí độc, chi phí thu gom và ô nhiễm đại dương trầm trọng đến mức báo động.
Cả thế giới đang nỗ lực chống lại rác thải nhựa trong khi ngành dầu khí lại đặt kỳ vọng vào nền công nghiệp này. |
Tuy nhiên, ngành này lại đang nhận được mức trợ cấp nhiều hơn cả khoản thuế nó đóng góp cho xã hội và phải đến gần đây mới bắt đầu có một số ít các quy định hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa. Trong khi đó, 36% nhựa chỉ được sử dụng một lần, 40% nhựa gây ô nhiễm môi trường và chỉ 5% nhựa thực sự được tái chế.
SYSTEMIQ cũng lưu ý rằng hiện nay đã có các giải pháp công nghệ cho phép cắt giảm sử dụng nhựa đáng kể với chi phí thấp hơn so với thông thường. Các giải pháp bao gồm tái sử dụng, với thiết kế và quy định về sản phẩm tốt hơn, sử dụng các vật liệu thay thế như giấy, song song với đẩy mạnh tái chế.
Yoni Shiran, người lãnh đạo Diễn đàn về nhựa của SYSTEMIQ và là đồng tác giả báo cáo, cho biết thêm: “Việc thay đổi từ hệ thống tuyến tính hiện tại sang một hệ thống xoay vòng khép kín sẽ đem lại nhiều lợi ích to lớn. Bạn có thể tận dụng được tất cả các chức năng của nhựa chỉ với một nửa chi phí, một nửa lượng nguyên liệu, bổ sung thêm 700.000 việc làm và giảm 80% ô nhiễm nhựa”.
Các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu và Trung Quốc đã và đang thực hiện các bước giảm thiểu rác thải nhựa bằng nhiều phương thức khác nhau, từ ban hành quy định, lệnh cấm đến đánh thuế, đặt ra các mục tiêu và xây dựng cơ sở hạ tầng tái chế.
Ví dụ, vào tháng 7/2020, EU đã đề xuất mức thuế 800 euro/tấn đối với nhựa phế thải không tái chế trong khi Trung Quốc cũng có quy định quản lý tương tự và đã bắt đầu cấm một số loại nhựa nhất định. Trung Quốc đã có bước đi quyết liệt đầu tiên vào năm 2018 khi cho đóng cửa phần lớn ngành nhập khẩu và xử lý chất thải nhựa - quy mô lớn nhất thế giới - buộc các quốc gia xuất khẩu rác thải nhựa phải giải quyết rác thải trong nước.
Báo cáo ghi nhận nhu cầu nhựa đang chững lại ở các thị trường phát triển và khuynh hướng đi tắt đón đầu ở các thị trường mới nổi. Cũng giống như xu thế ở các lĩnh vực khác trong hệ thống năng lượng, nhu cầu nhựa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đang chững lại, đồng thời lãnh đạo ở các thị trường mới nổi cũng đang tìm kiếm các giải pháp thay thế cho nhựa.
Nhu cầu về nhựa đang chững lại trên toàn thế giới. |
Một yếu tố quan trọng nữa có thể làm suy yếu viễn cảnh màu hồng về cầu hóa dầu do những nhà chức trách đương nhiệm vẽ ra chính là tác động của các chính sách toàn cầu giải quyết biến đổi khí hậu. Mọi giai đoạn trong chuỗi giá trị của nhựa đều thải ra CO2 - bao gồm đốt, chôn lấp hoặc tái chế, chứ không chỉ ở riêng quá trình khai thác dầu và sản xuất. Từ đây phân tích này cho thấy nhựa thải ra lượng CO2 nhiều gấp đôi so với việc sản xuất một tấn dầu.
Giả định rằng nhu cầu nhựa đạt 350 triệu tấn, với tổng lượng phát thải carbon cho mỗi tấn vào khoảng 5 tấn CO2, có nghĩa mức phát thải sẽ lên đến 1,75 tỷ tấn CO2. Nếu tốc độ tăng trưởng hiện tại tiếp tục kéo dài, “dấu chân carbon” của nhựa sẽ tăng gấp đôi vào giữa thế kỷ này, lên khoảng 3,5 tỷ tấn. Tuy vậy, Hiệp định Paris đặt mục tiêu lượng khí thải CO2 toàn cầu (33 tỷ tấn từ lĩnh vực năng lượng vào năm 2018) phải được cắt giảm còn một nửa vào năm 2030 và về 0 vào giữa thế kỷ này.
Chuyên gia Kingsmill Bond nhấn mạnh: “Ngành công nghiệp nhựa chỉ đơn giản là đang ảo tưởng khi nghĩ rằng nó có thể tăng gấp đôi lượng khí thải carbon trong khi phần còn lại của thế giới đang cố gắng cắt giảm chúng về con số 0”.
Báo cáo "Tương lai không nằm ở Nhựa" được thực hiện bởi SYSTEMIQ, một công ty có trụ sở tại London, với mục đích thúc đẩy thay đổi về mặt hệ thống trong ngành vật liệu, đất đai và hệ thống năng lượng. |
Tùng Dương
-
Emirates sử dụng 37% năng lượng sạch để vận hành trung tâm kỹ thuật
-
Tạo cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi
-
Bản tin Năng lượng xanh: EU thay đổi quy tắc đấu giá dự án hydrogen để hạn chế sự hiện diện của công ty Trung Quốc
-
Bản tin Năng lượng xanh: Báo cáo của IRENA cho thấy tăng trưởng kỷ lục của năng lượng tái tạo thúc đẩy sự cạnh tranh về chi phí
-
Vương quốc Anh khởi động chương trình Liên minh toàn cầu về năng lượng sạch và bền vững